Năm 2013: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp DNNN theo hướng tinh gọn, hiệu quả
Đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang là nội dung dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Chính phủ cũng đang quyết tâm đổi mới, sắp xếp DNNN theo hướng tinh gọn, hiệu quả và quá trình này đang được triển khai một cách quyết liệt.
Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. |
Thực tế cho thấy kinh tế Nhà nước và DNNN được đổi mới gắn liền với việc tinh gọn, hiệu quả, đảm nhận những vai trò chủ đạo, hợp lý, khác hẳn quan điểm trước đây về một hệ thống kinh tế Nhà nước cồng kềnh. Đổi mới, sắp xếp hiện nay theo hướng cần đảm bảo ở những lĩnh vực Nhà nước cần độc quyền: an ninh quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng quốc gia, và cần đột phá trong những lĩnh vực mà chưa ai khai phá.
Đơn cử như với trường hợp của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Thực ra đây là một hướng đi đúng hướng vì phát triển kinh tế biển rất quan trọng, cần khởi động từ phía Nhà nước nhưng do quản lý kém và sai phạm về tham nhũng... đã khiến cho hoạt động của Tập đoàn này bị trì trệ và gây mất lòng tin của người dân vào hoạt động của Tập đoàn, DNNN. Phải khẳng định lại một lần nữa là quan điểm phát triển Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam là hợp lý bởi nước ta có tiềm năng dồi dào để phát triển kinh tế biển.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho biết: Thực tế, nội dung đổi mới, sắp xếp DNNN đã triển khai từ lâu (từ những năm 1992-1993-1997) nhưng mới chỉ đề cập ở phía ngoài. Phải chính thức tới năm 2012, chúng ta mới đi vào cốt yếu mà đầu tiên là tạm ngừng (thực tế là chấm dứt) 2 Tập đoàn trong ngành xây dựng.
Đây là việc làm hợp lý, bởi xu hướng chủ đạo hiện nay là chỉ tập trung vào những lĩnh vực cần thiết, loại bỏ những lĩnh vực không cần thiết, đặc biệt là những lĩnh vực thương mại, những lĩnh vực mà tư nhân đã làm tốt. Sự giảm bớt này cũng chính là giảm thiểu sự cồng kềnh trong cơ cấu tổ chức, quản lý, giảm tốn kém về kinh tế. Việc bãi bỏ này cũng chứng minh phép thử mà không thành công thì dừng lại là đúng đắn.
Cũng theo TS Nguyễn Minh Phong, trong tương lai, cần cấu trúc lại việc quản lý các DNNN theo hướng cần một tổ hợp quản lý chung, không phải là tổ hợp bao gồm tất cả các DNNN hiện nay mà chia theo các nhóm ngành: công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng...
Khi trao đổi với lãnh đạo cấp ủy và Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN trong bối cảnh hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng chỉ ra, hiện, DNNN đang tham gia sản xuất kinh doanh ở 19 lĩnh vực, cung cấp 80% sản lượng xăng, dầu, điện; 70% lượng gạo xuất khẩu; 80% lượng phân bón hóa học…, địa bàn hoạt động vươn tới cả những vùng khó khăn, trọng điểm… Nhờ kết quả sản xuất kinh doanh tốt ở nhiều lĩnh vực và thực hiện nhiệm vụ chính trị trong điều tiết kinh tế mà kinh tế vĩ mô của đất nước dần ổn định trong những năm qua.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, dứt khoát Nhà nước phải kiểm soát, chi phối được DNNN, chứ không giao quyền cho DNNN hoàn toàn. Đồng thời, để khắc phục những bất cập và tồn tại của DNNN trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2012/NĐ-CP thay thế Nghị định 132/2005/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Với Nghị định này, Hội đồng quản trị của DNNN phải xin ý kiến các cấp chủ sở hữu khi quyết định vấn đề sản xuất kinh doanh quan trọng. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho biết quy định này phải được triển khai linh hoạt để không hạn chế tính chủ động của DNNN và khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp, cần có một chương riêng quy định về DNNN. Ban Tổ chức Trung ương cũng đang nghiên cứu mô hình Đảng trong DNNN để đảm bảo sự giám sát nội bộ tốt hơn.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ nghiên cứu thúc đẩy cổ phần hóa vừa nâng cao hiệu quả kinh doanh, vừa tăng cường giám sát hoạt động của DNNN từ phía các thành phần kinh tế khác. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng nêu các tồn tại của DNNN cần nhanh chóng khắc phục như: công nghệ lạc hậu, quản trị còn yếu kém, đầu tư dàn trải; chính vì vậy, trong thời gian tới, phải tiếp tục sắp xếp, đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.
Trong khi đó, theo ông Phạm Viết Muôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các Tập đoàn, Tổng công ty (TĐ, TCT) Nhà nước giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, trong năm 2013 này, nhiệm vụ đặt ra đối với các TĐ, TCT Nhà nước là xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phù hợp và tổ chức thực hiện để tăng trưởng khoảng 10%; đồng thời sẽ quyết liệt tái cơ cấu.
Chính phủ đã xác định năm 2013 tiếp tục còn nhiều khó khăn, DNNN vẫn phải là lực lượng nòng cốt để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm. Để làm được như vậy, các TĐ, TCT Nhà nước đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đang thi công; ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực như công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, đẩy mạnh xuất khẩu.
Đặc biệt, các TĐ,TCT phải nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, kiện toàn tổ chức quản lý; bảo đảm tính hiệu quả đối với các dự án đầu tư phát triển; tăng cường công tác kiểm soát nội bộ, nhất là kiểm soát rủi ro tài chính để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp.
(Theo chinhphu.vn)