Vài gợi mở về bảo vệ môi trường nhân sự kiện Giờ Trái Đất
Đất nước ta đã và đang từng bước hội nhập vào nền kinh tế thế giới, tham gia vào nhiều tổ chức quan trọng của khu vực và trên thế giới như: Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)… bản thân những việc ấy càng thúc giục chúng ta không thể chậm trễ trong ý thức và hành động bảo vệ và xây dựng môi trường.
Môi trường ô nhiễm, rừng phòng hộ cạn kiệt. Ảnh Minh Trực |
Môi trường thiên nhiên bị xâm hại được chia thành 2 loại:
Loại thứ nhất là môi trường nguyên sinh, do sức mạnh của thiên nhiên gây ra mà hiện nay khả năng của con người còn nhiều hạn chế hoặc bất lực, đó là: động đất, lũ lụt, núi lửa, hạn hán, sạt lở đất…gây nên nhiều tai họa và có phần gia tăng ở khắp các châu lục.
Những năm gần đây, nước ta cũng bị nhiều tai họa về môi trường nguyên sinh như lũ lụt dâng cao thất thường và kéo dài ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; gió lốc và gió xoáy nhiều nơi ở Tây Bắc, nạn sạt lở đất…làm ảnh hưởng đến hoa màu, thiệt hại nhiều đến gia súc, đất phù sa màu mỡ bị bào mòn … đưa đến tình trạng di dân, kéo theo nạn đói.
Loại thứ hai là môi trường thứ sinh, do con người gây ra, đưa đến ô nhiễm môi trường và phá hoại môi trường sinh thái. Loại này hầu như xảy ra rất nhiều nơi trên đất nước ta với những mức độ khác nhau, theo đặc thù địa lý và không gian sinh sống của con người.
Ai cũng biết rằng môi trường ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái và điều kiện sinh sống bình thường của con người. Nền công nghiệp hóa với hệ thống nhà máy, xí nghiệp và cả bệnh viện mọc lên… hàng ngày thải ra các chất khí thải, phế thải và nước thải tạo nên ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, nước, sinh vật và không thể nào trở lại môi trường trong lành như sản xuất thuần nông nghiệp xưa kia.
Biện pháp đầu tiên để khắc phục môi trường thứ sinh do con người gây ra là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để tác động đến môi trường tự nhiên. Con người có thái độ văn hóa đúng đắn mới có cách ứng xử với thiên nhiên một cách hài hòa. Lối ứng xử đó còn gọi là đạo đức với môi trường thiên nhiên, môi trường sinh thái. Nó đã trở thành tiếng gọi thống thiết của nhân loại về bảo vệ môi trường cho trái đất và cho mỗi quốc gia.
Chúng ta cứ lầm tưởng rằng thiên nhiên rất hào phóng và giàu có vô tận nên cứ mặc sức khai thác mà không nghĩ đến những cơ hội để thiên nhiên phục hồi và tái sinh. Hậu quả là môi trường ô nhiễm, tài nguyên cạn kiệt, nhiều giống loài bị tiêu diệt, thiên tai ngày càng nhiều…trong khi dân số ngày một tăng nhanh. Lúc này bắt buộc các nước phải cùng nhau phối hợp hành động.
Chúng ta phải xây dựng cho mình những thái độ thân thiện, hòa nhập một cách hài hòa với tự nhiên. Chính vì vậy, đã đến lúc con người cần phải xây dựng cho mình một chuẩn mực đạo đức mới: “Đạo đức vì sự phát triển bền vững”.
Hiện nay, đông đảo các nước trên thế giới đang hưởng ứng rất nhiệt tình sự kiện Giờ Trái Đất. Giờ Trái Đất là một sự kiện quốc tế hàng năm, do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund) khuyên các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ.
Năm 2013, sự kiện Giờ Trái Đất trên toàn thế giới sẽ được tổ chức vào thứ 7 trước thứ 7 cuối cùng của tháng 3 (bắt đầu từ lúc 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ngày 23-3). Mục đích của sự kiện này nhằm đề cao việc tiết kiệm điện năng và vì vậy làm giảm lượng khí thải điôxít cacbon, một khí gây ra hiệu ứng nhà kính và nhằm đánh động sự chú ý của mọi người với ý thức bảo vệ môi trường. Việc này cũng giúp làm giảm ô nhiễm ánh sáng.
Việt Nam đang không ngừng phấn đấu vươn lên để hòa nhịp với xu thế bảo vệ môi trường trên thế giới. Tuy nhiên, về môi trường sinh thái chúng ta đang đứng trước những thách thức to lớn và phức tạp. Ngoài những nguyên nhân như khoa học-kỹ thuật chưa phát triển đáp ứng nhu cầu xã hội thì nguyên nhân thuộc về con người vẫn là cơ bản.
Từng bước hiện đại hóa đất nước đó là tất yếu của đời sống, đó là kết quả của một quá trình xây dựng ý thức con người qua hàng trăm năm mới có. Tuy rằng, những thói quen của chúng ta đã trở thành nếp sống hàng ngày, rất khó thay đổi và điều đó đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ trong việc xây dựng ý thức con người, không thể theo tâm lý nóng vội mà có được ngay.
LÊ THỊ THÚY AN