Chiến thắng 30-4 và bài học cho hôm nay
Trí tuệ, bản lĩnh, ý chí Việt Nam, niềm tin mãnh liệt về chiến thắng và đoàn kết vì lý tưởng thiêng liêng của cả dân tộc..., tất cả được thể hiện rõ ràng, sinh động trong chiến thắng 30-4.
Qua Chiến thắng lịch sử này, chúng ta cũng rút ra được nhiều bài học về việc tạo dựng niềm tin về lịch sử dân tộc và trách nhiệm của giới trẻ với nhân dân, với Tổ quốc. Đó là khẳng định của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, Trưởng khoa Việt Nam học (Trường Đại học Bình Dương).
Những dấu son lịch sử, sự kiện lẫy lừng của dân tộc phải được truyền tải cho hậu thế bằng niềm kiêu hãnh. |
Theo nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, Chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, như nhiều tư liệu đã tổng kết, là “chiến thắng của trí tuệ, bản lĩnh và ý chí Việt Nam”. Đây là kết luận khoa học, phản ánh công phu lao động và trí tuệ của rất nhiều nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước.
Chiến thắng 30-4 đã thể hiện trí tuệ của người Việt Nam, trí tuệ phục vụ cho lý tưởng cao đẹp, lý tưởng phản ánh tính nhân văn của cả cộng đồng rộng lớn.
Trong rất nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cuốn sách, các nhà khoa học,nhân chứng lịch sử nhấn mạnh về sức mạnh của niềm tin trong Chiến thắng lịch sử 30-4, tạo nên sự quyết định của chiến thắng vĩ đại. Chúng ta đã có niềm tin mãnh liệt rằng chúng ta sẽ thắng lợi. Cả dân tộc có một niềm tin rằng nếu chúng ta đồng tâm, hiệp lực, nhất định chúng ta sẽ thắng.
Gần 40 năm trôi qua kể từ chiến thắng lịch sử 30-4. Nhưng dường như thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thấm thía nhiều bài học quý giá của chiến thắng này.
Theo nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, những bài học nêu trên rất thiết thực với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Chúng ta đang nỗ lực đi lên bằng trí tuệ mới, bằng ý chí mới, bằng quyết tâm để đưa Việt Nam lên ngang hàng với các nước phát triển.
Hôm nay, một bài học nữa mà chúng ta càng cần phát huy khi nhìn lại Chiến thắng 30-4. Đó là bài học về sự đoàn kết, đồng lòng. Ngày nay cũng vậy, muốn đi lên, chúng ta phải đoàn kết. Mỗi người một đóng góp, mỗi người một vị trí, nhưng tất cả tập hợp lại thành một trí tuệ Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước.
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần cho rằng, để giới trẻ hiểu về những dấu son trong lịch sử như Chiến thắng 30-4, thì cách dạy và học lịch sử rất cần đổi mới, để thổi bùng lên niềm kiêu hãnh về lịch sử hàng nghìn năm để tất cả đều tự hào.
Việc dạy sử phải cho giới trẻ thấy xuyên suốt các sự kiện lẫy lừng, dân tộc này đã để lại cho hậu thế niềm kiêu hãnh gì và với niềm kiêu hãnh đó họ làm gì để xứng đáng với tiền nhân.
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần nhấn mạnh, tham gia truyền bá lịch sử và những giá trị của dân tộc rất cần vai trò của văn học - nghệ thuật. Chúng ta đã thấy, giới trẻ đón nhận rất nồng nhiệt với các cuốn nhật ký chiến tranh như "Mãi mãi tuổi hai mươi", "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", các bộ phim "Đừng đốt", "Mùi cỏ cháy"...
Chúng ta nên sử dụng văn học, nghệ thuật và phim ảnh để góp phần thổi bùng tình yêu đối với lịch sử dân tộc. Một bộ phim hay, một kịch bản hay, một tác phẩm hay sẽ có tác động mạnh mẽ đối với cả một dân tộc, đối với cả một thế hệ. Chúng ta cần huy động tất cả trí tuệ của những người hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ điện ảnh, âm nhạc, cho đến hội họa, sân khấu... để tạo được niềm tin vào dân tộc này trong quá trình đi lên đầy thử thách như hôm nay.
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần lưu ý, chúng ta không nên hiểu sự huy động như là trách nhiệm của những người quản lý quốc gia, mà trước hết từ mỗi người và tất cả, nhận thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước, trách nhiệm của mình đối với lịch sử, không chỉ hôm nay mà mãi mãi mai sau.
(Theo chinhphu.vn)