Thứ Năm, 23/05/2013, 08:22 (GMT+7)
.

IMF: Kinh tế Việt Nam phục hồi từ mức đáy

Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục từ mức đáy nhờ xuất khẩu mạnh mẽ. Lạm phát đã giảm từ mức 2 con số xuống khoảng 7% (so với cùng kỳ) vào tháng 3-2013.

IMF nhấn mạnh rằng những thành tựu đã đạt được trong ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính trong năm 2012 đã cải thiện độ tín nhiệm của các thành viên tham gia thị trường đối với NHNN. Thị trường tài chính đã bình ổn trở lại do nỗ lực của NHNN trong việc cung cấp thanh khoản và sáp nhập một số ngân hàng nhỏ, yếu kém.

Trong khi lạm phát đã giảm xuống, lạm phát cơ bản (không bao gồm thực phẩm cơ bản và năng lượng) vẫn còn ở mức cao, điều này đã hạn chế không gian cho việc giảm lãi suất.

Thặng dư cán cân vãng lai tăng lên hơn 9 tỷ USD trong năm 2012 một phần do nhập khẩu thấp và hoạt động kinh tế yếu. Với việc này, tổng dự trữ quốc tế tính đến cuối tháng 2-2013 đã tăng lên hơn 2,5 tháng nhập khẩu dự kiến của hàng hóa và dịch vụ.

IMF cũng khuyến nghị Chính phủ để giữ vững các lợi ích từ ổn định kinh tế vĩ mô, rất cần duy trì vị thế chính sách hiện tại.

Trong ngắn hạn cần duy trì vị thế chính sách tiền tệ hiện tại, Chính phủ cần bắt đầu thận trọng với các biện pháp kích thích tài khóa. Trong tương lai, những thành tựu về ổn định gần đây cần phải được củng cố thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp để tăng thêm dự trữ quốc tế và bước đệm ngân sách.

IMF rất ủng hộ các cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt đầu các cải cách cấu trúc quan trọng trong khu vực ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước.

Trước đó, ông Alfred Schipke, Trưởng đoàn công tác của IMF sang làm việc tại Việt Nam hồi cuối tháng 4 cũng khẳng định Việt Nam đã có bước tiến nhất định củng cố lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng, tốn kém chi phí tài khóa nhất định và quá trình này cần được đẩy nhanh hơn nữa. Do vấn đề về nợ xấu còn tồn tại, công cuộc cải cách ngân hàng cần đi đôi với cải tổ doanh nghiệp Nhà nước. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa NHNN, Bộ Tài chính, các bộ ngành hữu quan và Văn phòng Chính phủ.

Về thị trường vàng, IMF cho rằng Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp hợp lý để quản lý thị trường vàng, giảm bớt biến động trong khu vực tài chính do tình trạng đầu cơ vàng, vì lợi ích của ổn định tài chính.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.