Những câu hỏi lớn đang cần lời giải đáp tại COP18
Sau gần hai tuần tranh luận gay gắt, ngày 8-12, Hội nghị lần thứ 18 Công ước Khung LHQ về biến đổi khí hậu (COP18) đã bế mạc tại Doha (Qatar) với cam kết gia hạn Nghị định thư Kyoto đến năm 2020 và một cam kết hỗ trợ tài chính không mấy mạnh mẽ của các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển.
Hội nghị Doha đã bế mạc muộn hơn gần một ngày so với lịch trình dự kiến do những bất đồng giữa các nước phát triển và đang phát triển về một số vấn đề gai góc. Dù thỏa thuận mới về việc mở rộng Nghị định thư Kyoto đã được thống nhất song vẫn còn không ít hoài nghi về chặng tiếp theo của con đường đấu tranh chống biến đổi khí hậu sau khi cánh cửa Doha khép lại.
Hội nghị thượng đỉnh Doha diễn ra trong các ngày từ 26-11 đến 8-12 tại Doha (Qatar). Ảnh: Euronews |
* Ai là người thực sự cam kết giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính?
Hội nghị thượng đỉnh Doha đã nhóm họp 195 quốc gia thành viên của Nghị định thư Kyoto. Về công cụ ràng buộc pháp lý được thông qua vào năm 1997 này, 37 quốc gia công nghiệp phát triển nhất và các nước đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, đã ấn định các giới hạn bắt buộc phải tôn trọng về khí thải cũng như các chương trình giảm thiểu. Giai đoạn đầu của Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2012 và những người tham gia hội nghị Doha phải thống nhất một văn bản để thay thế nó.
Theo đó, giai đoạn thứ hai của Kyoto sẽ bắt đầu từ ngày 1-1-2013 đến năm 2020, trong khi chờ một thỏa thuận quốc tế mới về cắt giảm khí thải nhà kính. Giai đoạn thứ hai của Nghị định thư buộc Liên minh châu Âu (EU), Australia và hàng chục quốc gia công nghiệp khác phải giảm phát thải khí nhà kính (GHG) vào năm 2020, song Mỹ, Nhật Bản, Canada và Nga từ chối không đưa ra các cam kết của họ đối với thỏa thuận mới, bất chấp các chỉ trích từ phía cộng đồng quốc tế. Đại biểu Oleg Shamanov, đến từ Nga, tuyên bố: Cùng với Ukraine và Belarus, Nga phản đối quyết định mở rộng Nghị định thư Kyoto sau năm 2012.
Trong khi đó, các bên tham gia cam kết giảm phát thải khí nhà kính như EU và 12 quốc gia khác, trong đó có Australia, chỉ chiếm có 15% lượng khí nhà kính độc hại phát tán ra môi trường. "Kết quả rõ ràng không cao", Bộ trưởng Môi trường Pháp Delphine Batho đánh giá đầy thất vọng.
Trong suốt vòng đàm phán lần này, các nước phát triển đã không công bố bất kỳ mục tiêu cụ thể nào về giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong khi họ được kêu gọi phải giảm lượng khí phát thải xuống ít nhất từ 25% đến 40% vào năm 2012 so với mức của năm 1990.
Thế giới lại tiếp tục chờ đợi một thỏa thuận tham vọng hơn về biến đổi khí hậu được đưa ra vào vòng đàm phán tiếp theo trong năm 2015. Trong thời gian sắp tới, các nhà đàm phán lại tiếp tục đề xuất các phương cách hành động, tiếp tục dọn đường cho một thỏa thuận mà nội dung của nó vốn đã quá quen thuộc và mục đích cũng không có gì xa lạ là bảo vệ sự sống của chính loài người.
Như lời Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã nói: "Còn rất nhiều việc phải làm". Nhà lãnh đạo cấp cao của LHQ cũng đồng thời kêu gọi một "thỏa thuận toàn diện và ràng buộc vào năm 2015".
* Nhiệt độ có nguy cơ tăng cao hơn dự kiến?
Báo cáo được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 18-11 cho thấy, nhiệt độ Trái Đất có thể tăng lên 4 độ C vào năm 2060 và sẽ mang lại nhiều hậu quả tàn khốc nếu chính phủ các nước không hành động khẩn cấp để đối phó những tác động của biến đổi khí hậu.
Trong bản báo cáo, WB đã nêu ra những tác động nghiêm trọng mà các khu vực trên thế giới sẽ phải hứng chịu nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên 4 độ C vào cuối thế kỷ XXI. Đó là các đợt nóng sẽ tấn công Nga và Mỹ thường xuyên hơn, nhiệt độ khu vực Địa Trung Hải có thể tăng cao hơn 9 độ C so với hiện tại, tình trạng axit hóa đại dương tăng kỷ lục và đe dọa nghiêm trọng đến các bãi đá ngầm san hô, phá hủy hệ sinh thái biển.
Báo cáo của WB cũng cảnh báo nhiệt độ toàn cầu tăng cao sẽ khiến mực nước biển sẽ dâng cao lên gần 1m và gây lụt lội ở các nước như Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Madagasca, Mexico, Philippines, Venezuela và Việt Nam, đồng thời dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, tình trạng mất mùa liên miên và khiến nhiều loại dịch bệnh gia tăng.
Gần đây nhất, báo cáo thường niên của dự án Global Carbon công bố ngày 3-12 tại Hội nghị Doha cũng cho thấy, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bắt nguồn từ ngành công nghiệp đã tăng 2,6% trong năm nay, bất chấp khủng hoảng kinh tế.
Theo các nhà nghiên cứu của dự án Global Carbon, tổng lượng khí thải CO2 vào năm 2012 được ước tính khoảng 35,6 tỷ tấn, và nếu chúng tiếp tục biến động với tốc độ này, sự nóng lên của trái đất sẽ có thể lên tới từ 4-6°C.
* Làm thế nào để dung hòa sự phát triển và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu?
Câu hỏi về vai trò, vị trí của các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu vẫn luôn là một vấn đề gây tranh cãi và chưa tìm được hướng giải quyết hợp lý.
Tại Hội nghị Doha lần này, một lần nữa, các đại biểu lại tập trung vào vấn đề làm thế nào để đầu tư đủ khoản tài chính trị giá 100 tỷ USD như đã cam kết dành cho các quốc gia đang phát triển nhằm giúp họ thích ứng với sự nóng lên toàn cầu. Trong thời gian vừa qua, các nước phát triển đã cam kết hỗ trợ tài chính tổng cộng là 30 tỷ USD vào quỹ "Fast Start" trong năm 2010 và 2012, và 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020.
Tuy nhiên, tại vòng đàm phán Doha lần này, các nước châu Âu, trong đó có Anh, Pháp, Thụy Điển, Hà Lan và Đan Mạch đã đưa ra cam kết hỗ trợ nhiều tỷ euro song không nêu số tiền cụ thể. Cũng không có bất kỳ một thoả thuận hoặc lịch trình cụ thể nào được công bố trong các cuộc đàm phán lần này để lấp đầy thâm hụt về đầu tư vào năm tới. Mỹ, châu Âu và các nước phát triển khác đều từ chối với lý do đang gặp khó khăn về tài chính.
Cuối cùng thì phương hướng hành động cụ thể và rõ ràng cho giai đoạn sau năm 2020 vẫn chưa được xác định. Thỏa thuận quốc tế cuối cùng lại được gác lại cho tới năm 2015. Nhân loại lại tiếp tục kéo dài chặng đường đàm phán mà chưa biết khi nào tới đích cuối trong khi môi trường đang tiếp tục bị tàn phá và biến đổi khí hậu ngày càng để lại những hệ quả nặng nề hơn và ở quy mô rộng hơn.
(Theo dangcongsan)