Cần có một chiến lược quốc gia về doanh nghiệp đến năm 2020
Doanh nghiệp phá sản, giải thể hàng loạt trong năm qua và dự báo tình trạng này còn tiếp diễn khiến ngày càng nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ phải đưa ra và hành động nhanh hơn trong mỗi giải pháp.
Con số 55.000 doanh nghiệp phá sản giải thể trong năm 2012 lại được đề cập đến trong diễn đàn CEO với chủ đề: "Quản trị khủng hoảng" tổ chức tại Hà Nội tuần qua. Điều này, theo các chuyên gia, phản ánh tác động "khốc liệt" của khủng hoảng kinh tế thế giới với Việt Nam.
Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ khi đưa ra hàng loạt giải pháp như giảm, miễn, hoãn thuế, hỗ trợ tín dụng, kích cầu tiêu dùng, nhưng theo Giáo sư Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, vẫn cần những hành động tháo gỡ khó khăn "nhanh tay hơn" từ nhà điều hành.
Ngoài ra, theo ông một số chính sách chưa được nghiên cứu thận trọng đã được ban hành hay thay đổi như: việc điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu, kinh doanh vàng miếng, thu phí phương tiện giao thông… làm tăng thêm chi phí của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, năm 2013, nền kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn. |
Giáo sư Nguyễn Mại khuyến nghị, cần có một chiến lược quốc gia về doanh nghiệp cho đến năm 2020, để không chỉ giúp doanh nghiệp thoát khỏi khủng hoảng mà còn tăng nhanh số doanh nghiệp từ 650.000 lên 1 triệu, với quy mô lớn gấp 3,4 lần hiện nay, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội.
"Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có định hướng rất rõ và doanh nghiệp cũng cần có định hướng rất rõ để vượt qua khủng hoảng và phát triển", ông Nguyễn Mại nói.
Theo TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CEIM), nền kinh tế Việt Nam hiện còn quá nhiều yếu tố cần xử lý, nhưng trước hết, nên ưu tiên những biện pháp để vực dậy niềm tin cho thị trường và các doanh nghiệp. Ông Thành đề nghị, phải bắt tay ngay vào xử lý ngay nợ xấu ngân hàng và tích cực hạ lãi suất cho vay với các doanh nghiệp để họ có cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh.
"Từ phổ biến tại các bộ ngành là quyết liệt, nhưng hiện nay làm chậm quá. Đồng thời, các giải pháp đã đưa ra rồi thì đều thực hiện rất chậm hoặc tác động quá yếu", ông Thành nói.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, lãi suất ngân hàng, bảo hộ thương mại, vốn ít, vay nhiều... vẫn là một trong những khó khăn mà đại bộ phận công ty ở Việt Nam gặp phải. Mà bất lợi về những điểm này lại là thế mạnh của các công ty hay các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.
Để tồn tại trong bối cảnh kinh tế hiện nay và có thể cạnh tranh với những đối thủ lớn trên thế giới, theo ông Vũ, ngoài những hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp phải tự vận động là chính. Trong đó, doanh nghiệp phải luôn biết làm mới mình, tiết giảm thật tốt những chi phí trong quản trị và phải đặc biệt chú trọng vào khâu chất lượng sản phẩm, có trách nhiệm với đồng vốn, với cộng đồng, tránh tình trạng làm ăn đầu cơ, chộp giật.
"Dòng tiền chúng ta đang mức giá thấp, hàng sản xuất công nghiệp chưa được sự quan tâm... đây là cơ hội cho doanh nghiệp. Khoảng từ 10-20 năm tới Đông Nam Á sẽ là khu vực phát triển nhất, Việt Nam đang nằm trong khu vực này, đây là cơ hội cực tốt cho các doanh nghiệp", ông Vũ nói.
(Theo vnexpress.net)