Thứ Tư, 13/03/2013, 11:43 (GMT+7)
.

Phía sau những “ý kiến đóng góp”

Trong thời gian vừa qua, sau khi Quốc hội nước ta tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xuất hiện một số “ý kiến đóng góp” lạc lõng, yêu cầu thực hiện đa nguyên, đa đảng bằng việc xoá bỏ Điều 4 trong Hiến pháp năm 1992, “xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Vậy, phía sau những “ý kiến đóng góp” này là gì?  

Xem xét từ góc độ lịch sử, cần nhìn nhận: Chế độ đa nguyên, đa đảng đã sớm xuất hiện vào đầu thế kỷ 18. Đây là thời điểm giai cấp tư sản đóng vai trò là lực lượng xã hội tiến bộ, tích cực đi tiên phong trong đấu tranh chống phong kiến, bảo vệ quyền bình đẳng của các nhóm xã hội có lợi ích khác nhau, phát triển quyền tự do dân chủ tư sản.

Song cùng với bước phát triển của chủ nghĩa tư bản (CNTB), đặc biệt từ khi CNTB tự do cạnh tranh chuyển thành CNTB độc quyền (chủ nghĩa đế quốc) thì ý nghĩa tích cực ban đầu của đa nguyên, đa đảng đã hoàn toàn không còn. Dù đã tìm mọi cách để che đậy song giai cấp tư sản vẫn không thể phủ nhận được sự thực: mục đích cuối cùng, mục tiêu duy nhất của chế độ đa nguyên, đa đảng trong xã hội tư bản là bảo đảm quyền lực của giai cấp tư sản, bảo vệ lợi ích của giai cấp bóc lột bằng mọi giá.

Thực tế cho thấy, một số ít người cả tin, thiếu hiểu biết đã ít nhiều tin vào những luận điệu chống phá của các lực lượng thù địch, tin vào quan điểm “đa nguyên, đa đảng” mà lầm tưởng cứ nhiều đảng cạnh tranh thì sẽ dân chủ hơn. Chúng ta hãy nhìn sang một số nước tư bản hiện nay, đặc biệt là Mỹ, bên cạnh xã hội được coi là “miền đất hứa” với những ánh mỹ kim hào nhoáng thì ở Mỹ còn tồn tại một “xã hội” khác hoàn toàn khác với đầy rẫy những bất công, bạo lực, đói nghèo, thất nghiệp, mất dân chủ…

Ở Mỹ có 112 đảng, nhưng chỉ có Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ thay nhau cầm quyền, tuy bề ngoài là chế độ đa đảng đối lập song xét về bản chất đó chỉ là một đảng - đảng của giai cấp tư sản. Dù Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hoà nắm quyền thì đều là đảng của giai cấp tư sản, đều nhận sự tài trợ của các tập đoàn kinh tế, cùng là đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản.

Và vì thế, dân chủ ở Mỹ không gì khác là nền dân chủ tư sản, nền dân chủ chỉ dành cho một bộ phận thiểu số, một số ít người trong xã hội. Trong khi đó, dân chủ suy đến cùng là quyền làm chủ của nhân dân, quyền lực thuộc về đại bộ phận nhân dân lao động. Do vậy, chế độ đa nguyên, đa đảng không bao giờ và không thể mang lại những giá trị dân chủ đúng nghĩa.

Đối với nước ta, Điều 4, Hiến pháp năm 1992 khẳng định rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trong các kỳ Đại hội, Đảng luôn nhất quán vấn đề này. Đại hội XI của Đảng ta đã khẳng định: Việt Nam không cần có đa đảng. Khẳng định quan điểm này hoàn toàn không phải xuất phát từ ý muốn chủ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đây là sự khẳng định dựa trên những cơ sở khoa học cụ thể về cả lý luận và thực tiễn, trước hết là xuất phát từ bản chất của chế độ đa nguyên, đa đảng như đã phân tích ở trên.

Cũng cần phải nói thêm là thực tế không phải lịch sử Việt Nam chưa từng có chế độ đa nguyên, đa đảng song chính lịch sử đã sớm phủ định chế độ đó. Nhìn lại lịch sử dân tộc, chúng ta thấy đã có thời điểm đa nguyên, đa đảng xuất hiện tại Việt Nam. Năm 1946, trước yêu cầu cách mạng đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết, ĐCSVN đã tuyên bố tự giải tán và mở rộng Chính phủ dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu với sự tham gia của nhiều đảng phái đối lập như Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân đảng); Việt Cách (Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội)…

Nhưng cùng với dòng chảy của cách mạng, những tổ chức, đảng phái “bán nước cầu vinh”, xem nhẹ lợi ích quốc gia, dân tộc nên đã bị chính lịch sử và nhân dân ta loại bỏ. Khi quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Việt Nam, hai đảng này cũng cuốn gói chạy theo, trên vũ đài chính trị nước ta duy nhất chỉ còn lại ĐCSVN đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối cách mạng khoa học, đúng đắn là đại diện cho quyền lợi của nhân dân lao động, đại biểu cho lợi ích quốc gia, dân tộc.

Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, một lần nữa lịch sử và nhân dân lại lựa chọn Đảng ta là lực lượng chính trị có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Được sự “hà hơi, tiếp sức” của đế quốc Mỹ, nhiều đảng phái đã được bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm thành lập ở miền Nam Việt Nam. Song do mục đích chính trị của những đảng phái này là chống lại nền độc lập dân tộc, phá hoại Tổng tuyển cử tự do, thống nhất nước nhà, đi ngược lại lợi ích của nhân dân lao động nên nhân dân ta đã đoàn kết đấu tranh loại bỏ những đảng phái chính trị đó.

Đặc biệt từ sau năm 1975 đến nay, nền chính trị nhất nguyên với vai trò lãnh đạo của ĐCSVN được củng cố và phát triển một cách toàn diện đã một lần nữa khẳng định tính tất yếu khách quan ĐCSVN độc tôn lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.

Thể chế nhất nguyên một đảng lãnh đạo ở Việt Nam hoàn toàn không đồng nghĩa với việc mất dân chủ, triệt tiêu dân chủ như các thế lực thù địch đã và đang ra sức xuyên tạc, chống phá. Được tổ chức và hoạt động trên nguyên tắc tập trung dân chủ, “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”.

Hơn nữa trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đều có sự tham gia đóng góp ý kiến của quần chúng nhân dân, phát huy dân chủ rộng rãi. Đường lối, chủ trương của Đảng luôn được xây dựng trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp, phản biện của mọi tổ chức chính trị - xã hội, của các đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân.

Cách đây chưa lâu, trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội XI, Đảng đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân và nhận được hàng vạn ý kiến tâm huyết của đồng bào cả nước. Và hiện nay, Quốc hội nước ta đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đây chính là những biểu hiện cao nhất, sinh động nhất của việc phát huy dân chủ xã hội, đề cao quyền làm chủ thực sự của nhân dân lao động.

Dưới tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật”, chúng ta không phủ nhận ở đâu đó trong xã hội vẫn còn có những biểu hiện thiếu dân chủ, nhưng đó chỉ là những hiện tượng riêng lẻ, là những thiếu xót, những hạn chế cụ thể trong quá trình xây dựng nền dân chủ XHCN. Không thể xem đó là bản chất của Đảng ta, không thể coi đó là bản chất của nền dân chủ mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang gắng sức xây dựng; càng không thể dựa vào những hiện tượng đó để yêu cầu xoá bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 1992, mở đường thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam.

Bài học về thực thi dân chủ sai nguyên tắc trong quá trình cải tổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu những năm 90 của thế kỷ trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Việc chấp nhận bỏ Ðiều 6 trong Hiến pháp Liên Xô, đã dẫn đến tình trạng xuất hiện đa đảng và hậu quả là Ðảng Cộng sản Liên Xô dần đánh mất quyền lãnh đạo. Những sự thoả hiệp về “dân chủ hoá”, “công khai hoá” hay “đa nguyên chính trị”… chính là mảnh đất màu mỡ cho các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống phá, góp phần làm cho chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu nhanh chóng sụp đổ.

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hơn 25 năm qua đã thu được nhiều thành tựu to lớn, làm thay đổi căn bản bộ mặt kinh tế, chính trị - xã hội đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân lao động, dân chủ xã hội ngày càng được bảo đảm… Chính những thành tựu đó đã thêm một lần nữa khẳng định: ĐCSVN không chỉ có vai trò lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc mà còn có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng XHCN, xây dựng CNXH và mang lại cho nhân dân lao động cuộc sống thực sự ấm no, tự do, hạnh phúc.

Đến đây có thể nhận thấy, phía sau những “ý kiến đóng góp” yêu cầu bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 1992, phía sau những luận điệu hô hào đòi “đa nguyên, đa đảng; đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” không gì khác ngoài những động cơ chính trị đen tối, là mưu đồ xoá bỏ vai trò lãnh đạo của ĐCSVN. Suy đến cùng, đây là việc lợi dụng danh nghĩa góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để đưa ra những quan điểm, góp ý thiếu thiện chí, đi ngược lại truyền thống, đạo lý và nguyện vọng của dân tộc.

Rõ ràng, cái đích mà những “ý kiến đóng góp” đó hướng đến không phải để hoàn thiện nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mà là nhằm phá vỡ sự đồng thuận xã hội, tiến tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của ĐCSVN - một mục tiêu quan trọng, đầu tiên của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hoà bình”, chống phá cách mạng nước ta.

Với mọi quốc gia, Hiến pháp là đạo luật cơ bản, “đạo luật gốc” có ý nghĩa quan trọng nhất của Nhà nước. Trong thời gian qua, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là điều kiện thuận lợi để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của mình đối với công việc hệ trọng của đất nước, dân tộc.

Do đó, cùng với việc tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến bổ sung, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chúng ta cũng cần thường xuyên nêu cao cảnh giác, đấu tranh đập tan âm mưu lợi dụng “đóng góp ý kiến” để lồng ghép những nội dung không có lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.