Giám sát quyền lực công để phòng, chống tham nhũng
Thông điệp đầu năm 2013 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại mục Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ có đề ra giải pháp “... Đề nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân tăng cường kiểm tra, giám sát về cải cách thủ tục hành chính và trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong từng nội dung quản lý; đồng thời tăng cường chất vấn, giải trình về cải cách thủ tục hành chính, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ”.
Qua thông điệp của Thủ tướng, thấy rõ là phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan công quyền và công chức thực thi công vụ.
Xưa nay quyền lực là một vấn đề nhạy cảm, một con dao hai lưỡi. Ở đâu có quyền lực ở đó có người đến luồn cúi, cầu cạnh... Và ai cũng biết rằng, khi quyền lực không được kiểm soát hay kiểm soát không có hiệu quả thì thật tai hại!.
Tham nhũng là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế - xã hội lỏng lẻo, yếu kém tạo ra nhiều sơ hở cho các hành vi tiêu cực, hiện tượng tham nhũng và các tệ nạn có điều kiện phát triển và tại đó một phần quyền lực chính trị được biến thành quyền lực kinh tế.
Tham nhũng làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm lòng tin của công dân vào Nhà nước, là một nguyên nhân không kém phần quan trọng tạo ra phân hóa giàu nghèo, đến chừng mực nào đó nó gây mất ổn định chính trị, kinh tế - xã hội.
Tệ hại nhất là tham nhũng “bẻ cong pháp luật” nhằm mục đích thay đổi các quy định của pháp luật thành những quy định phục vụ cho quyền lợi của những kẻ tham nhũng. Khái niệm “bẻ cong pháp luật” do Ngân hàng Thế giới đưa ra, chủ yếu nhằm lý giải thực trạng đời sống chính trị ở các nền kinh tế đang trong thời kỳ chuyển đổi.
Ngày nay tham nhũng đã trở thành quốc nạn, là 1 trong 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Có thể nói, tham nhũng là căn bệnh hiểm nghèo gắn liền với mọi Nhà nước, bởi lẽ chừng nào còn Nhà nước thì còn quyền lực, mà còn quyền lực thì dễ xuất hiện những người dùng sai quyền lực. Cuộc đấu tranh để loại bỏ những người sử dụng sai quyền lực ra khỏi bộ máy Nhà nước các cấp là cuộc đấu tranh lâu dài, liên tục, bền bỉ và kiên định của mọi Nhà nước, chống mạnh thì thịnh, chống yếu thì suy, ngoài ra không có con đường nào khác.
Trong khi có những người giàu lên không bằng năng lực, cũng chẳng nhờ vào thời cơ, mà nhờ vào các mối quan hệ. Hầu hết các nước kém phát triển, khi quyền lực liên kết với tư bản trong làm ăn thì phân hóa giàu nghèo càng khó giải quyết. Về mặt lý thuyết thì quyền lực chính trị là khả năng quyết định ai sẽ nhận được “cái gì” để làm ra được “cái gì” và “cho ai được hưởng”.
Trong cái cơn lốc mê hồn trận tham nhũng, đưa đến nguy cơ hình thành “văn hóa tham nhũng” trong đời sống cộng đồng, lúc ấy chỉ có văn hóa đích thực mới đánh bại được thứ “văn hóa phản văn hóa”.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo chúng tôi, các giải pháp phải tạo dựng cho được văn hóa KHÔNG MUỐN - KHÔNG DÁM - KHÔNG THỂ.
Không muốn, thuộc phạm trù đạo đức, lối sống. Tuy nhiên nó cũng cần được bổ trợ bởi môi trường sống dư luận xã hội và trên hết là một điều kiện vật chất khả dĩ để công chức có thể sống thanh cao.
Không dám, cần phải viện đến một môi trường pháp luật nghiêm minh, pháp chế mạnh, xã hội thượng tôn pháp luật, không ai đứng trên pháp luật.
Không thể, đòi hỏi phải tạo lập một nền hành chính “trong suốt” để mọi người có thể dễ dàng giám sát, tạo lập một “công nghệ hành chính” tiên tiến (thí dụ như tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000). Áp dụng nghiêm ngặt “công nghệ” đó, khi một khâu nào trong dây chuyền làm không đúng sẽ bị phát hiện và bị loại ra; đồng thời đòi hỏi mọi chủ thể trong xã hội phải minh bạch và có tính giải trình cao.
Mọi giải pháp tập trung xoay quanh 3 nội dung trên hy vọng rằng quan liêu, tham nhũng sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, hình thành một văn hóa đích thực - văn hóa NÓI KHÔNG VỚI THAM NHŨNG.
DIỆP VĂN SƠN