Thứ Sáu, 19/04/2013, 07:10 (GMT+7)
.

Giỗ Tổ Hùng Vương: Hệ ý thức đầu tiên của quốc gia dân tộc

Nhờ đôi cánh của huyền thoại, truyền thuyết, hệ ý thức đầu tiên của quốc gia dân tộc Việt Nam xuất hiện từ thời Hùng Vương đã thấm tới mọi người con dân Việt.

Các nhà nghiên cứu Việt Nam đều cho rằng thời đại các vua Hùng và kế tiếp là An Dương Vương (khoảng giữa thiên niên kỷ thứ 2 đến thiên niên kỷ thứ 1 trước công nguyên), mà cái nền vật chất của nó là văn minh Đông Sơn, là thời kỳ hình thành tộc người Việt cổ, những nền tảng của văn hóa truyền thống và hình thành quốc gia dân tộc đầu tiên: Văn Lang - Âu Lạc.

Mỗi cộng đồng người từ xã hội nguyên thủy bước vào xã hội văn minh đều có xu hướng tập hợp, thống nhất lại từ các bộ lạc nhỏ bé và biệt lập. Mười lăm bộ lạc thời Văn Lang đã thống nhất dưới quyền của Lạc tướng bộ Vũ Minh là Hùng Vương, người chỉ huy quân sự và chủ trì các nghi lễ tôn giáo.

Truyền thuyết về sự tích 99 ngọn núi Hồng là hình tượng 99 con voi quy về chầu Vua Tổ Hùng Vương, còn con voi duy nhất không chịu quy thuận đã bị tội chém đầu. Xu hướng thống nhất ấy là một đòi hỏi của lịch sử, được thực hiện thông qua các hành động liên kết mang tính tôn giáo và cũng không loại trừ các hành động chiến tranh. Đó là thời đại anh hùng, thời đại dân chủ - quân sự, thời đại của những thủ lĩnh quân sự, mà về nhiều phương diện nó được phản ánh trong các sử thi anh hùng ca cổ của nước ta.

Giỗ tổ Hùng Vương tại đền Hùng, Phú Thọ - Ảnh: Ngọc Thắng
Giỗ Tổ Hùng Vương tại đền Hùng, Phú Thọ - Ảnh: Ngọc Thắng

Cộng đồng người trong quá trình từ tiền sử bước vào lịch sử ấy có đòi hỏi nhận thức thế giới tự nhiên, xã hội và bản thân. Từ đó, họ bước đầu xây dựng cho mình những biểu tượng, hệ giá trị. Càng ngày cùng với sự phát triển của xã hội phong kiến, giai cấp thống trị có ý thức trong việc phát triển và củng cố những biểu tượng, hệ giá trị ấy thành hệ ý thức xã hội. Tuy về mặt này hay mặt khác nó còn quyện chặt với những yếu tố hoang đường, tín ngưỡng, nhưng không nghi ngờ gì nữa, nó là bức tranh phản ánh hiện thực buổi đầu lịch sử của đất nước và dân tộc.

Vậy hệ ý thức quốc gia dân tộc sớm nhất của Việt Nam bao gồm những gì?

Ngay từ thời các vua Hùng, cha ông chúng ta đã hun đúc nên ý thức chống ngoại xâm, vun đắp tình yêu đất nước, sáng tạo nên huyền thoại Thánh Gióng, một cậu bé mới lên 3 tuổi mà câu nói đầu tiên chào đời là xin nhà vua cho đi đánh giặc   

Ý thức sớm nhất và bao trùm đó là ý thức về cội nguồn giống nòi của người Việt Nam. Huyền thoại bố Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ sinh một bọc trứng, nở thành 100 người con, 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên núi. Các vua Hùng sau đó thống nhất con cháu trở thành vị vua thủy tổ của đất nước, dân tộc, được tôn xưng là Quốc Tổ.

Người Việt Nam, dù già hay trẻ, trai hay gái đều ghi nhớ trong lòng mình là con Rồng, cháu Tiên, cùng máu đỏ, da vàng, cùng sinh ra từ “một bọc” (đồng bào), cùng quê hương, đất Tổ, do vậy đời nào cũng thế, lúc hòa bình cũng như khi đất nước lâm nguy do giặc ngoại xâm thì con cháu đều quần tụ, đoàn kết để tồn tại, tạo nên sức mạnh đoàn kết, mấy nghìn năm đã được thử thách, tôi luyện trở thành sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù.

Con người, cộng đồng cần phải có một không gian để sinh tồn, phát triển, đó là ý thức về Đất Nước - Tổ quốc trong đó hai yếu tố quan trọng tạo nên là “đất” và “nước”. Để có Đất Nước, con người phải lao động, có lúc phải đấu tranh quyết liệt với những lực lượng tự nhiên mà huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh đã mô tả “nước dâng đến đâu thì núi lại dâng cao đến đấy”, phản ánh thực tế lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta đã chế ngự lũ lụt của sông Hồng.

Có Đất Nước rồi thì người dân phải giữ gìn, bảo vệ Đất Nước chống lại những kẻ ngoại xâm. Ngay từ thời các vua Hùng, cha ông chúng ta đã hun đúc nên ý thức chống ngoại xâm, vun đắp tình yêu đất nước. Hiếm có một dân tộc nào ngay từ thời sơ khai của lịch sử đã sáng tạo nên huyền thoại Thánh Gióng, một cậu bé mới lên 3 tuổi mà câu nói đầu tiên chào đời là xin nhà vua cho đi đánh giặc và trở thành anh hùng cứu nước, khiến hơn 2.000 năm sau, vào thế kỷ 19, nhà thơ Cao Bá Quát đã phải thốt lên: Đánh giặc, lên ba hiềm đã muộn! hay câu nói cửa miệng dân gian: Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh! Thử hỏi một dân tộc như vậy làm sao lại có thể chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào.

Có đất nước, dân tộc rồi thì người dân chỉ còn mưu cầu có cuộc sống no ấm, tình yêu, hạnh phúc, xây dựng một xã hội hài hòa, bình đẳng. Ước mong muôn đời ấy người Việt cổ thời các vua Hùng đã ký thác vào huyền thoại Chử Đồng Tử - Tiên Dung, một thiên tình sử muôn đời.

Hệ ý thức này có giá trị vô cùng to lớn tạo nên sức mạnh của dân tộc, đất nước vượt qua mọi trở ngại, chông gai của lịch sử, xứng đáng là những minh triết của dân tộc. Mà kỳ diệu thay một hệ ý thức mang tính minh triết, chứa đựng những nội dung vô cùng rộng lớn, trọng yếu như vậy mà cha ông, tổ tiên ta lại gói gọn nó trong những huyền thoại, truyền thuyết mang đầy thi hứng, nhờ vào đôi cánh của huyền thoại, truyền thuyết, những chân lý cực kỳ bình dị đó đã bay tới, thấm tới mọi con dân Việt Nam từ xa xưa tới tận ngày nay.

Theo Thanh niên online

.
.
.