Nhiều giải pháp "phá băng" cho thị trường bất động sản năm 2013
Ảnh minh họa. Ảnh: Duy Sơn |
Năm 2012 kết thúc, thị trường bất động sản vẫn chìm trong ảm đảm. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu năm 2013, Chính phủ và các bộ, ngành đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn, “phá băng” cho thị trường bất động sản. Vì vậy, năm 2013 đang tạo ra những hi vọng khởi sắc cho thị trường này trong năm mới.
Bộ Xây dựng nhận định rằng một trong những khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản là việc phát triển thị trường này không theo quy hoạch, cung vượt quá xa cầu. Điều này khiến các giao dịch trở nên trầm lắng, đẩy nhiều nhà đầu tư bị mắc kẹt vốn, từ đó khiến thị trường bất động sản vào thế “đóng băng”.
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy trong gần 56.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản đã có khoảng 2.600 đơn vị ngừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2012.
Trong số đó, lĩnh vực xây dựng chiếm đa số với 2.110 doanh nghiệp và phần còn lại là những công ty kinh doanh bất động sản. So với năm 2011, tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng ngừng hoạt động, giải thể tăng hơn 6%, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tăng hơn 24%.
Trong những ngày đầu năm 2013, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Xây dựng với đại diện lãnh đạo 18 hội và hiệp hội trong ngành tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định, trong năm 2013, nhiệm vụ trọng tâm của ngành xây dựng là tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát trong đầu tư xây dựng... nhất là các dự án có vốn ngân sách nhà nước; nâng cao hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình, tập trung đổi mới nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kiểm soát chặt các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch; tập trung giải quyết tình trạng đóng băng thị trường bất động sản gắn với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Đặc biệt, cũng ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Trong đó, tập trung nhiều giải pháp cho thị trường bất động sản.
Đáng chú ý, trong nhóm giải pháp giải quyết hàng tồn kho cho bất động sản, Chính phủ chỉ đạo các địa phương có tồn kho bất động sản lớn hạn chế tối đa sử dụng nguồn từ ngân sách để đầu tư, xây dựng mới nhà ở tái định cư. Thay vào đó, dùng nguồn vốn này và các nguồn tài chính hợp pháp khác để mua lại các dự án nhà ở thương mại phù hợp, phục vụ nhu cầu tái định cư, làm nhà ở xã hội để cho thuê hoặc cho thuê mua cho các đối tượng chính sách, người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động.
Để giảm giá thành sản phẩm, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để giảm chi phí cho các doanh nghiệp. Cụ thể, gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế phải nộp quý I và 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quý II và quý III/2013 cho đối tượng là doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở, không phân biệt quy mô doanh nghiệp và số lao động sử dụng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp vào giữa năm 2013 để áp thuế suất 10% từ 1-7-2013 đối với thu nhập từ đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội; giảm 50% số thuế giá trị gia tăng đầu ra từ ngày 1-7-2013 đến hết 30-6-2014 đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội; giảm 30% số thuế với nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp 20% từ 1/7/2013; giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, năm 2014 đối với đối tượng nộp theo Nghị định 121/2010/NĐ-CP ngày 30-12-2010; cho chủ đầu tư dự án nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ thanh toán tiền bán hàng tối đa 24 tháng.
Gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với số thuế phải nộp của quý I/2013 đối với các doanh nghiệp đang thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ là doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở và doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng như sắt, thép, xi măng, gạch, ngói.
Có thể nói nhóm giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2013 nói chung và giải cứu thị trường bất động sản nói riêng sẽ không chỉ hỗ trợ hiệu quả đối với thị trường bất động sản mà còn cả nền kinh tế. Các giải pháp tài chính này kỳ vọng có thể giúp cộng đồng doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, giảm dần nợ xấu, phát triển ổn định hơn, đóng góp nhiều hơn nữa sự phát triển chung của nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, trong lúc chờ có chính sách cụ thể, trước hết các doanh nghiệp phải tự tháo gỡ cho chính mình. Những dự án nào chưa bồi thường và giải phóng mặt bằng nên dừng lại và có chính sách động viên nhà đầu tư. Nếu cứ tiếp tục triển khai đầu tư theo phong trào như trước đây sẽ đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản do nguồn hàng tồn kho lớn hơn so với nhu cầu thực.
Trước mắt, các bộ ngành đang khẩn trương hoàn thiện chính sách và việc giải quyết bài toán về thị trường bất động sản hiện nay sẽ phải xuất phát từ chính thực tiễn. Bộ Xây dựng đang giao các đơn vị chức năng tập trung tính toán lại tổng thể cung - cầu trên phương diện vĩ mô, thông qua việc đánh giá lại toàn bộ quỹ đất của các dự án đã được duyệt; phân loại cụ thể những dự án đã bồi thường giải phóng mặt bằng, đang bồi thường dở dang và chưa bồi thường giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, việc rà soát sẽ tập trung vào hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài việc đưa ra lộ trình phát triển quỹ nhà ở phù hợp, còn phải rà soát để điều chỉnh lại công năng, quy mô, cơ cấu sản phẩm trên nguyên tắc tiết kiệm tài nguyên đất đai, đảm bảo hiệu quả của nhà đầu tư, phù hợp với nhu cầu của người dân.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, việc giải quyết bài toán “tồn kho” bất động sản cũng như làm “nóng” trở lại thị trường không thể diễn ra trong “ngày một, ngày hai”. Song, chúng ta cùng hy vọng rằng, với khó khăn hiện nay, thị trường bất động sản sẽ tự điều chỉnh lại, cùng với các chính sách linh hoạt, thị trường sẽ phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn chứ không còn mang “giá trị giao dịch ảo, đẩy giá lên quá cao” như thời gian qua.
(Theo dangcongsan.vn)