Thứ Bảy, 20/04/2013, 17:39 (GMT+7)
.

Việt Nam sẽ tham gia tốt vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

Đầu năm nay, tại phiên họp thứ 17 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã khẳng định quyết tâm ứng cử vào cơ quan này nhiệm kỳ 2013-2016.

Thế nhưng gần đây xuất hiện một số ý kiến cho rằng Việt Nam không đủ tư cách để tham gia cơ quan này. Đây là những luận điệu thiếu căn cứ, cố tình làm sai lệch thực tế khách quan, những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong nhiều năm qua mà cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao.

Với nhiều nỗ lực và thành tựu việc đảm bảo quyền con người đó, Việt Nam tin tưởng sẽ đảm nhiệm tốt vai trò này nhằm đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy việc hưởng thụ và bảo vệ quyền cho tất cả mọi người.

Hội đồng Nhân quyền LHQ ra đời vào năm 2006 với mục tiêu tạo cơ sở để các nước cùng nhau thúc đẩy và đảm bảo quyền của người dân được thụ hưởng các quyền con người. Trong 6 năm qua, cơ quan này đã đáp ứng được mong mỏi của các nước, đó là thúc đẩy và đảm bảo việc thực hiện quyền con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội.

Việt Nam có chung mục đích với Hội đồng Nhân quyền LHQ, đó là đề cao cũng như tôn trọng quyền của con người và đặt con người làm trung tâm trong mọi chính sách phát triển của đất nước. Hơn một phần năm Hiến pháp được dành để khẳng định về các quyền của con người được pháp luật Việt Nam bảo vệ.

Các quyền này còn được cụ thể hoá trong nhiều bộ luật, điều luật khác nhau của Việt Nam. Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong những năm gần đây, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý như luật về bảo hiểm y tế, luật giáo dục, luật phòng chống mua bán người…

Những nỗ lực trên của Việt Nam đã được Hội đồng Nhân quyền LHQ công nhận và đánh giá cao trong một báo cáo mà tổ chức này đưa ra vào tháng 6 năm nay.

Không chỉ được khẳng định và bảo vệ bằng pháp luật, các quyền của con người còn được Chính phủ Việt Nam đảm bảo và thực thi trên thực tế. Những thành tựu về phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo của Việt Nam trong những năm qua đã và đang cải thiện cuộc sống của hàng chục triệu người dân, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, tạo việc làm hoặc tạo điều kiện để người dân tiếp cận với nguồn thông tin đa chiều trong khi vẫn tôn trọng đặc điểm văn hoá, tín ngưỡng của cộng đồng và từng cá nhân.

Những kết quả mà Việt Nam đạt được trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo được Chương trình phát triển của LHQ đánh giá cao và coi là trường hợp điển hình để cộng đồng quốc tế cùng tham khảo.

Uy tín của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người còn được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế công nhận. Cuba, Venezuela và Nga coi cách tiếp cận và việc giải quyết các vấn đề về nhân quyền của Việt Nam là một trường hợp điển hình để các nước khác có thể tham khảo.

Hội đồng hoà bình thế giới công nhận các nỗ lực của Việt Nam nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của con người trong đó có các quyền về dân sự, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Trong khi đó, Hiệp hội Luật sư dân chủ và Trung tâm châu Âu - Thế giới thứ ba đánh giá cao các thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền của con người trong tất cả các lĩnh vực.

Tin tưởng vào việc thực hiện và đảm bảo quyền con người là vấn đề nền tảng, căn bản trong mọi xã hội, Việt Nam tham gia vào hầu hết các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, đồng thời tích cực thúc đẩy việc đảm bảo và thực hiện quyền này trên thực tế thông qua nhiều hoạt động trong các khuôn khổ quốc tế.

Tại khu vực, vai trò chủ động của Việt Nam trong việc thiết lập cơ chế nhân quyền đầu tiên của ASEAN đã được các quốc gia trong khu vực đánh giá cao. Các diễn đàn Quốc tế mà cụ thể là Hội đồng Nhân quyền LHQ đã đánh giá sự tham gia của Việt Nam là cách thể hiện nghiêm túc, có trách nhiệm với tinh thần cởi mở, thiện chí và hợp tác.

Trên tinh thần trách nhiệm và thái độ tôn trọng nhân quyền, việc Việt Nam tham gia làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ là cơ hội tốt để cùng các nước thực hiện quyền con người, cùng chia sẻ thành công của Việt Nam cũng như học tập kinh nghiệm từ các quốc gia khác.

Việt Nam tin tưởng chắc chắn sẽ đảm nhiệm tốt vai trò này và có những đóng góp tích cực vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền vì một thế giới hoà bình, thịnh vượng và công bằng.

(Theo vov.vn)

.
.
.