Vài gợi mở về xây dựng một nền hành chính dịch vụ
Thông điệp đầu năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có nhấn mạnh “...Cán bộ, công chức (CB-CC) phải nhận thức rõ trong mối quan hệ công vụ, người dân là chủ thể quyền, còn CB-CC là người thực thi trách nhiệm, là người phục vụ dân…”.
Thiết nghĩ, có 2 loại hành chính song song tồn tại: Hành chính cai trị và hành chính dịch vụ. Mác có nói, đại ý, khi xã hội văn minh và phát triển đến một mức nào đó thì Nhà nước nhỏ lại và tiêu vong. Đó chính là Nhà nước cai trị sẽ tiêu vong và chỉ còn lại Nhà nước cung cấp dịch vụ hành chính.
Xã hội ta ngày càng phát triển, nền dân chủ XHCN ngày càng củng cố, do đó không có lý do gì phát triển loại hành chính cai trị, mà ngược lại phải phát triển hành chính dịch vụ. Hành chính dịch vụ sẽ hướng tới một nền hành chính gần dân, lấy nhân dân làm trung tâm (chủ thể), đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của nhân dân.
Các cấp chính quyền và công chức cần quán triệt những tiêu chí của nền hành chính dịch vụ, đó là: Hành chính dịch vụ có thể xem như doanh nghiệp dịch vụ, hướng về lợi ích của khách hàng thay vì đối xử với dân theo kiểu một người cai trị; xử sự một cách dân chủ, không chỉ ban hành quyết định mà còn giải thích cặn kẽ các quyết định cho thấu tình đạt lý; phải thông tin đầy đủ để ngăn chặn sự mất lòng tin; cần có các công chức có chuyên môn, hiểu biết tâm lý, có kiến thức xã hội để có thái độ xử sự gần dân…
Người lãnh đạo không có sự ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm với đơn vị thì sẽ không có sự gần dân; phải luôn nêu gương và đòi hỏi cao đối với công chức dưới quyền thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm của họ.
Cung cấp đủ những dịch vụ công, được coi là một mấu chốt của nền hành chính dịch vụ. Ảnh: taichinhdientu.vn |
Hoạt động hành chính dịch vụ đòi hỏi tổ chức bộ máy hành chính thích hợp, hoạt động hiệu quả, hiệu lực; phân công phân cấp trách nhiệm rõ ràng; thực hiện “một cửa”; áp dụng những tiến bộ kỹ thuật hỗ trợ hoạt động hành chính; tạo sự thuận lợi tối đa cho dân.
Một nền hành chính dịch vụ sẽ đưa đến các lợi ích: Nhân dân gắn bó với địa phương mình, gắn bó với chính quyền; công chức nhận rõ sự vừa lòng hay không vừa lòng của dân (khách hàng) mà điều chỉnh thái độ, hành vi, lề lối làm việc theo hướng không ngừng hoàn thiện. Xã hội hóa dịch vụ công là giải pháp quan trọng để tạo ra một nền hành chính dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.
Muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, quản lý hành chính hiệu quả, chính quyền phải giảm bớt nội dung quản lý. Xuất phát từ quan niệm của thời bao cấp: Cái gì Nhà nước cũng muốn đứng ra làm, lĩnh vực gì Nhà nước cũng muốn giữ độc quyền cung cấp… đã đưa đến kết quả là không bao quát nổi, không “kham nổi”, đưa đến một quyết định đơn giản là cấm. Hơn nữa, nếu có độc quyền làm thì chỉ cung cấp những dịch vụ kém chất lượng, hoặc khan hiếm, dẫn đến xin -cho.
Cần phải tích cực xã hội hóa dịch vụ công bởi các lý do: Nhu cầu của xã hội quá lớn nhưng khả năng của Nhà nước lại có hạn (có hạn về tài chính trong kiểm soát chi phí, kém hiệu quả trong chi tiêu…). Tăng tính cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ, điều này chỉ có lợi cho khách hàng (nhân dân). Gắn bó quyền lợi giữa bên cung cấp dịch vụ và người thụ hưởng. Tính năng động cao hơn khi thành lập và giải thể tổ chức cung cấp dịch vụ…
Thiết nghĩ, khâu đột phá trong cải cách hành chính nên chọn là khâu hoạt động của đội ngũ công chức, nhưng đột phá bằng cách nào? Nếu chúng ta muốn xây dựng một nền hành chính có hiệu lực, hiệu quả thì phải có Quy định về hoạt động công vụ.
Hoạt động công vụ là hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công chức trong các công sở nhằm giải quyết quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước với nhân dân. Đối tượng phục vụ của công vụ là mọi tổ chức, công dân và người nước ngoài.
Hoạt động công vụ phải thực hiện theo nguyên tắc thống nhất, công khai, tuân thủ pháp luật, đúng thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân. Hoạt động công vụ bao gồm: Tổ chức công sở; trách nhiệm của công chức khi thi hành công vụ; quan hệ trong công vụ; thủ tục hành chính.
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến nhiều bất cập hiện nay là do trình độ của công chức. Nói như vậy chỉ đúng một phần. Trong thực tế, nhiều khi một công chức được đào tạo bài bản, khi thực thi công vụ do không bị những ràng buộc của một quy định chặt chẽ nhiều khi dẫn đến sai phạm; thậm chí một số công chức còn “vận dụng” trình độ để “lách luật” gây nhũng nhiễu.
Vì thế, công chức vừa phải có tâm, vừa phải có tầm. Tâm phải đặt lên hàng đầu. Có tầm mà không có tâm thì cũng nguy hiểm. Để hỗ trợ cho cái tâm có điều kiện phát huy, phải sử dụng những kỹ thuật bổ trợ như quản lý chất lượng thực thi công vụ của cơ quan theo tiêu chuẩn ISO 9000, sử dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác điều hành… nhằm hạn chế yếu tố chủ quan của con người tham gia vào quá trình vận hành, hành xử công việc.
Có một quy chế hoạt động công vụ đầy đủ và minh bạch sẽ tạo điều kiện cho việc giám sát, kiểm tra xử lý được dễ dàng. Công chức dựa vào đấy mà thực thi công vụ một cách mẫn cán, minh bạch và vô tư. Chính quy chế hoạt động công vụ là cái ta đang thiếu, cần nhanh chóng ban hành.
Căn bệnh quan liêu, xa rời dân là căn bệnh đồng hành với mọi chính quyền. Vấn đề ở đây là phải xây dựng ý thức cầm quyền thế nào để rút ngắn khoảng xa cách giữa chính quyền và dân, như vậy mới thật sự là bản chất chính quyền của dân, do dân và vì dân, bằng không mãi mãi chỉ là khẩu hiệu.
Năng “vi hành” cũng là một biện pháp hữu hiệu để sát dân, gần dân, hiểu được những bức xúc của dân hơn. Gần đây, những cuộc đối thoại trực tuyến của những người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ có thể coi như những chuyến “vi hành bằng công nghệ”, có thể xem là một cố gắng xây dựng một chính quyền, một nền hành chính gần dân đáng trân trọng, cần phát huy.
DIỆP VĂN SƠN