Chủ Nhật, 19/05/2013, 07:43 (GMT+7)
.

Bán gạo giá rẻ, tại người hay tại ta?

Cuối năm 2011, khi Ấn Độ tung gạo ra bán, trong đó 2/3 là gạo trắng đã khiến các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đau đầu, và sau đó mỗi khi có khó khăn, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam cho rằng là do hạt gạo giá rẻ của Ấn “làm mưa làm gió” trên thị trường gạo, bán rẻ hơn gạo của ta tới 100 đô la/tấn.

Nay, gió đã đổi chiều, khi mà từ đầu năm tới nay, có lúc giá gạo bình quân của Việt Nam rẻ hơn gạo Ấn (ở đây chỉ nói tới gạo trắng như Việt Nam, vốn chiếm chủ lực trong xuất khẩu của Ấn chứ không phải gạo Basmati) 50 đô la, thậm chí rẻ hơn tới 75 - 80 đô la/tấn.

Hồi đầu tháng 5, trong một cuộc họp của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), những con số mà tổ chức này đưa ra khiến những người gắn bó với cây lúa, hạt gạo nản lòng. Từ cuối tháng 3 đến nay, giá chào gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam cũng rất ít lần vượt quá 390 đô la Mỹ/tấn. Giá chào gạo 5% tấm của Viêt Nam ngày 7-5 từ 375 đến 385 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn gạo 5% tấm của Ấn Độ 75 đô la Mỹ.

Giá lúa tại ĐBSCL liên tục giảm trong thời gian qua. Ảnh: Vân Anh
Nông dân trồng lúa trong nước sẽ còn chịu thiệt thòi khi gạo Việt Nam xuất bán giá thấp. Ảnh: Vân Anh

Giữa cuối năm 2011 và cả năm 2012, hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước và trong nhiều bản tin về gạo của các tổ chức quốc tế, gần như ai cũng nhắc tới khả năng Ấn Độ trở thành trung tâm của thị trường gạo thế giới chứ không phải nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới là Việt Nam, sau khi Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nâng giá gạo và từ bỏ chủ trương chạy theo khối lượng gạo xuất khẩu.

Vậy mà giờ đây, từ chỗ là kẻ được xem là “phá bĩnh” trên thị trường gạo, gom hết các thị trường gạo cấp thấp của Việt Nam, lại vươn lên dần chỉ trong vòng vỏn vẹn có 2 năm và đã đẩy các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam trở lại với tên tuổi nổi danh từ nhiều năm qua là “bán gạo rẻ nhất thế giới”.

Cứ cho là nền nông nghiệp của Ấn khá hơn Việt Nam, nên lúc đầu họ “xả hàng” bán giá rẻ gạo tồn kho, sau đó họ điều chỉnh chiến lược. Vậy còn Campuchia, quốc gia khá non trẻ trong xuất khẩu gạo, vốn nhiều năm trước, phải bán lúa, bán gạo tiểu ngạch sang Việt Nam thì nay họ ra sao?

Theo trang mạng chuyên thông tin về gạo Oryza, hồi đầu tháng 3 năm nay, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm của Campuchia đang ở mức 480 đô la Mỹ/tấn, cao hơn 75 đô la Mỹ/tấn so với giá gạo cùng phẩm cấp của Việt Nam và gạo Campuchia hiện chỉ thấp hơn 70 đô la Mỹ/tấn so với gạo Thái Lan.

Từ chỗ trong 6 - 7 triệu tấn gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam có một lượng lớn gạo mua từ Campuchia, mà có năm ước tính lên tới cả triệu tấn, nay doanh nghiệp Campuchia xuất khẩu gạo ra thế giới với giá còn cao hơn giá gạo Việt Nam. Thay vì gạo Campuchia chảy về Việt Nam mỗi khi nông dân bên đó thu hoạch, hai năm gần đây, đã có hiện tượng nông dân Việt Nam tới mùa thu hoạch, giá lúa xuống quá thấp, phải bán tiểu ngạch sang Campuchia.

1-2 năm trước, khi gạo Việt Nam xuất khẩu gặp khó khăn về giá thì thường được lý giải là do Ấn Độ phá giá gạo trên thị trường thế giới, nay giá gạo Việt Nam còn rẻ hơn của Ấn Độ và của Campuchia thì không biết phải lấy lý do gì để giải thích về sự thua thiệt của mình; bởi không còn có thể nói rằng tại vì có "kẻ phá bĩnh" được nữa.

Tại cuộc họp bàn về tạm trữ lúa gạo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hôm 14-5 tại Hà Nội, lãnh đạo VFA cho rằng giá xuất khẩu gạo của Việt Nam không phải thấp nhất thế giới và chỉ ra rằng Myanmar mới là quốc gia xuất khẩu gạo trắng giá rẻ nhất thế giới.

Theo trang mạng về lúa gạo Oryza, Myanmar xuất khẩu 2,1 triệu tấn gạo năm tài chính 2012-2013 ( từ tháng 4-2012 đến 3-2013) và năm tài chính 2010-2011 họ chỉ xuất khẩu có 750.000 tấn gạo, chỉ bằng con số lẻ của Việt Nam.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.