Tết cho người nghèo
Cứ vào dịp năm hết, Tết đến, cả nước lại chăm lo cho người nghèo ăn Tết. Bên cạnh các tiêu chuẩn mà Nhà nước giúp hộ nghèo vui xuân, đón Tết, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện và cá nhân (nói chung là cộng đồng xã hội) chung sức, chung lòng lo cho người nghèo với phương châm “Không để hộ nghèo nào không có Tết”.
Cùng với cả nước, trong những ngày này, dù bận rộng việc chung, việc riêng, song các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và cả cộng đồng vẫn quan tâm đến với gia đình chính sách, gia đình có công với nước, hộ nghèo, người nghèo… với những phần quà đầy ý nghĩa. Đó là nét đẹp văn hóa, tô thắm thêm đạo lý, truyền thống nhân ái “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”…trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Cán bộ Phòng LĐTB&XH huyện Chợ Gạo làm thủ tục phát quà Tết Quý Tỵ cho người nghèo. Ảnh Như Lam |
Đất nước phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện và nâng lên. Thế nhưng trong sự phân hóa giàu nghèo (cả vật chất và tinh thần) và nhất là chuẩn hộ nghèo có thay đổi nên tỷ lệ hộ nghèo dù phấn đấu giảm dần, song vẫn còn chiếm tỷ lệ đáng quan tâm, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, khắc nghiệt.
Trên cơ sở đó, hàng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp và với trách nhiệm của các cơ quan hữu quan kịp thời cập nhật thực trạng, tỷ lệ hộ nghèo, đối tượng nghèo thuộc diện phải trợ cấp để thực hiện chính sách xã hội. Đây cũng là cơ sở để tổ chức chăm lo Tết cho người nghèo - hộ nghèo, làm được như vậy thì phương châm “Không để hộ nghèo nào không có Tết” khả dĩ chu toàn.
Với sức mạnh đoàn kết, tương ái, có thể nói nguồn lực “Tết cho người nghèo” luôn đảm bảo. Tuy nhiên có điều quan ngại là không phải số tiền bỏ ra bao nhiêu, mà là làm sao hộ nghèo- người nghèo đều được thụ hưởng, tránh sự so bì người ít, người nhiều. Một thực tế khác cũng đáng quan ngại là cách tiếp nhận và sử dụng đồng tiền, quà Tết.
Có một doanh nhân khi tham gia chuyến tặng quà và tiền đã khuyên nhũ rất thật: Các cô, các bác, các anh chị nhớ là phải mua quần áo mới cho các cháu, chứ đừng uống rượu, đánh đề nhé! Lời “cảnh báo” ấy quả không thừa, vì có những hộ nghèo không phải vì ốm đau, rủi ro mà là do nát rượu, nghiện số đề, không lo làm ăn… dù đối tượng này không nhiều.
Tất nhiên, trước mắt là cùng nhau chăm lo cho người nghèo - hộ nghèo hưởng Tết Quý Tỵ, còn chuyện giáo dục, giúp đối tượng này chuyển biến, tiến bộ, chiến thắng cái nghèo cần phải quan tâm từ ngày thường.
Tết đến với người nghèo - hộ nghèo xuất phát từ tấm lòng và trách nhiệm vì có ai muốn nhận quà - tiền trong diện nghèo. Thế nên của cho và cách cho còn là nghĩa cử văn hóa cao đẹp. Có người đi tặng quà trong “ồn ào”, lại có người “lặng lẽ”. Dù thế nào đi nữa nghĩa cử đó đều thắp lên trong chúng ta ngọn nến của lòng nhân ái đáng để nâng niu và trân trọng.
Những phần quà, ít tiền mọn đầy nghĩa tình ấy là bao nhọc nhằn, khó nhọc sau một năm vật lộn với bao công việc trong cuộc mưu sinh, đặc biệt là năm qua chuyện làm ăn không hề suôn sẻ. Cùng nhau cảm nhận như vậy mới càng quý và càng ứng xử sao cho người trao, người nhận thanh thản, ấm áp hai chữ đồng bào vào Tết Quý Tỵ…
NGƯỜI SÔNG TIỀN