Hạn chế “đẻ” thêm ngày kỷ niệm
Chiều 14-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về dự thảo nghị định quy định công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng của Việt Nam.
Theo tờ trình của Chính phủ, cả nước hiện có khoảng hơn 500 ngày truyền thống, ngày kỷ niệm của các ban, bộ, ngành, các tổ chức và địa phương.
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14-1. Ảnh: Lê Nhung |
Việc công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm, ngày hưởng ứng thời gian qua chưa có văn bản quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Mỗi cơ quan có một phương pháp và cách làm riêng, do vậy dẫn đến tình trạng công nhận các ngày nói trên không có sự thống nhất. Ví dụ, cùng một ngành hay lĩnh vực lại có nhiều ngày truyền thống, ngày kỷ niệm. Rồi nhiều cấp, nhiều cơ quan lại công nhận những ngày rất khác nhau…
Đặc biệt là tình trạng các cơ quan, đơn vị tìm lại ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày kỷ niệm để tổ chức kỷ niệm hoặc để nâng cấp thẩm quyền công nhận tiến tới nâng cấp quy mô tổ chức đang có chiều hướng gia tăng dẫn đến tình trạng tổ chức tràn lan, lãng phí nguồn lực làm ảnh hưởng xấu đến dư luận và gây mất lòng tin trong nhân dân.
Như đánh giá của Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi, việc công nhận các ngày nói trên hiện mang tính tự phát và thiếu thống nhất, được thực hiện bởi nhiều cấp thẩm quyền khác nhau.
Dân kêu ngày kỷ niệm quá nhiều?
Từ thực tế trên, việc ban hành nghị định công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng của Việt Nam được cho là sẽ đưa ra những quy định khoa học và hệ thống về các điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận các ngày nói trên.
Tuy nhiên, thẩm tra dự thảo nghị định, ông Đào Trọng Thi cho rằng, thực tế đã có hơn 500 ngày truyền thống, ngày kỷ niệm, trong đó hầu hết những ngày truyền thống, ngày kỷ niệm quan trọng cấp Nhà nước đều đã được công nhận.
“Việc ban hành nghị định luật hóa toàn bộ ngày truyền thống, ngày kỷ niệm của các đơn vị từ Trung ương đến địa phương có thể sẽ làm phát sinh nhiều ngày truyền thống, ngày kỷ niệm gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước”, báo cáo thẩm tra nhận định.
Theo phản ánh của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước: “Dân kêu ngày kỷ niệm quá nhiều, tổ chức lãng phí. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng dự không xuể. Mỗi ngành chỉ nên có một ngày kỷ niệm làm rộng rãi thôi. Còn lại chỉ nên làm nội bộ ở quy mô vừa phải”.
Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng phân vân: “Nghị định này ra đời có hạn chế việc “đẻ” thêm các ngày kỷ niệm hay hạn chế tối đa chi phí tổ chức những ngày kỷ niệm đang gây lãng phí nguồn lực xã hội hay không?”.
Trả lời băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, với trình tự thủ tục được quy định rất chặt chẽ, sẽ khó xảy ra khả năng làm gia tăng số ngày kỷ niệm. Như vậy sẽ hạn chế được việc chi tiêu lãng phí.
“Song song với nghị định này còn có nghị định hướng dẫn chi tiết việc tổ chức các ngày truyền thống, ngày kỷ niệm, hiện đang trình Chính phủ xem xét”, ông Ái cho biết.
Nói như Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thì vấn đề đề cốt lõi không phải là có nhiều ngày truyền thống, mà là tổ chức kỷ niệm ngày đó như thế nào. Bởi không phải năm nào cũng tổ chức rình rang.
“Đề nghị nghiên cứu quy định cấp có thẩm quyền quy định ngày truyền thống cho phù hợp với pháp luật hiện hành, vì trong một số luật và pháp lệnh hiện nay đã nêu rồi”, ông Sơn nhắc nhở.
(Theo vietnamnet.vn)