Thứ Bảy, 12/01/2013, 08:31 (GMT+7)
.

Ổn định vĩ mô, củng cố niềm tin của doanh nghiệp

Ổn định kinh tế vĩ mô là biện pháp căn bản nhất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế - quan điểm này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia.

Sự kiên định của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô sẽ lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp.
Sự kiên định của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô sẽ lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp.

Chủ trương tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô được Chính phủ đặt ra trong bối cảnh năm 2013, đất nước ta vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Theo dự báo, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư chủ yếu của nước ta vẫn chưa thoát khỏi tình trạng suy giảm. Quá trình điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn vẫn chưa đem lại kết quả mong đợi, độ rủi ro và tính bất định vẫn còn rất cao. Nguy cơ về những cú sốc từ bên ngoài vẫn đang tiềm ẩn, có thể tác động xấu đến kinh tế nước ta.
 
Về tình hình kinh tế-xã hội trong nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong thông điệp đầu năm 2013 cũng nhìn nhận kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, lạm phát vẫn có nguy cơ tăng cao trở lại. Nền kinh tế chưa lấy lại được đà tăng trưởng. Sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm đang rất khó khăn; nguồn lực của doanh nghiệp và thu nhập dân cư sụt giảm. Niềm tin của thị trường còn ở mức thấp…
 
Kết luận Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ trong năm 2013 phải ưu tiên tập trung ổn định kinh tế vĩ mô. Các Bộ, ngành, địa phương phải kiểm soát giá cả, lạm phát ngay từ tháng 1, quý I của năm 2013; tập trung điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế…
 
Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 đánh giá áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn. Nghị quyết đưa ra 9 nhóm giải pháp lớn, trong đó ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát là nhóm giải pháp đầu tiên.

Tại các phiên họp báo Chính phủ thường kỳ năm 2012, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam, Người phát ngôn Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh, Chính phủ sẽ kiên trì thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và đây là biện pháp tháo gỡ khó khăn căn bản nhất cho doanh nghiệp.
 
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, những tiến bộ đạt được về kinh tế vĩ mô năm 2012 là rất đáng ghi nhận. Có được kết quả này, nguyên nhân nổi bật nhất (và khác hẳn so với trước đây) là chủ trương kiên trì và nhất quán thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt; thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả chi, nhất là chi đầu tư; kết hợp khá tốt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa…
 
Chuyên gia kinh tế này đánh giá những tiến bộ đạt được về kinh tế vĩ mô năm 2012 không chỉ đánh dấu sự thay đổi về tư duy và tính nhất quán trong điều hành nền kinh tế, mà còn tạo cơ sở cần thiết cho tái cơ cấu kinh tế và phục hồi đà tăng trưởng từ năm 2013.
 
Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Chính phủ xác định kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là một mục tiêu dài hạn. “Chỉ với một nền tảng vĩ mô ổn định thì mới có thể tiếp tục thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tạo ra nhiều việc làm hơn”, ông Bùi Quang Vinh khẳng định.
 
Do đó, Chính phủ đã trình và Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho năm 2013. Con số này thấp hơn so với các năm trước đây nhưng trong bối cảnh tiếp tục ưu tiên kềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô thì để đạt được vẫn đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn có thể ảnh hưởng đến mục tiêu lạm phát.
 
Từ góc nhìn của các doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, về tổng thể, giải pháp quan trọng nhất để hỗ trợ doanh nghiệp là sự kiên định của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, hướng tới sự phát triển dài hạn của nền kinh tế. Sự kiên định này, thể hiện trong điều hành chính sách của Chính phủ, sẽ lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp, để họ có cơ sở xác định kế hoạch trụ vững.

“Chỉ cần lấy lại niềm tin của 70% doanh nghiệp chưa có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong năm tới, tôi tin rằng, mọi việc sẽ thay đổi tích cực, vì doanh nghiệp luôn sẵn sàng ý tưởng kinh doanh”, ông nói với báo Đầu tư.

Cùng quan điểm và từ góc nhìn bên ngoài, theo một báo cáo mới đây của Tập đoàn tài chính HSBC, những hành động của Chính phủ Việt Nam trong năm 2011 và 2012 nhằm ưu tiên tăng trưởng bền vững hơn là tăng trưởng nhanh được đánh giá là dấu hiệu tích cực đối với triển vọng phát triển kinh tế lâu dài tại Việt Nam.

Tập đoàn toàn cầu này nhận định, kể từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường vào đầu những năm 1990, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng trung bình 7% mỗi năm. Nhưng hiện tượng phát triển "nóng" chủ yếu dựa vào tài nguyên và đầu tư công đã không thể duy trì tỷ lệ tăng trưởng cao một cách lâu dài và cái giá phải trả là sự bất ổn vĩ mô và năng lực sản xuất thấp hơn.
 
Do đó, kinh tế Việt Nam năm 2012 dù tăng trưởng chậm hơn so với năm 2011 nhưng sự đánh đổi “không phải là vô ích” và năm 2013 nhiều khả năng sẽ là một năm tươi sáng hơn, trong bối cảnh nhu cầu nội địa và quốc tế đang cải thiện dần, đồng thời những nỗ lực cải cách gần đây của Việt Nam đã có những kết quả ban đầu.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.