“Cánh đồng mẫu lớn” nâng cao giá trị nông nghiệp
Bộ NN&PTNT vừa trình Chính phủ Đề án phát triển mô hình liên kết sản xuất giữa hộ nông dân với các thành phần kinh tế ở nông thôn giai đoạn 2013-2020. Trong đó, “cánh đồng mẫu lớn” là giải pháp nhằm nâng cao giá trị trong canh tác nông nghiệp.
Mô hình Cánh đồng mẫu lớn Xuân Kiên (Nam Định). |
Trên thực tế, mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp đã được thực hiện 10 năm qua theo Quyết định số 80/2002/QĐ- TTg. Tuy nhiên, do một số cơ chế chưa thực sự phù hợp, các mô hình này có nhiều hạn chế khi tỷ trọng giá trị sản phẩm tiêu thụ qua hợp đồng vẫn rất thấp (từ 2 - 15%).
Vai trò các bên trong liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản còn hạn chế. Doanh nghiệp thường dựa vào thương lái thu gom nông sản mà chưa quan tâm phát triển liên kết trực tiếp với nông dân.
Các cơ quan, tổ chức khoa học còn thụ động liên kết với doanh nghiệp và người sản xuất để thực hiện hợp đồng nghiên cứu. Cơ quan chính quyền địa phương còn lúng túng trong chỉ đạo phát triển liên kết sản xuất.
Giải quyết những bất cập, hạn chế về cơ chế, một số địa phương đã áp dụng thành công một số mô hình liên kết sản xuất mới như sản xuất mía đường ở Tuyên Quang, Thanh Hóa, Bình Định; vùng nuôi gắn với cơ sở chế biến cá tra, tôm ở ĐBSCL; sản xuất lúa giống ở Thái Bình; mô hình chăn nuôi công nghiệp của Công ty CP; liên kết trồng cây bông vải ở Tây Nguyên; trồng rừng kinh tế ở miền núi phía Bắc… Các mô hình này cần thêm những chính sách và cơ chế so với Quyết định 80/2002/QĐ-TTg.
Đặc biệt, trong lĩnh vực trồng lúa, lĩnh vực hàng đầu của nông nghiệp, phong trào Cánh đồng mẫu lớn được áp dụng với những tiêu chí riêng để liên kết nông dân, tổ chức lại sản xuất theo hướng “nông dân nhỏ - cánh đồng lớn”, liên kết doanh nghiệp – nông dân để phục vụ đầu vào, bảo đảm đầu ra, đem lại hiệu quả cao.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 2 năm triển khai, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã được triển khai ở 27 tỉnh với gần 100.000 ha. Có nhiều hình thức, quy mô khác nhau nhưng cơ bản Cánh đồng mẫu lớn đều thỏa mãn các tiêu chí như: diện tích ít nhất hơn 300 ha, nông dân tự nguyện tham gia, dựa trên nền tảng của liên kết bốn nhà.
Một số mô hình tiêu biểu, có hiệu quả cao như cánh đồng Xuân Kiên (Nam Định) thực hiện dồn điền đổi thửa, làm đường giao thông thuận tiện cho sử dụng máy móc, gieo thẳng bằng 1 giống lúa chất lượng cao, HTX tổ chức các dịch vụ làm đất, gieo sạ, bảo vệ thực vật, có máy gặt đập liên hợp...
Theo tổng kết của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), mô hình cánh đồng mẫu lớn đem lại những lợi ích rõ rệt: tăng thu nhập cho nông dân nhờ tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành, lợi nhuận thu được cao hơn so với trước đây từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha (cá biệt có nơi đạt 170 triệu/ha); tăng tính cộng đồng, hạn chế chênh lệch giữa các hộ nông dân trong canh tác; vật tư đầu vào được cung ứng tốt, kịp thời; áp dụng kỹ thuật đồng bộ; giảm chi phí các dịch vụ làm đất, tưới nước, gieo cấy, thu hoạch; thúc đẩy cơ giới hóa; bảo vệ môi trường, giảm phát thải; sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường; tăng khả năng cạnh tranh.
Tuy nhiên, qua khảo sát triển khai một số mô hình cho thấy, cánh đồng mẫu lớn cũng đang tồn tại một số khó khăn. Đầu ra cho sản phẩm nông dân chưa nhận được sự hưởng ứng cao của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp vẫn muốn duy trì cách thức mua lúa qua thương lái, các nhà máy chế biến cũng ít ký hợp đồng ràng buộc trách nhiệm với nông dân.
Cách tổ chức tiêu thụ này dẫn tới nông dân luôn ở thế yếu, không định được giá lúa, khó cải thiện nâng cao chất lượng gạo do thóc gom từ nhiều nguồn khác nhau dẫn tới khó tạo thương hiệu gạo, vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu…
Mặt khác, ở nhiều nơi nông dân sản xuất nhỏ, chưa quen liên kết, diện tích đất mỗi hộ ít, trình độ không đồng đều nên khả năng đầu tư, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật hạn chế, ghi chép nhật ký sản xuất chưa có tiền lệ, vay vốn cũng còn khó khăn.
Trong Đề án mới, Bộ NN&PTNT đề nghị mô hình cánh đồng mẫu lớn sẽ thuộc nhóm ưu tiên đặc biệt. Nhà nước sẽ tạo môi trường tối đa để thúc đẩy liên kết thông qua cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện mà cụ thể như hỗ trợ kinh phí để xây dựng hạ tầng nông nghiệp nội đồng, nội vùng, kho, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, được ưu tiên vay vốn, ưu đãi về đất đai và thuế, hỗ trợ 100% chi phí mua giống mới vụ đầu, được đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
(Theo VGP News)