Thử thách, niềm tin và thắng lợi
Nhà báo Hữu Thọ. |
Trong khó khăn càng tỏ rõ bản lĩnh con người Việt Nam; trong khó khăn niềm tin càng được tôi luyện; trong những thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc”, dân tộc ta vẫn vững vàng vượt qua; không sợ khó khăn, chỉ sợ lòng người chủ quan khi chiến thắng… Đó là những nhận định của nhà báo lão thành Hữu Thọ trong những giờ phút cuối cùng của năm 2012 - một năm đầy khó khăn, thách thức và cũng đầy hy vọng.
Phóng viên (PV): Thưa nhà báo Hữu Thọ, năm 2012 là một năm đầy khó khăn, thử thách, không chỉ đối với nước ta, mà cả trên thế giới và khu vực. Theo nhà báo, trong bức tranh chung đó, có điểm sáng nào của chúng ta, nói cách khác, trong năm 2012, chúng ta có được thắng lợi nào?
Nhà báo Hữu Thọ: Năm 2012 là năm có rất nhiều khó khăn, thử thách đối với chúng ta. Trong khó khăn đó, không phải không có những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí nghĩ tới sự đổ vỡ. Do vậy đến thời điểm này, những gì chúng ta giữ được, đạt được đã chứng tỏ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, khẳng định sự điều hành đúng đắn của Chính phủ.
Trong hoàn cảnh cả thế giới khó khăn, thì GDP của chúng ta vẫn tăng hơn 5%, vẫn có xuất siêu… Đặc biệt, trong khó khăn, đã thể hiện sự ưu việt của chế độ của chúng ta, bản chất xã hội của chúng ta, qua việc quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ cho người nghèo, hỗ trợ công nhân mất việc làm… Chính sách quốc gia biểu hiện bản chất của chế độ xã hội.
Trong tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, nhiều quốc gia có số lượng người thất nghiệp cao, không có lương, thậm chí nhiều người đã trở nên không nhà không cửa. Trong tình hình đó, xã hội ta vẫn chăm lo đến con người, điều đó thể hiện bản chất chế độ xã hội ta. Đó là bức tranh vui.
PV: Trong lúc này, cần nhất là điều gì, thưa ông?
Nhà báo Hữu Thọ: Trong tình hình phức tạp, khó khăn, thì niềm tin chiếm 80% thắng lợi. Xã hội hiện nay vẫn còn tiêu cực, nhưng cũng có nhiều điều, nhiều mặt tích cực. Người làm báo chúng ta cần thận trọng, nếu chỉ tô đậm tiêu cực sẽ tạo ra những bực dọc, bất mãn trong xã hội, điều này là không nên. Chúng ta cần hiểu, chính những tấm gương mới thực sự có khả năng lấy được nước mắt cuả người khác.
Bác Hồ của chúng ta đã dạy: Một tấm gương tốt còn hơn rất nhiều những bài tuyên truyền... Học giả Talet (Thales) thời kỳ cổ Hy Lạp nói: Trẻ con bịt tai trước những lời khuyên và mở to mắt trước những tấm gương, cho nên trong những lúc khó khăn này, báo chí chúng ta phải quyết tâm ủng hộ những tấm gương; những gì chúng ta biết rõ thì phải làm rõ, và đừng làm khó dễ cho sự điều hành của các cơ quan nhà nước. Nếu chúng ta cứ tạo ra những thắc mắc, mất niềm tin, thì chính chúng ta sẽ làm suy giảm nội lực của con người Việt Nam.
Hiện nay cả thế giới gặp khó khăn chứ không riêng nước ta. Dự báo kinh tế Mỹ năm 2013 có thể tăng trưởng âm, cả cộng đồng châu Âu cũng gặp khó khăn, khủng hoảng… Nhiều nhà khoa học đã dự báo năm 2013 có thể có bức tranh sáng hơn năm 2012, nhưng đồng thời cũng có người dự báo cái gốc chưa giải quyết được, và phải giải quyết được cái gốc, đó là tái cấu trúc nền kinh tế.
Theo tôi, lúc này không có cách nào khác ngoài cách chung sức nhau để vượt qua khó khăn, tránh tình trạng người nọ ghen ghét người kia, không đoàn kết với với nhau, nhân dân không đồng tình với các nhà quản lý... Càng khó khăn, chúng ta càng cần phải đoàn kết để tạo ra sức mạnh. Hơn lúc nào hết, lúc này chúng ta càng cần tạo ra sự đoàn kết.
Những gì đạt được trong năm 2012, không thể nói là đã tạo nên niềm tin vững chắc, nhưng cũng làm cho chúng ta tin rằng chúng ta có thể giảm được lạm phát, có thể giải quyết ổn định giá ngoại tệ, có thể kiểm soát được nhập siêu, có thể xuất siêu… Niềm tin chưa thật sự vững chắc, nhưng phải thấy, trong đêm tối, le lói một que diêm, là có thể thấy đường ra. Mỗi người chỉ cần thắp lên một que diêm, là có thể tạo nên một vùng sáng.
Trong năm 2012, thành tựu của chúng ta chưa lớn, nhưng đã tạo cho chúng ta niềm tin và chúng ta phải nuôi dưỡng niềm tin ấy. Kinh nghiệm lịch sử của dân tộc ta, khi gặp khó khăn, không có khó khăn nào chúng ta không vượt qua. Truyền thống văn hóa Việt Nam đã cho thấy, không có khó khăn nào đánh gục được chúng ta. Lịch sử đã chứng minh, có những lúc tình thế ngàn cân treo sợi tóc, chúng ta đã vượt qua…
Tôi hết sức ấn tượng với thông điệp đầu năm của Thủ tướng chính phủ, bởi Thủ tướng đã nhấn mạnh đến việc cần khắc phục yếu kém. Đây là điều chúng ta quan tâm. Người lãnh đạo là người phải luôn luôn nhìn vào mình, nhìn ra những thiếu sót cần khắc phục… Chính vì vậy, năm mới tôi chúc mọi người tiếp tục nuôi dưỡng niềm tin dù là bé nhỏ, nuôi dưỡng nội lực của chính mình, gia đình mình, cộng đồng mình, để làng xã, huyện tỉnh cùng vươn lên, cả đất nước cùng vươn lên...
PV: Nhà báo vừa nhắc tới cái gốc để phát triển kinh tế. Cái gốc ở đây là gì, thưa ông?
Nhà báo Hữu Thọ: Cái gốc tôi nhắc tới ở đây là tái cấu trúc. Chúng ta chuyển phát triển bề rộng sang bề sâu. Thời gian qua, nhiều thành tựu của chúng ta chưa đạt vì chúng ta chưa hoàn thành tái cấu trúc. Tái cấu trúc đôi khi gây ra sự “đau khổ”, bởi như vậy có thể nhiều người sẽ mất việc làm. Nhưng chỉ có tái cấu trúc xong mới có nền tảng vững chắc để phát triển. Chúng ta phải gắn phát triển với tái cấu trúc, xây nền tiến lên vững chắc.
PV: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng ra đời đã tạo một không khí phấn khởi trong nhân dân. Nhưng phải chăng sau một thời gian triển khai thì dường như sự hồ hởi có vẻ giảm đi, theo ông có việc đó không, và làm sao để nhân dân thật sự tin tưởng vào quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn của Đảng?
Nhà báo Hữu Thọ: Thực ra về vấn đề này, cũng như đồng chí Tổng Bí thư đã nói, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" có nhiều giải pháp, nhiều nhóm giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp tự phê bình và phê bình. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, chúng ta cần phải tiếp tục, cần có thời gian. Sau một thời gian thực hiện Nghị quyết, có thể người dân giảm hồ hởi, bởi người dân quan tâm vấn đề xử lý tiêu cực trong Đảng, và dân không yên vì trong Đảng còn tiêu cực.
Tôi nhận thấy, nếu không chống được tiêu cực trong Đảng thì rất khó giáo dục thanh niên, vì đảng viên là tấm gương cho thanh niên. Người ta nói, trong nội bộ Đảng, việc chống tham nhũng phải từ bên trên và từ bên trong, phải làm quyết liệt. Từ trước đến nay, chủ trương của chúng ta phòng bệnh là chính. Cả cuộc đời của con người, phải phòng bệnh là chính, nhưng khi đã ốm, vào bệnh viện thì phải chữa bệnh, sốt cao thì phải hạ sốt rồi mới phòng bệnh tiếp.
Cho nên, bên cạnh phê bình và tự phê bình, nhân dân mong muốn phải nghiêm khắc trừng trị những kẻ tham nhũng, những kẻ vô trách nhiệm làm thất thoát lớn tài sản, của cải Nhà nước, bất kể họ là ai, thì người dân mới yên tâm. Hiện nay dân cho rằng việc xử lý những tiêu cực này chưa nghiêm, chưa thỏa mãn.
Vấn đề phê bình và tự phê bình thì vừa qua chúng ta chủ yếu làm trong nội bộ - tôi khẳng định là chủ yếu chứ không phải tất cả. Chúng ta phải tìm cách cho dân tham gia vào việc này. Bác Hồ đã nói, dân phải kiểm tra, dân phải tham gia giám sát cán bộ, muốn kiểm tra cán bộ phải dựa vào dân, vì dân biết nhiều việc hơn. Vừa rồi là dân chưa thực sự tham gia, và có thể lãnh đạo chưa thực sự lắng nghe, chưa tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của dân.
Vì nước, vì dân là phải làm theo ước vọng của dân, mà ước vọng của dân hiện nay là trị tội những kẻ tham nhũng và những người vô trách nhiệm làm thất thoát tài sản của nhà nước; ước vọng cuộc sống ngày một dân chủ hơn, kinh tế phát triển, đời sống ngày được nâng cao… Đây là vấn đề rất lớn. Người dân chưa yên tâm, vì vừa qua chúng ta mới chỉ phanh phui được những vụ nhỏ, có thể nói là chỉ bắt được “mèo con”.
Niềm tin là quan trọng. Nhiều học giả đã nói, niềm tin được bao nhiêu cũng là ít, mất một chút niềm tin là mất nhiều, mà đã mất niềm tin là mất tất cả… Niềm tin hiện nay trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng là những kẻ tham nhũng hoặc làm thất thoát tài sản phải bị xử lý. Tôi thấy cần phải phanh phui và tìm ra những vụ lớn và xử lý nghiêm bất kể đó là ai thì xã hội mới yên. Niềm tin mất đi khó lấy lại, nhưng chỉ cần chúng ta giữ được sản xuất phát triển, đời sống nhân dân nâng lên một chút thôi trong tình hình cả thế giới khó khăn này, những kẻ tham nhũng bị xử lý, thì niềm tin sẽ được khôi phục.
Không ai nghĩ qua một đêm tỉnh dậy là hết tham nhũng, nhưng chúng ta cố gắng để mỗi năm bớt dần đi… Tôi cho rằng, Đảng chỉ đạo quyết liệt, Chính phủ ra tay, nhân dân hưởng ứng; nhanh chóng bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, thì chắc chắn tham nhũng, tiêu cực sẽ bị đẩy lùi.
PV: Theo ông, hiện nay chúng ta cần chú trọng vào những lĩnh vực nào của xã hội?
Nhà báo Hữu Thọ: Trong xã hội xưa, vua quan muốn giữ vương triều thì luôn quan tâm 3 lĩnh vực: Công đường; Pháp đình và Học đường. Nôm na là Công đường liên quan đến người viên chức; Pháp đình là nơi kết luận đúng sai; Học đường là nơi đào tạo ra con người.
Hiện nay 3 lĩnh vực này của chúng ta đều còn nhiều vấn đề cần giải quyết, lĩnh vực nào cũng đang có chuyện cần bàn. Nếu chúng ta giải quyết và làm tốt 3 lĩnh vực này, để luật pháp nghiêm minh, giáo dục đào tạo tốt thì chúng ta sẽ phát triển. Chúng ta cần tập trung vào những lĩnh vực lớn như vậy, tuy không phải một lúc làm được ngay, nhưng đây là những việc hết sức hệ trọng, cần phải làm.
PV: Chúng ta đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, trong đó quan tâm đến việc phát huy quyền lực của nhân dân bằng hình thức trực tiếp. Theo ông, làm thế nào để đảm bảo và phát huy quyền lực đó?
Nhà báo Hữu Thọ: Xã hội nào người ta cũng mong muốn được kiểm soát quyền lực. Tất cả các cơ chế của xã hội đều cố gắng tạo ra quyền kiểm soát quyền lực. Chúng ta phải làm cho dân được kiểm soát, và muốn vậy chúng ta phải xây dựng được cơ chế kiểm tra, giám sát cho người dân.
Nói ví dụ, chúng ta đang xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhưng ở khu dân cư, thiết chế này chủ yếu giúp người dân xây dựng đời sống văn hóa, biết cư xử, thái độ với hàng xóm láng giềng… chứ không thể giúp nhân dân biết được những “gói thầu” - nơi sản sinh tiêu cực. Muốn biết được “gói thầu”, phải là trong nội bộ.
Người ta thường nói: Thanh tra thì chỉ ở ngoài da, kiểm tra mới đến thịt, điều tra mới đến xương. Phải điều tra thì mới có khả năng biết một người có phạm tội không? Chỉ điều tra mới biết người đó có thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng không? Vì vậy, cơ chế kiểm tra là cơ chế cực kỳ khó.
Phải xây dựng cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Hiện nay chúng ta cũng chưa có luật để khẳng định là dân được biết những gì; cái gì được bàn; cái gì được kiểm tra, kiểm tra bằng cách nào? Trong tình hình hiện nay, dân kiểm tra bằng đại diện, qua góp ý bằng hòm thư, và cũng cần kiểm tra qua báo chí, với tư cách báo chí là diễn đàn của nhân dân.
Đại hội XI đã khẳng định lại rõ, báo chí là một kênh kiểm tra, giám sát cán bộ đảng viên của nhân dân. Những phát hiện qua báo chí phải được coi là ý kiến của nhân dân. Ý kiến của nhân dân phải được tập hợp qua nhiều kênh.
Phải tăng cường góp ý và tôn trọng những góp ý trực tiếp của nhân dân. Mà hiện nay những cơ chế đều chưa chặt chẽ, và theo tôi cần phải luật định về những cơ chế này, như vậy quyền lực giám sát của nhân dân mới được nâng cao.
PV: Xin trân trọng cảm ơn nhà báo lão thành Hữu Thọ, kính chúc ông năm mới nhiều sức khỏe, có thêm nhiều bài báo có giá trị!
(Theo dangconsan.vn)