Xây dựng NTM là trả “món nợ” cho nông dân, nông nghiệp và nông thôn
Nhiều năm qua chúng ta thường nhắc đi nhắc lại một nghịch lý: Nước ta đồng đất phì nhiêu, nông dân chăm chỉ, cần cù nhưng vẫn nghèo đói, lạc hậu, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị ngày càng dãn ra.
Gần đây, để giải thích nghịch lý này, một số chuyên gia cho rằng: Thứ nhất, trong khi điều kiện vật chất để một gia đình nông dân nuôi con ăn học tử tế hết sức khó khăn thì nhiều người có trình độ, xuất thân từ nông thôn, học xong lại bám trụ thành thị. Rốt cuộc là chất lượng lao động, chất lượng trí tuệ ở nông thôn vẫn rất thấp, không thể có hiệu quả lao động cao được.
Thứ hai, nông dân đã nghèo lại phải đóng góp rất nhiều. Hàng năm có tới mấy chục khoản đóng góp trên đầu người. Rồi còn phải góp ngày công lao động công ích để tu bổ đê điều...
Thứ ba, về chính sách xã hội thì nông dân được hưởng rất ít. Thị dân được bao cấp đến vỉa hè, điện, nước, đường giao thông, hưởng thụ văn hóa, sức khỏe, môi trường... trong khi ở nhiều nơi, mức hưởng thụ của nông dân là không đáng kể.
Thứ tư, tuy nông nghiệp chỉ tạo ra hơn 20% GDP nhưng nó là ngành nuôi sống xã hội. Trên 70% lao động là ở nông thôn. Nông dân có vị trí đặc biệt trong giữ gìn an ninh lương thực, an ninh môi trường, an ninh chính trị cho đất nước. Vậy mà mức đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 20% ngân sách. Đây là điểm bất hợp lý và không công bằng.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã mang lại khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để nông dân được hưởng xứng đáng với những gì họ đã đóng góp. Ảnh: Vân Anh |
Dễ thấy nhất là hình ảnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn ĐBSCL, dù là vựa lúa, trái cây, thủy hải sản... đứng đầu cả nước, không nằm ngoài hình ảnh chung của nông thôn Việt Nam. Nếu có khác chăng thì khác ở chỗ đậm nét hơn.
Một vùng được coi là giàu tiềm năng mà có đến 5 cái nhất so với cả nước: Nghèo nhất, lạc hậu nhất, trình độ học vấn thấp nhất, cơ sở hạ tầng giao thông kém nhất và thụ hưởng an sinh xã hội kém nhất.
Dù nhìn gần hay xa, bao giờ nông thôn cũng có tương lai của một xứ nông nghiệp. Ai giữ được nông dân, người ấy thường kiểm soát được nhiệt độ của “chảo lửa” chính trị quốc gia. Sự ổn định của nước ta phụ thuộc vào cách mà các nhà chính trị đối xử với nông dân.
Hiện nay có những nguy cơ rất rõ ràng đối mặt với những người dân quê, đó là: nông dân mất ruộng; nông dân chán chốn thôn quê; ly nông, ly hương, ly tán bất đắc dĩ; những vấn đề xã hội của nông dân có thể trở thành những quả bom nổ chậm.
Để tiến triển thành một nước công nghiệp vào năm 2020, không thể im lặng mãi trước vấn đề quyền tài sản của nông dân đối với ruộng đất. Ngược lại, muốn bảo vệ nông dân, Nhà nước phải bảo vệ quyền tài sản tư của họ, giúp họ tự do hưởng dụng quyền ấy phù hợp với quy hoạch quốc gia và địa phương.
Đất trở thành vàng, khi ruộng muốn biến thành đất ở, đất kinh doanh. Chỉ tiếc rằng, khi ấy ruộng đất bị “thu hồi”, người nông dân canh tác bị “giải tỏa” và được đền bù “theo quy định của pháp luật”. Chỉ riêng cách dùng từ ngữ và thái độ của người làm luật đã cho thấy nông dân không được xem là ông chủ số tài sản có được từ nhiều đời cha ông của họ; ruộng đất của họ có thể bị dễ dàng tước đi vì các dự án sân golf, khu công nghiệp. Các ông chủ đích thực chính là những người có quyền lực lập dự án và hô biến ruộng lúa thành sân golf.
Trong nhiều năm qua, rất nhiều đất nông nghiệp bờ xôi ruộng mật đã bị chuyển mục đích sử dụng. Trong khi đó nước ta chỉ có 4,1 triệu ha đất trồng lúa. Quốc hội ra Nghị quyết phải giữ cho được 3,8 triệu ha đất lúa.
Đứng trên quan điểm an ninh lương thực phải xem đây là một nguy cơ. Hơn nữa, cứ 1 ha ruộng lúa mất đi, sẽ có 10 người mất việc làm, mất nguồn sinh sống. Việc này đồng nghĩa với những tiềm ẩn về bất ổn xã hội.
Có nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng, muốn dân không mất ruộng phải xem lại chế độ sở hữu áp dụng đối với ruộng đất của nông dân. Muốn dân không chán ruộng, phải xem lại các chính sách tác động tới nông sản nhằm giúp nông dân được lợi.
Có vẻ như một hạt thóc mang lại nhiều lời hơn cho người giữ độc quyền buôn bán giống, phân bón hay kênh xuất nhập khẩu gạo hơn là chút lợi rơi sót lại cho người nông dân.
Muốn dân không chán quê, phải xem lại ai được lợi từ chi dùng tài chính công. Một khi điện, đường, trường, trạm y tế, cây xanh, điện thoại cho tới truyền hình cáp ở đô thị đều sẵn, tốt và rẻ hơn ở nông thôn, thật chẳng ngạc nhiên khi phố chật chội với lao động nhập cư, trong khi thôn quê dần trở nên heo hút với người già và con trẻ.
Nguyên nhân chính của tình hình khiếu kiện là do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chồng chéo; giá đất đền bù tại nhiều nơi chưa sát giá thị trường; có sự khác nhau quá lớn giữa giá Nhà nước bồi thường và giá do nhà đầu tư thỏa thuận với người dân; giá đất tại những khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành còn có sự khác biệt, chênh lệch lớn, một số nơi chênh lệch quá lớn.
Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa tốt dẫn tới tình trạng thu hồi đất để hoang, triển khai dự án chậm, lãng phí nguồn tài nguyên, trong khi đó người dân không còn đất sản xuất, không có việc làm dẫn đến bức xúc, khiếu kiện; một bộ phận cán bộ, công chức năng lực hạn chế về kiến thức pháp luật, sa sút phẩm chất đạo đức đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, chia chác đất đai...
Nhiều khi không cầm lòng tự hỏi, người ta làm chính sách cho ai? Ai được hưởng lợi từ chính sách này?
Để khắc phục nghịch lý trên, Đảng, Chính phủ chủ trương ban hành Đề án Tam nông (nông nghiệp, nông dân và nông thôn). Cụ thể là xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Có thể nói đây là chương trình rất lớn và toàn diện lần đầu tiên được thực hiện tại nước ta trên quy mô cả nước.
Theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/T.Ư của Trung ương, phải xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Lần này, việc xây dựng NTM được thực hiện trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với yêu cầu “phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân”, “phát huy cao nhất nội lực”, đồng thời có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Từ thực tiễn với những nghịch lý như nêu trên, thiết nghĩ quá trình xây dựng NTM dù đối mặt với khó khăn vốn có và kể cả phát sinh thì đây là một chủ trương đúng đắn, một quá trình quyết tâm thực hiện để trả “món nợ” cho nông dân, nông nghiệp và nông thôn.
DIỆP VĂN SƠN