Thứ Ba, 25/06/2013, 11:09 (GMT+7)
.

Cuộc chiến Syria và các nước lớn

Cuộc chiến tại Syria bước vào giai đoạn căng thẳng mới sau khi Mỹ quyết định cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy. Còn Nga cũng tuyên bố đưa tàu chiến và 600 binh lính đang hướng tới Syria, đồng thời tiếp tục thực hiện các hiệp định cung cấp vũ khí đã ký trước đây với chính phủ Syria.

Lực lượng đối lập tại Syria. Ảnh: AFP
Lực lượng đối lập tại Syria. Ảnh: AFP

Cuộc chiến tại Syria bước vào giai đoạn căng thẳng mới sau khi Mỹ quyết định cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy để chống lại chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Al Assad cuối tuần trước và quyết định hỗ trợ khẩn cấp về vật chất và trang thiết bị cần thiết cho lực lượng đối lập ở Syria tại hội nghị của nhóm được gọi là "Những người bạn của Syria” họp ngày 22-6, tại Doha (Qatar).

Nga cũng đã tuyên bố đưa đoàn tàu chiến và 600 binh lính đang hướng tới Syria và tiếp tục thực hiện các hiệp định cung cấp vũ khí đã ký trước đây với chính phủ Syria.

Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao bên ngoài lại can thiệp ngày càng mạnh vào cuộc chiến tại nước ở khu vực Trung Đông này và vai trò của các nước lớn trong cuộc chiến tại Syria là gì?

Thực tế trên chiến trường tại các mặt trận của Syria, lực lượng của phe chính phủ của Tổng thống Al Assad đang chiếm ưu thế, trong khi lực lượng chống đối đã không đoàn kết, lại không chuyên nghiệp nên đang suy yếu dần và có nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi.

Quyết định của Mỹ cũng như của các nước tham gia hội nghị Doha và quyết định trước đó mấy tháng của Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho lực lượng đối lập tại Syria là nhằm "hà hơi thổi ngạt" cho lực lượng đối lập Syria. Nếu không được tiếp viện kịp thời, lực lượng đối lập khó kéo dài cuộc chơi. Điều đó cho thấy cuộc chiến tại Syria chịu tác động rất lớn từ các nước lớn bên ngoài.

Mỹ và nhiều nước phương Tây khác đã hỗ trợ gần như toàn diện từ việc tổ chức, cung cấp sự hậu thuẫn về chính trị, tài chính và quân sự cho lực lượng nổi dậy tại Syria ngay từ cách nay gần 3 năm nhằm mục đích lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar Al Assad với lý do là chính phủ này độc tài nên phải ra đi giống như nhứng gì đã xảy ta tại Tunisia, Ai Cập, Yemen, Libya hai ba năm trước trong cái gọi là "Mùa Xuân Ả rập".

Trong khi Nga là một đồng minh lâu đời của Syria, từ thời của cố Tổng thống Hafer Al Assad, người tiền nhiệm và cũng là cha của ông Bashar Al Assad hiện nay. Không những thế, quân cảng Tartus của Syria bên bờ Địa Trung Hải đang là căn cứ hải quân duy nhất của Nga bên ngoài lãnh thổ các nước thuộc Liên Xô cũ. Điều này cho thấy sự hậu thuẫn của Nga cho chính quyền Damas là lẽ đương nhiên. Chính vì vậy, Nga và Trung Quốc, hai ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng này liên quan Syria do Mỹ các đồng minh của Mỹ dự thảo.

Trong chuyến thăm Nga cách đây hơn một tháng, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã đồng ý sẽ chủ trì một hội nghị quốc tế tìm giải pháp cho cuộc chiến tại Syria họp tại Geneva (Thụy Sỹ). Nhưng đến nay, các bên vẫn chưa thúc đẩy được hai phe đối địch tại Syria và các đồng minh của họ đi tới Geneva cho nên tương lai của hội nghị này vẫn còn xa vời. Tuy nhiên cả Nga và Mỹ cũng còn có những ý định sâu xa hơn nên mặc dù đồng ý tham gia giải quyết cuộc chiến tại Syria, nhưng vẫn còn nhiều khúc mắc.

Đối với Nga, lập trường của nước này trong vấn đề Syria là rõ ràng và mạnh mẽ, nhưng không hẳn bảo vệ chính quyền của tổng thống Assad và bản thân nhà lãnh đạo này. Vì sao lại có vẻ như vậy? Ẩn ý của Nga trong vấn đề Syria lớn hơn nhiều. Đó chính là việc Nga muốn thông qua vấn đề Syria để khẳng định vị thế đại cường chính trị của mình, buộc Mỹ phải chia sẻ trách nhiệm với Nga trong nhiều vấn đề của thế giới đương đại, mà cụ thể và trước hết là tại Syria.

Thành quả ban đầu trên con đường trở thành đại cường của Nga thể hiện khá rõ trong vấn đề Syria, buộc Mỹ không dám hành động tự ý mình như tại Afghanistan, Iraq hay Libya. Trong vấn đề này, Nga và Mỹ trở thành hai người định ra nguyên tắc của cuộc chơi.

Như vậy, một câu hỏi khác được đặt ra là kịch bản nào sẽ xảy ra tại Syria? Như trên đã nói, cuộc chiến tại Syria khó phân thắng bại trên chiến trường nếu bên ngoài tiếp tục "đổ thêm dầu vào lửa". Như vậy chỉ còn chờ giải pháp từ bên ngoài, trong đó Mỹ và Nga đóng vai trò chủ chốt. Tuy Nga và Mỹ vẫn còn khá căng trong lập trường của mình, Nga có thể dùng vấn đề Syria để buộc Mỹ từ  bỏ hoặc làm chậm quá trình xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược NMD tại châu Âu, trong đó có Ba Lan, nằm sát biên giới của Nga, một vấn đề được Nga quan tâm hàng đầu hiện nay.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.