Sứ mạng của CEO trong xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL
Trước tiên cần thống nhất với nhau rằng, để thực hiện thành công đề án nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông), cụ thể là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của cả nước nói chung và của ĐBSCL nói riêng đòi hỏi phải thực hiện tốt liên kết “4 nhà”: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Trong đó vai trò của nhà doanh nghiệp mà đại diện tinh hoa tiêu biểu của họ là các CEO (Giám đốc điều hành) giữ một vai trò vô cùng quan trọng, nhiều khi trong chừng mực nào đó, trong giai đoạn nào đó, ở một địa bàn cụ thể… có khi giữ vai trò quyết định.
ĐBSCL là một vùng đất trù phú, vựa lúa, vựa trái cây, thủy - hải sản của cả nước nhưng lại là vùng có 5 cái nhất : Nghèo, lạc hậu, học vấn, giao thông và thụ hưởng an sinh xã hội kém nhất. Nhiều người không hiểu nổi tại sao? Câu hỏi này dành cho những nhà hoạch định chính sách và điều hành các cấp tức là Nhà nước.
Cái lỗi đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn của cả nước rất lớn ai cũng biết, nhưng cái lỗi đối với ĐBSCL càng lớn và trầm trọng hơn. Chỉ riêng cơ chế xin - cho kéo dài nhiều năm, ĐBSCL là vùng ít có cơ hội tham gia vào mê hồn trận xin - cho núp dưới tên gọi là “Điều tiết ngân sách vĩ mô” so với các vùng miền khác .Thử lấy con số về phát triển cầu trên vùng đất bị chia cắt sông rạch nhiều nhất nước so với cầu vùng miền khác thì thấy rõ.
Xây dựng thương hiệu giúp nâng cao giá trị nông sản cho nông dân. Ảnh: Vân Anh |
Tuy nhiên, nói gì thì nói để thực hiện thành công Đề án tam nông, xây dựng nông thôn mới thì vai trò của Nhà nước với tư cách là “nhạc trưởng” trong liên kết “4 nhà” là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và bản thân nhân vật trung tâm là người nông dân có vị trí nhất định trong mối liên kết này.
Trong các giải pháp để thay đổi bức tranh không mấy sáng sủa của nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay, cần thấy rõ các giải pháp như: Phát triển ngành dịch vụ nông nghiệp và ngành công nghiệp chế biến hàng nông sản; Vận dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp; Kết hợp hữu cơ giữa tiêu thụ, chế biến hàng nông sản và xuất, nhập khẩu; Xây dựng thương hiệu hàng nông sản; Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản; Xây dựng, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Rõ ràng là ở đây vai trò của CEO là vô cùng quan trọng trong việc kết hợp với nhà nông. Chỉ có các CEO chủ động mới phát triển được ngành Dịch vụ nông nghiệp và ngành Công nghiệp chế biến nông sản. CEO phải coi công việc này là tạo cho mình nguyên liệu đảm bảo số lượng, chất lượng bền vững cho công việc sản xuất kinh doanh của mình.
Người nông dân vừa là khách hàng và chủ hàng đối tác tin cậy với các CEO. Không ai khác và có điều kiện tiềm lực bằng các CEO trong việc vận dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Nếu các CEO không là người tiên phong đưa công nghệ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp thì mảng này coi như bỏ trống, không ai làm, người nông dân cũng không thể tự bơi, mà có bơi được thì đến bao giờ mới cặp đến bến bờ no ấm ?! Có làm tốt việc đưa kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến nông sản thô, thì CEO đảm bảo việc tiêu thụ trong chuỗi sản phẩm mới thu được nhiều thành quả.
Và để xây dựng thương hiệu hàng nông sản không ai thích hợp hơn là các CEO đóng vai trò người tổ chức sản xuất theo quy trình công nghệ tiên tiến và quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, để nâng cao trình độ, tay nghề cho bộ phận nông dân không đất sản xuất, nhiệm vụ của ngành Giáo dục đào tạo là chủ yếu, nhưng đa dạng và xã hội hóa loại hình đào tạo thì không ai khác các doanh nghiệp; đồng thời phải là các trung tâm đào tạo, dạy nghề trước tiên là cho đối tượng nông dân mất đất, góp đất làm khu công nghiệp thu nhận vào doanh nghiệp.
Nói đi thì phải nói lại, vừa qua mối quan hệ giữa người nông dân và các doanh nghiệp không phải lúc nào cũng suôn sẻ; thí dụ như việc thu mua lúa với chiêu thức ép giá của các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, ép giá cá tra của doanh nghiệp thu mua chế biến thuỷ sản. Rất mong rằng trong tương lai tình hình này sẽ được cải thiện.
Kinh nghiệm thế giới đã có nhiều mô hình liên kết thành công giữa doanh nghiệp và nông dân như mô hình HTX của Nhật, xí nghiệp Hương Trấn của Trung Quốc. Sự liên kết thành công này làm cho nông dân giàu lên, nông nghiệp phát triển, bộ mặt nông thôn thay đổi. Lẽ nào các CEO ĐBSCL có những người xuất thân và gắn bó với vùng đất này, trong tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp lại để người nông dân bạn mình, người đồng minh lâu đời bị gạt ra bên lề sự phát triển của đất nước.
DIỆP VĂN SƠN