Chủ Nhật, 09/06/2013, 20:12 (GMT+7)
.

Cần khắc phục những bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy

Theo số liệu của Bộ Công an, mỗi năm trên địa bàn cả nước xảy ra khoảng từ 1.800 đến 2.200 vụ cháy, nổ, làm chết và bị thương hàng trăm người, thiệt hại về tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Trong những năm qua, thực hiện Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC), Chính phủ, các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty, UBND các cấp đã tăng cường đầu tư xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện cho lực lượng PCCC, chú trọng đầu tư các hoạt động PCCC tại các đơn vị, cơ sở.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều cố gắng đầu tư kinh phí cho hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) nhưng so với thực tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Do vậy, phương tiện chữa cháy và CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH còn nhiều bất cập, lạc hậu. Trong khi tốc độ đô thị hóa cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng nhanh thì năng lực PCCC chưa được cải thiện bao nhiêu, trên thực tế các vụ cháy lớn xảy ra gần đây đã cho thấy sự bất cập đó.

Hàng loạt xe tải của Hàn Quốc bị cấm vào Khu công nghiệp chung Kaesong hồi tháng 4 vừa qua. Ảnh: CNN
Vụ cháy tại tòa nhà EVN năm 2011, xe chữa cháy không với tới tầm cao này. Ảnh: Báo Dân Trí

Thành phố Hà Nội được đánh giá là một trong những đơn vị có lực lượng PCCC chuyên nghiệp mạnh, với 10 phòng cảnh sát PCCC khu vực và 6 đội chữa cháy, hơn 800 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ chữa cháy, CNCH. Tuy nhiên, các thiết bị cho lực lượng hiện nay vừa thiếu vừa cũ. Hiện toàn đơn vị chỉ có 145 xe các loại, trong đó chỉ có 5 xe công nghệ cao, 166 bộ quần áo chống cháy, 108 thiết bị thở...

Trong những vụ cháy nhà cao tầng, cháy cây xăng vừa qua trên địa bàn thủ đô, cảnh sát PCCC thường lúng túng do xe chuyên dụng không vươn tới được những tầng nhà cao, phương tiện bảo hộ cho cảnh sát PCCC chưa đáp ứng được yêu cầu để áp sát dập lửa, cứu người.

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, trật tự xây dựng lỏng lẻo, hạ tầng cho PCCC ở Hà Nội chưa đạt chuẩn khi hệ thống đường sá chật chội, họng tiếp nước PCCC tại địa bàn công cộng mới chỉ đáp ứng được chưa đầy 20%... Nhiều công trình nhà ở, chợ, kho tàng trong tình trạng cũ kỹ, không đáp ứng được tiêu chuẩn về PCCC, thoát hiểm theo quy định của Luật Xây dựng, Luật PCCC.

Khi phát hiện có hỏa hoạn, lực lượng tại chỗ gần như tê liệt, không có kỹ năng xử lý ban đầu, để cháy lớn, cháy lan, rất khó cứu chữa. Chỉ đến khi xảy ra cháy các cơ quan chức năng mới phát hiện ra những vi phạm về an toàn PCCC, mà nguyên nhân chính của các vụ cháy nổ vừa qua đều là do ý thức của con người.

Theo phân tích của các cơ quan chức năng, tình hình cháy nổ hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, khó lường. Trong thời gian qua, các Bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương luôn quan tâm và chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm góp phần ngăn chặn hạn chế cháy, nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra, như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCC; tăng cường kiểm tra các cơ sở trọng điểm về cháy, nổ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCC…

Mặc dù vậy tình hình cháy, nổ vẫn chưa giảm mà có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Nếu chủ quan, mất cảnh giác thì cháy, nổ có thể xảy ra ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào, những tình huống bất ngờ, phức tạp và khó lường luôn đồng hành với từng vụ cháy cụ thể, không vụ nào giống vụ nào.

   Hình ảnh những người lính cứu hỏa bị cháy vì thiếu quần áo bảo hộ chuyên dụng khi chữa cháy cây xăng tại số 2B Trần Hưng Đạo (Hà Nội) ngày 3/6 vừa qua đã khiến nhiều người xúc động. Ảnh: Nguyễn Khánh-Báo Tuổi Trẻ
Hình ảnh những người lính cứu hỏa bị cháy vì thiếu quần áo bảo hộ chuyên dụng khi chữa cháy cây xăng tại số 2B Trần Hưng Đạo (Hà Nội) ngày 3-6 vừa qua đã khiến nhiều người xúc động. Ảnh: Nguyễn Khánh - Báo Tuổi Trẻ

Luật PCCC năm 2001 quy định: PCCC là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và các cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; công dân từ 18 tuổi trở lên đủ sức khỏe có trách nhiệm tham gia vào Đội dân phòng, Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở được lập ở nơi cư trú và nơi làm việc khi có yêu cầu; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình là người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động và thường xuyên kiểm tra PCCC trong phạm vi trách nhiệm của mình.

Luật cũng đề ra trách nhiệm cụ thể trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong đầu tư xây dựng và sử dụng công trình; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên…

Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy nổ gây ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC là hết sức cần thiết, làm cho nhân dân thấy được nguy cơ, nguyên nhân gây cháy và tác hại do cháy gây ra để từ đó đề cao ý thức phòng ngừa.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.