Thứ Tư, 26/12/2012, 10:06 (GMT+7)
.

Tạo điều kiện để người dân đánh giá hoạt động của cơ quan Nhà nước

Lâu nay người dân, công luận và kể cả cơ quan dân cử chỉ biết hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung thông qua các báo cáo 6 tháng, báo cáo hàng năm và báo cáo cuối nhiệm kỳ  đọc trước cơ quan dân cử. Qua các báo cáo có thể rút ra những kết luận, các đánh giá hoạt động của cơ quan nhà nước trong năm, trong suốt nhiệm kỳ... Tuy nhiên cách làm có tính thông lệ này dù sao cũng mang nặng cảm tính, có phần hình thức.

Thông thường để đánh giá hoạt động của cơ quan nhà nước người ta tiến hành đánh giá hiệu quả. Hiệu quả của cơ quan nhà nước là hiệu quả mang lại từ hoạt động quản lý của cơ quan. Khái niệm cơ quan nhà nước bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và các tổ chức dịch vụ công cộng thuộc chính quyền.

Hiệu quả của cơ quan nhà nước được thể hiện trên ba mặt và thông qua bốn nội dung. Ba mặt là: kinh tế (tức là chi phí thấp), hiệu suất và hiệu ích (tiếng Anh là economy, efficiency, effectiveness). Bốn nội dung là: chi phí, đầu tư, sản xuất, hiệu quả.

Ảnh minh họa. Ảnh: tiengiang.gov.vn
Ảnh minh họa. Ảnh: tiengiang.gov.vn

Ở một số nước người ta đã luật hoá việc đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Để đánh giá người ta cho phát hành tài liệu như “Hướng dẫn kỹ thuật đánh giá hoạt động và hiệu quả của cơ quan nhà nước” để hướng dẫn việc thiết lập và hoàn thiện cơ chế đánh giá về mặt nghiệp vụ và kỹ thuật.

Từ đó, việc đánh giá hiệu quả các tổ chức đã từng bước được phổ cập hóa, quy phạm hóa, hệ thống hóa, khoa học hóa. Để đánh giá một cách chính xác, khoa học, người ta đưa ra các tiêu chí định lượng làm cơ sở đánh giá.

Đánh giá tính kinh tế, đây là sự đánh giá tính hợp lý về chi phí. Hình thức đánh giá tính kinh tế trong quản lý thường là: Đánh giá tỷ lệ giữa chi phí và kết quả, tỷ lệ giữa chi phí hành chính và chi phí thực hiện nghiệp vụ, chi phí phục vụ tính theo đầu người thụ hưởng... Đánh giá hiệu suất, đây là sự đánh giá tỷ lệ giữa chi phí đầu tư và kết quả thu được.

Thí dụ, để đánh giá hiệu quả công tác của cảnh sát, người ta có thể sử dụng tiêu chí như: tỷ lệ phá án trong tổng số các vụ án hình sự, tỷ lệ phá án trong tổng số các vụ án bạo lực, tỷ lệ phá án trong tổng số các vụ trộm, số vụ án khám phá được tính bình quân cho mỗi nhân viên cảnh sát.

Đánh giá hiệu ích, nội dung đánh giá hiệu ích bao gồm đánh giá chất lượng, đánh giá hiệu ích xã hội, mức độ hài lòng của công dân.

Thông qua các tiêu chí đánh giá hiệu quả của cơ quan nhà nước, người ta thấy xu thế hiện nay hoạt động quản lý nhà nước đã chuyển đổi.

Đặc trưng của mô thức quản lý truyền thống là cơ quan nhà nước nắm độc quyền quản lý, quyền lực tập trung cao độ, quy chế nghiêm ngặt, cơ chế quản lý là cơ chế khống chế. Quan điểm mới về quản lý chủ trương thị trường hóa, xã hội hóa dịch vụ công cộng, nhấn mạnh việc phi tập trung hóa quyền lực, định hướng theo kết quả đầu ra, lấy việc phục vụ khách hàng làm gốc.

Quan điểm quản lý theo kết quả đầu ra đòi hỏi “căn cứ vào định hướng hiệu quả đầu ra để đầu tư kinh phí”. Muốn vậy thì phải đánh giá hiệu quả quản lý. Mô thức quản lý truyền thống không đánh giá hiệu quả nên hiệu quả thấp. Do đó, phương thức quản lý hiện đại muốn có hiệu quả thì phải đánh giá hiệu quả quản lý một cách nghiêm túc.

Một nhà nước của dân, do dân, vì dân, thông qua đánh giá, công chúng có thể có được sự lựa chọn chính xác, tạo ra sức ép đối với tổ chức công cộng, công chức, buộc họ phải nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả công tác.

Việc đánh giá hiệu quả các tổ chức công cộng của chính quyền sẽ tạo ra sự so sánh theo chiều ngang - chiều dọc và không khí cạnh tranh, thúc đẩy nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả công tác thật sự chuyển từ chức năng cai trị sang chức năng phục vụ.

DIỆP VĂN SƠN

.
.
.