Giải pháp giúp người trồng lúa thoát nghèo
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam |
Sản xuất lúa gạo ở nước ta đến nay vẫn còn nhiều bất cập. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo chính nhưng nông dân trồng lúa lại là người nghèo. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để người trồng lúa thoát khỏi đói nghèo?
Trong các năm qua, nhờ khai hoang, thuỷ lợi, mở rộng diện tích trồng lúa; nhờ công tác nghiên cứu giống đã đưa ra giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh, quy trình canh tác hợp lý, thay thế giống lúa mùa 1 vụ năng suất thấp… đã giúp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nâng sản lượng từ 4,2 triệu tấn năm 1976 lên trên 24 triệu tấn năm 2012, góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực và chiếm tỷ trọng trên 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, trong sản xuất lúa gạo đến nay vẫn còn nhiều bất cập. ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính nhưng nông dân trồng lúa ở đây lại là người nghèo nhất và gặp nhiều khó khăn nhất. Nghị quyết 26 của Đảng về nông nghiệp-nông dân-nông thôn là quốc sách kịp thời cho phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, ổn định sản xuất và cải thiện đời sống nông dân, cải thiện nông thôn trong bối cảnh hội nhập quốc tế nhưng việc triển khai thực hiện còn nhiều bấp cập, cần có giải pháp thực tiễn để mang lại hiệu quả cho đời sống nông dân.
Các công đoạn sản xuất, kinh doanh lúa gạo
Phân chia giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất kinh doanh lúa gạo tại vùng ĐBSCL được Ngân hàng Thế giới khảo sát và công bố năm 2009 như sau:
Đối tượng |
Tiền lãi /kg lúa (đồng) |
Tỷ lệ lãi (%) |
Khối lượng TB tấn/năm |
Lãi tổng số 1.000 USD |
Nông dân |
507 |
34 |
8,4 |
0,24 |
Thương lái |
280 |
19 |
1.700 |
25,0 |
Hộ xay xát |
186 |
13 |
4.940 |
48,4 |
Hộ đánh bóng |
50 |
3 |
74.400 |
195,8 |
Vận chuyển |
29 |
2 |
8.550 |
13,0 |
Xuất khẩu |
422 |
29 |
100.000 |
2.221,0 |
Qua bảng trên, ta thấy sản xuất kinh doanh lúa gạo có nhiều công đoạn, nông dân có thể lãi trên 30% (34%) nhưng do nông hộ nhỏ, diện tích sản xuất ít, sản lượng ít, nên tuy là người tạo ra sản phẩm nhưng… thu lãi ít.
Các thành phần khác, tuy chỉ là dịch vụ, tỷ lệ lãi trên đơn vị có thể thấp, nhưng họ thực hiện khối lượng lớn, nên thu lợi nhiều hơn.
Để mang lại hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh lúa gạo, chúng ta có thể nghiên cứu và áp dụng các giải pháp như giảm giá thành, tăng liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước), xây dựng thương hiệu gạo…
Ứng dụng khoa hoc-kỹ thuật
Giải pháp ứng dụng khoa học-kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất lúa thích ứng cho hội nhập kinh tế và biến đổi khí hậu. Áp dụng các tiến bộ KHKT tiên tiến, dùng giống lúa tốt trong sản xuất lúa để đạt năng suất cao, phẩm chất tốt, kháng sâu bệnh, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn... và thích nghi điều kiện tiểu vùng sinh thái và thay đổi khí hậu, nâng cao giá trị sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân.
Chúng ta có thể áp dụng các tiến bộ KHKT sau:
- Kỹ thuật canh tác bền vững trên nền đất lúa: từ khâu làm đất, gieo cấy, tưới tiêu, chăm sóc: bón phân, bảo vệ thực vật; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, gieo sạ đồng loạt, né rầy....
- Kỹ thuật canh tác lúa sinh thái bền vững: Xây dựng quy trình canh tác kỹ thuật theo từng nhóm giống, tiểu vùng sinh thái. Quy trình GAP (Good Agricultural Practices) để đạt lúa gạo sạch, chất lượng cao.
- Ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất lúa: Dùng máy móc, cơ giới thích hợp cho từng vùng sinh thái từ khâu làm đất, tưới tiêu, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, phơi sấy, bảo quản, tồn trữ và chế biến để làm giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm công lao động và gia tăng giá trị hàng hóa.
Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển chế biến lúa gạo thành các sản phẩm giá trị cao, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu khi xuất khẩu không có lợi, sản phẩm chính và phụ phẩm của lúa gạo sẽ là nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến, sinh hóa… nhằm tăng thêm việc làm cho xã hội cũng như gia tăng giá trị cho nguồn nguyên liệu quý giá và thiết yếu này.
- Nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ kỹ thuật địa phương và nông dân bao gồm các hoạt động như đào tạo cán bộ kỹ thuật địa phương (đại học, trung cấp), dạy nghề, tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến và thực hiện các quy trình canh tác theo nhóm giống, tiểu vùng sinh thái; quy trình GAP; kỹ thuật sau thu hoạch; quản lý kinh tế hộ; tiếp thị-quảng bá…
Tăng liên kết 4 nhà - khâu mấu chốt
Liên kết “4 nhà” là khâu mấu chốt để giải quyết vấn đề sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nông dân trong xu thế sản xuất hàng hóa hiện nay và tương lai. Nghiên cứu hiện trạng liên kết nhằm đề xuất cải tiến để các bên tham gia đều có lợi tạo mối liên kết bền vững. Liên kết tạo điều kiện chia sẻ thông tin tạo cơ chế và chính sách phù hợp để thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững.
Vận động xây dựng các mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp cả đầu vào và đầu ra dưới dạng “Cánh đồng mẫu lớn”, “Công ty cổ phần nông nghiệp”... Trong đó, nông dân được tham gia cổ phần, cùng chịu trách nhiệm trên sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng và được chia sẻ lợi nhuận hợp lý. Đặc biệt là qua tổ chức này sẽ tạo cơ chế sản suất theo chuỗi ngành hàng, làm cho nông dân (người sản xuất) và doanh nghiệp cùng ngồi trên một con thuyền, cùng lo, cùng chia sẻ lợi ích. Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, nhà khoa học, ngân hàng sẽ là những đối tác hỗ trợ tích cực và đáng tin cậy.
Xây dựng thương hiệu lúa gạo
Giải pháp phát triển thị trường lúa gạo có thể xem là biện pháp lâu dài để kích thích và ổn định sản xuất, giảm thiểu rủi ro cho nông dân và gia tăng lợi nhuận. Nhóm giải pháp này gồm:
- Nghiên cứu chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo: Nghiên cứu chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo nhằm nâng cấp các thành viên tham gia, nâng cấp chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng, tạo cơ chế cân đối và phát huy tối đa lợi nhuận của chuỗi giá trị.
- Xây dựng thương hiệu lúa gạo: Nghiên cứu xây dựng thương hiệu lúa gạo giúp nông dân sản xuất hướng đến thị trường, bảo đảm chất lượng cao và ổn định, tăng giá trị hàng hóa và tăng thu nhập.
- Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin thị trường và thông tin- quảng bá: Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin thị trường và thông tin-quảng bá, rất cần thiết để giúp nông dân dễ dàng quyết định sản xuất và có kế hoạch sản xuất, dự đoán được thị trường, giảm thiểu rủi ro do hàng hóa dư thừa và rớt giá.
Đầu tư thích đáng và đồng bộ cho vùng trồng lúa
Trên thế giới ngày nay, lúa gạo được coi là một mặt hàng chính trị hơn là mặt hàng kinh tế, tỷ trọng lúa gạo buôn bán trên thị trường rất nhỏ so với tổng sản lượng sản xuất ra hằng năm. Giá cả lúa gạo trên thị trường quốc tế thường xuyên lệ thuộc vào chính sách an ninh lương thực của từng quốc gia, ít nơi người sản xuất lúa gạo trở nên giàu có… Do vậy, nếu đặt mục tiêu sản xuất lúa với mục đích an ninh lương thực quốc gia, Nhà nước cần có chính sách thích hợp cho người trồng lúa, làm cho nghề trồng lúa trở nên hấp dẫn hơn.
Vì vậy chúng ta cần có giải pháp căn cơ, đầu tư thích đáng và đồng bộ cho vùng trồng lúa. Theo đó, cần đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp, nông thôn trong vùng. Ngoài đầu tư về cơ sở hạ tầng, cải thiện an sinh xã hội nông thôn, qui hoạch lại đất đai trong sản xuất nông nghiệp, chính sách cho nông dân đặc biệt là cho người trồng lúa, đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp (cả trong nghiên cứu, quản lý và sản xuất), đầu tư tương xứng về khoa học công nghệ... cần có chiến lược lâu dài cho việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, trong đó cần có sự liên kết vùng và liên kết “4 nhà”, liên kết KHCN với yêu cầu phát triển cây lúa ĐBSCL.
(Theo chinhphu.vn)