Thực hiện Nghị quyết TW4: Cần làm mạnh mẽ, kiên quyết hơn
Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, từ Trung ương đến các Bộ, ngành, địa phương, từng đảng bộ cơ sở, chi bộ đã tiến hành nghiêm túc theo đúng quy trình và đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, đây là công việc phải làm thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ. Kinh nghiệm rút ra một năm qua là rất quan trọng để tiếp tục làm tốt hơn những bước tiếp theo trong thời gian tới.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) có nội dung mang tính chiến đấu rất cao, đáp ứng được mong mỏi của toàn dân, toàn Đảng với những giải pháp cụ thể, mà trọng tâm và xuyên suốt là chỉnh đốn Đảng từ trên xuống. Cách làm này thể hiện bản lĩnh của Đảng quyết tâm làm trong sạch mình, thẳng thắn soi rọi vào những yếu kém, sai lầm để sửa chữa, khắc phục.
Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, góp phần củng cố và tạo sự thống nhất tư tưởng, tăng cường sự đoàn kết trong Đảng. Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Các cấp uỷ, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới; thấy rõ tính cấp bách và sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã góp phần thúc đẩy các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội,… Không vì tập trung thực hiện Nghị quyết mà sao nhãng công việc thường xuyên, ngược lại, việc chỉ đạo thực hiện các vấn đề kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm càng được chú trọng và đem lại những kết quả rất đáng ghi nhận.
Sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình, từ Trung ương đến các cấp ủy địa phương đã và đang tích cực sửa chữa, khắc phục khuyết điểm bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, có hiệu quả. Tuy nhiên, đây là công việc phải làm thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ đối với từng tổ chức cơ sở Đảng cũng như mỗi cán bộ đảng viên, tránh tư tưởng "dĩ hòa vi quý" hoặc làm chiếu lệ. Việc tự phê bình và phê bình, xử lý sau kiểm điểm cần làm mạnh mẽ hơn nữa.
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đề nghị: “Làm việc là phải thận trọng, tôi đồng tình. Nhưng mà việc xử lý, việc kiểm điểm phải nghiêm túc. Đúng là đúng, sai là sai. Không thể có chuyện dĩ hòa vi quí. Mà nhất là những vụ việc ảnh hưởng đến toàn Đảng, ảnh hưởng đến toàn dân, ai cũng băn khoăn, ai cũng trăn trở, thì phải làm rõ, phải có kết luận.
Tôi rất không thể yên tâm khi mà nói rằng hơn 60 tỉnh, thành phố này cơ bản không có vấn đề gì cả. Ai cũng kiểm điểm nghiêm túc, không có gì lớn cả. Thì tôi mong muốn là các đồng chí lãnh đạo đừng nên do dự, đừng nên chậm trễ, đừng nên coi rằng việc này phải từ từ. Thái độ phải kiên quyết, làm công bằng, công khai, trung thực, phải làm được theo đúng tinh thần của Nghị quyết. Như thế thì mới có thể có lòng tin”.
Kinh nghiệm rút ra là phải làm mạnh mẽ, kiên quyết, nhưng điều khó khăn khi làm công việc quan trọng này là nó đụng chạm đến lợi ích, uy tín của từng cán bộ, đảng viên, trong khi công tác giám sát, kiểm tra chưa được tăng cường đúng mức độ.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu ý kiến: “Ủy ban kiểm tra các cấp phải đi vào cụ thể, thực hiện không có vùng cấm trong Đảng và cũng phải có thông báo thích hợp, công khai, không sợ việc đó ảnh hưởng đến đồng chí A, đồng chí B.
Tôi nghĩ rằng đấy là nhân đạo. Bởi vì tất cả những người đã phạm vào những điều mà Nghị quyết Trung ương 4 chỉ ra thì nếu không cứu họ mà để tiếp tục sai phạm thì chính việc đó là làm cho cuộc đời của họ, gia đình của họ sẽ không tốt đẹp gì cả... Để làm việc này cũng không dễ dàng gì, có những lực cản. Nhưng tôi nghĩ rằng những quy định của Đảng và những kinh nghiệm của các đồng chí có hiện nay thì các đồng chí đầy đủ trí tuệ và bản lĩnh để làm”.
Chủ động trong phát hiện dấu hiệu vi phạm để kiểm tra, tăng cường giám sát, phát hiện và ngăn ngừa kịp thời cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phối hợp xem xét các vấn đề nổi cộm liên quan đến các vụ án lớn, tham nhũng, tiêu cực; những đơn thư tố cáo, khiếu nại kéo dài gây bức xúc... Đó là những công việc thường xuyên của các cấp ủy Đảng trong bước tiếp theo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
Cùng với đó phải có những việc làm, hành động cụ thể để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, gắn với “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Kết quả sửa chữa khuyết điểm phải thể hiện bằng sự tiến bộ của cán bộ, đảng viên, của từng tập thể, bằng chất lượng công việc hằng ngày phục vụ nhân dân.
(Theo vov.vn)