Thứ Hai, 20/05/2013, 15:33 (GMT+7)
.

Bài học về Bác Hồ xây dựng và sử dụng cán bộ, công chức

Ngay từ khi thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đầu tiên đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Qua chính cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch là một bằng chứng hùng hồn về một con người vì nước, vì dân. Khi được Quốc hội tín nhiệm bầu vào vị trí cao nhất của Nhà nước, Người đã trả lời các nhà báo: “…Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng làm, cũng như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận…”. Người đã đề ra mục tiêu rất rõ ràng:

“1- Làm cho dân có ăn
2- Làm cho dân có mặc
3- Làm cho dân có chỗ ở
4- Làm cho dân có học hành”.

Đây cũng chính là “ham muốn duy nhất, ham muốn tột cùng” của Người. Đây cũng chính là tiêu chuẩn của một đại biểu cơ quan lập pháp cao nhất. Người căn dặn cán bộ - những người làm “công bộc” cho dân: “… Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại cho dân ta phải hết sức tránh…”.

Đối với những người làm việc trong Chính phủ, cơ quan hành pháp cao nhất, Người quan niệm và chủ trương phải gồm những người đủ đức, đủ tài: “…Tôi có thể tuyên bố trước Quốc hội rằng, Chính phủ này tỏ rõ tinh thần quốc dân liên hiệp, là một Chính phủ chú trọng thực tế và ra sức làm việc… Là Chính phủ toàn quốc có đủ nhân tài Trung - Nam - Bắc tham gia”.  

Bác Hồ thăm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc năm 1958. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ thăm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc năm 1958. Ảnh: Tư liệu

Người đã nhìn thấy trước nguy cơ gắn liền với quyền lực là các căn bệnh quan liêu, tệ tham nhũng, lãng phí… Thực tế lúc đó, một số cán bộ đã lợi dụng chức quyền để đục khoét, tham nhũng, hối lộ, hà lạm của công. Do bòn rút được công quỹ nên sinh hoạt của họ rất xa hoa, phung phí tiền của Nhà nước, của dân, sống một cuộc sống vương giả.

Hồ Chí Minh đã đặt câu hỏi: “Tiền bạc đó ở đâu ra?” và Người chỉ ra rằng, tiền bạc đó không phải do mồ hôi nước mắt, bằng sức lao động của họ làm ra mà là “không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu”.

Bằng những lời kêu gọi, những bức thư như “Gửi các đồng chí Bắc bộ” (năm 1947), bài viết “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” (năm 1952), Người nghiêm khắc cảnh cáo: “…Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương, nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ hối lộ, đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”. Và Người đã trị thật sự, như đã bác đơn xin giảm án tử hình của Trần Dụ Châu, người có công nhưng đã phạm tội tham ô…

Để chữa những căn bệnh trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra phương thuốc “Phê bình và tự phê bình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú ý đến thái độ phê bình và tự phê bình. Vì theo Người, cán bộ muốn làm được tốt, muốn hoàn thiện mình, không có cách nào tốt hơn là phải thường xuyên tự phê bình. “Trong lúc phê bình, khuyết điểm phải vạch ra rõ ràng, mà ưu điểm cũng phải nhắc đến. Một mặt là để sửa chữa cho nhau. Một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau.

Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải tự rửa mặt”. Người yêu cầu: “Các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa”.

Từ quan niệm “đạo đức là cái gốc của cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng vấn đề giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Người căn dặn, muốn trở thành người cách mạng chân chính phải thực hiện tốt 5 điều: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm.

Nhà nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo ngay những ngày đầu đã ban bố “Pháp lệnh Công chức Việt Nam” (Sắc lệnh 188 năm 1948 và Sắc lệnh 76 năm 1950). Thông qua hai sắc lệnh này, chúng ta đã tiếp thu một cách chọn lọc việc đào tạo, tuyển dụng, điều hành và làm việc của đội ngũ công chức theo một phong cách chính quy.

Công chức được xếp vào các ngạch và phải thông qua các kỳ thi tuyển. Sắc lệnh còn quy định các chế độ tập sự, thực thụ, bãi chức, chuyển ngạch, ra ngoài ngạch, nghỉ… Tất cả những vấn đề này nhằm xây dựng một đội ngũ công chức cho một nền hành chính chính quy, hiện đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ đầu đã quan tâm cả hai đối tượng cán bộ, công chức và đặc biệt là các nhân sĩ trí thức thông thạo về luật, về hành chính như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Bùi Bằng Đoàn, Luật sư Phan Anh, cụ Phan Kế Toại… Vừa thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, không câu nệ quá khứ, vừa thể hiện việc trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực quản lý đất nước… Chính chất lượng ưu trội của đội ngũ cán bộ, công chức thời kỳ này đã góp phần quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi vẻ vang và tiếp nối truyền thống cho các giai đoạn lịch sử hào hùng về sau.

Đã qua hơn 60 năm, những lời dạy và những việc làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo xây dựng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cho Nhà nước ngay từ buổi đầu vẫn còn tươi nguyên giá trị, soi đường cho chúng ta vững bước đi lên trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập vào thế giới với nhiều cơ hội và thách thức.

DIỆP VĂN SƠN

.
.
.