Việt Nam học - nhìn từ cuộc hội thảo quốc tế
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư với chủ đề “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững”, sau 3 ngày làm việc vừa bế mạc ngày 28-11 tại Hà Nội.
Được tổ chức định kỳ bốn năm một lần và là diễn đàn khoa học lớn, có uy tín, quy tụ các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về Việt Nam, Hội thảo lần này thu hút hơn 1.000 nhà khoa học và đại biểu, trong đó có trên 200 nhà khoa học đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Làm việc trong 15 tiểu ban với trên 800 tham luận (trên 200 tham luận từ nước ngoài), các nhà khoa học đã tập trung thảo luận về tất cả các lĩnh vực trong hội nhập và phát triển bền vững của Việt Nam như kinh tế, chính trị, văn hóa, môi trường, quan hệ quốc tế, an ninh khu vực…
Thông qua thảo luận, các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng nhau chia sẻ những cứ liệu và tư liệu mới tìm thấy, trao đổi những tìm tòi, phát hiện mới trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đánh giá tác động của các thành tựu mới về khoa học và công nghệ, cùng tìm ra những giải pháp cụ thể và hiệu quả để đẩy lùi nguy cơ khủng hoảng kinh tế, tụt hậu phát triển, cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại môi trường…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: chinhphu.vn |
Mặc dù thảo luận nhiều vấn đề khác nhau, các nhà khoa học thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến năm vấn đề được coi là cấp bách nhất, nóng bỏng nhất trong quá trình hội nhập và phát triển bền vững của Việt Nam hiện nay như: An ninh khu vực, toàn cầu, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng chủ quyền quốc gia, luật pháp quốc tế; ứng phó thông minh với các tác động của biến đổi khí hậu và các tác động khác của quá trình toàn cầu hóa; xác định và đề xuất lời giải cho bài toán phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu cũng như những khó khăn, thách thức của bản thân kinh tế Việt Nam; chuyển dịch sinh kế của các cộng đồng dân cư ở nhiều khu vực, nhiều vùng; đổi mới hệ thống pháp luật Việt Nam.
Các kết quả nghiên cứu tại Hội thảo có giá trị ứng dụng cao trong phát triển ngành Việt Nam học và đóng góp quan trọng vào việc hình thành tư duy phát triển Việt Nam; góp phần xây dựng nền văn hóa và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới cũng như đưa thế giới đến với Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là sự kiện cho thấy sự lớn mạnh của lực lượng nghiên cứu Việt Nam học trên thế giới.
Ngành Việt Nam học đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Từ năm 1990, những người nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản đã thành lập Hội Việt Nam học, kế đó ở Hàn Quốc, ở Bắc Mỹ. Ở châu Âu có mô hình EuroViet cũng có chức năng nghiên cứu Việt Nam.
Trong khi Việt Nam học chỉ thật sự được quan tâm ở Việt Nam từ sau Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất diễn ra vào năm 1998 tại Hà Nội. Đến năm 2002, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có chương trình đào tạo Cử nhân Việt Nam học. Đến thời điểm 2007 - 2008, ngành Việt Nam học có mặt ở 76 trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Ngày 4-4-2012 vừa qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được cho phép đào tạo trình độ Thạc sĩ chuyên ngành Việt Nam học. Sinh viên tốt nghiệp ngành Việt Nam học được tuyển dụng giảng dạy hoặc làm việc ở các cơ quan ngoại giao, du lịch, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, văn phòng đại diện…
Ngoài ra, qua việc cung cấp tri thức và các kỹ năng chuyên môn, ngành Việt Nam học giáo dục, bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, nhiệt tình giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế; đào tạo lực lượng nghiên cứu về Việt Nam học để phối hợp với các nhà Việt Nam học quốc tế trong sự nghiệp phát triển Việt Nam.
TRẦN QUÂN