Chăm lo người khuyết tật - những bất cập từ thực tế
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, người khuyết tật luôn là một trong những đối tượng được tỉnh đặc biệt quan tâm chăm lo.
Cụ thể, tính đến thời điểm này tỉnh đã giải quyết cho 19.330 đối tượng là người khuyết tật được hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng tại cộng đồng; 180 đối tượng là người khuyết tật không nơi nương tựa đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh; trên 8.000 người đang hưởng chính sách thương binh, bệnh binh; trên 1.300 nạn nhân chất độc da cam/dioxin được hưởng chính sách trợ cấp; 1.024 người khuyết tật do tai nạn lao động; 1.269 trẻ em khuyết tật đang học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.
Đặc biệt, thời gian qua tỉnh đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho đối tượng là người khuyết tật, riêng 3 năm 2010 - 2012 đã dạy nghề cho 439 người và năm 2012 đã trợ giúp 500 xe lăn cho người khuyết tật, trong số đó có nhiều người sử dụng phương tiện xe lăn để đi lại hành nghề kiếm sống.
Chị Lê Thị Tuyết Thanh chăm sóc người khuyết tật tại Trung tâm Công tác xã hội. Ảnh: Trọng Tấn |
Một thực tế hiện nay có vẻ như là khá phổ biến, đó là rất ít công trình được thiết kế, xây dựng có tính đến sự tiện dụng cho người khuyết tật. Nhiều công trình phúc lợi công cộng đã xây dựng trước đây như bến xe, cơ sở chữa bệnh, trường học, bệnh viện, các khu vui chơi, giải trí, cơ sở giáo dục dạy nghề, trung tâm thể dục - thể thao của tỉnh… chưa chú ý đến nhu cầu của người khuyết tật, thậm chí gần như không có chức năng dành riêng cho người khuyết tật.
Vì vậy nếu không được sự trợ giúp của người khác thì người khuyết tật, nhất là trẻ em sẽ gặp khó khăn trong quá trình đi lại, vui chơi, học tập; bởi khó có thể tự mình sử dụng được các công trình vốn chỉ dành cho những người lành lặn, khỏe mạnh. Thật ra, nếu “căng” theo quy định và tiêu chuẩn bắt buộc trong xây dựng các công trình công cộng ở nước ta thì việc đảm bảo các hạng mục nhằm giúp người khuyết tật tiếp cận được với các dịch vụ là phải được tính đến trong dự án, nhưng thực tế cho thấy rất nhiều công trình không thực hiện đúng quy định này.
Để giúp người khuyết tật có điều kiện vươn lên, vượt qua nghịch cảnh, nhất là có thể tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân, thì việc dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật là một việc làm đã từ lâu luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TBXH, thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo chặt chẽ việc hỗ trợ “trang bị nghề” cho người khuyết tật. Nếu người khuyết tật có điều kiện học nghề chung với các lớp dạy nghề nông thôn ở cộng đồng thì được hưởng chính sách như đối với người học nghề (tối đa 3 triệu đồng/khóa học), trong đó có hỗ trợ tiền ăn và tiền đi lại để học nghề.
Trường hợp người khuyết tật không thể học nghề chung với các lớp dạy nghề ở cộng đồng thì được tỉnh giới thiệu người khuyết tật đến Trung tâm Bảo trợ dạy nghề - tạo việc làm cho người khuyết tật tại TP. Hồ Chí Minh để học nghề (trong thời gian học nghề, người khuyết tật vẫn được Trung tâm hỗ trợ tiền ăn, ở và đi lại để học nghề). Sau khi học xong nghề, người khuyết tật được cấp chứng nhận và giới thiệu việc làm để ổn định cuộc sống.
Riêng đối với trường hợp người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật sẽ được hưởng chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo các quy định hiện hành như áp dụng đối với các dự án vay vốn giải quyết việc làm và được các ngành chức năng hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm...
Mặc dù tỉnh đã không ngừng quan tâm tới việc dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, song cũng thừa nhận một thực tế là số lượng người được học nghề của tỉnh còn quá ít, tỷ lệ tìm được việc làm sau đào tạo nghề còn rất thấp và chủ yếu là tự tạo việc làm.
Nguyên nhân chính là do mặt bằng trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật của người khuyết tật thấp và hạn chế, cộng thêm những rào cản xã hội như thái độ phân biệt, e ngại về chất lượng lao động, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị không phù hợp… cũng là yếu tố hạn chế cơ hội việc làm của người khuyết tật.
Theo đề xuất của lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, thời gian tới, để tạo thuận lợi cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, tỉnh cần tiếp tục triển khai mạnh hơn các chính sách an sinh xã hội gắn với từng bước xây dựng và nâng cấp các công trình phúc lợi công cộng phù hợp với người khuyết tật, cụ thể như: Sẽ nâng cấp hệ thống y tế cấp xã, bố trí đủ nhân lực và trang thiết bị đủ để khám, chữa bệnh cho người khuyết tật nhằm giảm tải người khám, chữa bệnh ở tuyến huyện, tỉnh; thực hiện việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất dạy và học chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật; tiếp tục tư vấn cho người khuyết tật học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng.
Đặc biệt, cần khẳng định một nguyên tắc: Cơ sở dạy nghề không được từ chối tiếp nhận người khuyết tật nhập học và cần cố gắng bảo đảm điều kiện dạy nghề cho người khuyết tật, kèm theo đó ngoài việc người khuyết tật học nghề được hưởng hỗ trợ thì giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật cũng phải được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ (nếu hiện nay chưa có thì tỉnh cần đề xuất Trung ương hoặc tự cân đối ngân sách địa phương để hỗ trợ).
Khuyến khích doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật, vì đây là lĩnh vực khá “gần gũi” với người khuyết tật (ít di chuyển), sau này khi làm việc cũng được thuận lợi hơn.
Ngoài các giải pháp trên, thiết nghĩ tỉnh cũng cần tăng cường việc vận động, phối hợp với các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước tiếp tục phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người khuyết tật; thực hiện tốt và kịp thời chế độ trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo quy định; khuyến khích hình thành cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động người khuyết tật; tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật hình thành các tổ chức tự lực và hoạt động có hiệu quả để giúp người khuyết tật tự vươn lên, hòa nhập với cộng đồng.
PHÙNG QUỐC ANH