40 năm nhìn lại trận Điện Biên Phủ trên không
Thực hiện chủ trương “đánh cho Mỹ cút” trước rồi mới “đánh cho ngụy nhào” sau, trong phiên họp riêng chiều ngày 18-10-1972, cố vấn Lê Đức Thọ trao cho cố vấn Kissinger bản dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Dự thảo ưu tiên giải quyết các vấn đề: Các bên cùng ngưng bắn, Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ rút quân về nước, ta thả hết tù binh Mỹ… Ta chưa đòi lật đổ chế độ Sài Gòn. Sau vài điều chỉnh không quan trọng, cả Nixon và Kissinger đều tuyên bố chấp nhận bản dự thảo, cam kết sẽ cùng ta ký kết vào cuối tháng 10-1972.
Nhưng rồi Nixon bội ước. Khi các cuộc họp riêng được nối lại từ ngày 20-11, Mỹ đòi sửa bản dự thảo 69 điểm, trong đó có yêu cầu bộ đội miền Bắc phải rút khỏi miền Nam. Nghĩa là hầu như phải viết lại một hiệp định khác.
B-52 bay cao trên 10km, đánh đêm là chính, sử dụng rất nhiều loại nhiễu điện từ phức tạp. Ảnh: vov.vn |
Cho đến ngày 13-12, hai bên đã thỏa thuận được mấy chục điểm lớn nhỏ, tuy vẫn “còn một số vấn đề lớn chưa thỏa thuận được”, trong đó có vấn đề bộ đội miền Bắc ở miền Nam. Hai bên đồng ý tạm ngưng các phiên họp riêng để hai cố vấn về nước xin chỉ thị của lãnh đạo mỗi bên. Trước khi chia tay, Kissinger nói: “Cuộc thương thuyết đã hoàn thành 99 phần trăm”.
Tuy nhiên, ngày 14-12, Nixon họp cùng Kissinger quyết định tiến hành chiến dịch Linebacker II (1) bốn ngày sau đó, “nói chuyện bằng B-52 để buộc Bắc Việt Nam quỳ gối, ký một hiệp định theo điều khoản của chúng ta”.
Nhằm giữ thể diện của một siêu cường quân sự và để rút quân trong danh dự, chiến dịch này còn với ý định “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá”, giảm bớt sự hỗ trợ quân sự cho chiến trường miền Nam.
Từ đêm 18-12 đến ngày 29-12-1972, cả thế giới kinh hoàng chứng kiến cuộc không kích khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại, với hơn 36.000 tấn bom, có sức nổ tương đương 5 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã sử dụng ở Hiroshima (Nhật Bản).
Nhưng kết cục là thất bại thảm hại và tội ác thêm chất chồng của đế quốc Mỹ. Xin chỉ ghi vắn tắt vài con số: 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 35 chiếc B-52, 5 chiếc F-111, bắt sống 43 phi công Mỹ, trong đó có 33 phi công B-52…
Ngày 29-12, Nixon quyết định chấm dứt chiến dịch Linebacker II với sự phản đối và lên án chưa từng có từ trong nước và trên thế giới. Nixon bị gọi là “kẻ không còn tính người”, “kẻ giết người hàng loạt”, “tên bạo chúa đã hóa điên”, tội ác của Nixon làm cho “nước Mỹ có nguy cơ trở lại sự dã man của thời kỳ đồ đá”…
Ngoài sự lên án dữ dội ở Mỹ và trên thế giới, có một nguyên nhân không kém phần quan trọng đã ngăn chặn bàn tay hiếu chiến của Nixon, như ông ta viết trong hồi ký: “Nỗi lo lớn nhất của tôi không phải là làn sóng phê phán ở trong nước cũng như ở nước ngoài vì điều đó đã được thấy trước, mà là mức độ tổn thất hệ trọng về máy bay B-52”(2).
Quân và dân ta ngoài lòng yêu nước, ý chí quyết chiến quyết thắng, còn vô cùng mưu trí và thông minh. Mỹ đã chủ động lựa chọn mục tiêu, thời điểm, cách đánh với ưu thế các loại vũ khí của một siêu cường dành để chống lại siêu cường (Liên Xô), biết rõ đối phương vô cùng khó khăn về mọi mặt, trong tay không có loại vũ khí nào bí mật đối Mỹ (3), vậy mà “châu chấu đá voi lòi ruột ra”.
Bác Hồ và Đảng ta nhìn xa trông rộng. Vào một buổi tối mùa đông, tại ngôi nhà sàn, đêm 29-12-1967, Bác Hồ đã nói với Tổng Tham mưu phó Phùng Thế Tài: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa máy bay B-52 ra ném bom Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi chịu thua trên bầu trời Hà Nội”. Từ đó, quân chủng Phòng không – Không quân xây dựng kế hoạch tác chiến chống B-52 của Mỹ.
Trận chiến 12 ngày đêm hạ thần tượng pháo đài bay B-52 bất khả chiến bại của Mỹ trở thành trận Điện Biên Phủ trên không vô cùng oanh liệt, đã đưa đến việc “Mỹ cút”, mở đầu cho quá trình “ngụy nhào”.
TRẦN QUÂN
(1) Chiến dịch quân sự dùng máy bay chiến lược B-52 của Mỹ hòng buộc ta ký kết Hiệp định Paris theo những điều khoản có lợi cho Mỹ.
(2) Mỗi chiếc B-52 trị giá gần 8 triệu USD. Nhưng cái đắt giá hơn là là khoảng 100 phi công B-52 được đào tạo công phu đã chết, bị thương và bị bắt làm tù binh.
(3) Trong cuộc chiến tranh Sáu ngày năm 1967 ở Trung Đông, Israel đã tịch thu được hơn 20 hệ thống tên lửa SAM-2 nguyên vẹn do quân Ả Rập bỏ lại khi rút chạy, nhờ vậy Mỹ đã nắm tường tận chi tiết của loại tên lửa này.
Năm 1969, một hệ thống rada cảnh giới P-12 của Ai Cập bị rơi vào tay Israel và toàn bộ kết quả phân tích được chuyển giao cho Mỹ, giúp Mỹ chế tạo ra các thiết bị gây nhiễu rất hiệu quả. Đây là 2 loại vũ khí và thiết bị hiện đại nhất của ta được Liên Xô viện trợ, đều bị Mỹ biết rất rõ.
Có một điểm đáng lưu ý, trước đây có tin đồn ta cải tiến nâng cao tầm bắn của SAM-2. Nhưng không phải, vì tên lửa SAM-2 có thể hạ mục tiêu ở độ cao trên 24.000m trong khi trần bay tối đa của B-52 chỉ là 17.000m (khi ném bom thì ở độ cao 10.000m). Trên thực tế, yếu tố giúp bắn hạ B-52 nằm ở việc ta cải tiến các thiết bị rada để “vạch nhiễu tìm thù”.