Thứ Sáu, 28/06/2013, 10:49 (GMT+7)
.

Gia đình hạnh phúc

Đó là tất cả những gì chúng ta mong muốn mình có được trong cuộc sống. Vì có thể nói: Có hạnh phúc gia đình là có tất cả, không chỉ cho từng thành viên trong gia đình, cho từng gia đình mà còn cho toàn xã hội.

Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 hàng năm, cả nội dung và hình thức chúng ta tổ chức kỷ niệm tựu trung cũng nhằm bồi bổ, củng cố hạnh phúc gia đình của chúng ta, làm cho gia đình thật sự là cái tổ ấm của mỗi người.

Chúng ta đã có cuộc vận động xây dựng Gia đình văn hóa từ lâu và nhiều danh hiệu khác được phát động trong các đoàn thể như: Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; Gia đình 5 “không”, 3 “sạch”(của Hội LHPN); Gia đình nông dân hạnh phúc, Gia đình hội viên gương mẫu (của Hội CCB); Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền (của Hội NCT); Gia đình hiếu học (của Hội KH)… thật sự cũng là xây dựng gia đình hạnh phúc.

Nét đẹp gia đình. Ảnh: Minh Nhựt.
Nét đẹp gia đình.

Ý nghĩa, vị trí, vai trò của gia đình quan trọng như thế nào vốn đã được nói đến nhiều, thể hiện qua việc nước ta và thế giới đều rất coi trọng. Ngoài việc lấy ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, năm 2013 là Năm Gia đình Việt Nam, chúng ta có Chiến lược Gia đình Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và có Nghị định Quy định về công tác gia đình…

Ở phạm vi toàn cầu, từ năm 1991 LHQ đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 15-5 hàng năm là “Ngày quốc tế Gia đình” và lấy năm 1994 là “Năm quốc tế Gia đình”. Năm vừa qua, cũng tổ chức toàn cầu này với 193 nước thành viên đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 20-3 hàng năm là “Ngày quốc tế Hạnh phúc”(World Happy Day), bổ sung vào lịch các ngày kỷ niệm quốc tế của LHQ. Nghị quyết kêu gọi tất cả các nước thành viên tổ chức Lễ kỷ niệm theo điều kiện mỗi nước.

Nhiều Chính phủ cho biết, những nhân tố mới, trong đó có nhân tố hạnh phúc sẽ phải nằm trong các tiêu chí đánh giá sự thịnh vượng của các nước, hiện đang bị chi phối bởi các chỉ số kinh tế. Ở nước ta, Bộ VH,TT&DL đã ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án tổ chức các hoạt động nhân Ngày quốc tế Hạnh phúc, bắt đầu từ năm 2014.

Tất cả đều vì mục tiêu hạnh phúc gia đình, hạnh phúc của con người! 

Xin trở lại việc tổ chức kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 của chúng ta. Trong sự nghiệp xây dựng gia đình hạnh phúc, chúng ta thường nói đến tình yêu, lòng chung thủy, nghĩa vợ chồng, sự kính yêu và trách nhiệm phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, sự chăm lo nuôi dạy con cái… Đó là những điều tất nhiên và đương nhiên.

Tôi không bàn những nội dung đó, chỉ xin nhấn mạnh một hình thức sum họp trong đời sống gia đình hàng ngày có tác dụng rất quan trọng trong việc vun bồi tình cảm gia đình, củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong một mái nhà. Đó là bữa cơm gia đình. Bữa cơm gia đình không chỉ là bữa ăn hằng ngày, nó còn là dịp để mọi người trong gia đình sum họp quây quần bên nhau. Ở đây, người mẹ, người vợ thể hiện sự khéo léo trong việc chế biến món ăn hợp khẩu vị cha mẹ, chồng con.

Những câu chuyện vui, những lời khuyên dạy, an ủi, động viên lẫn nhau được tỏ bày, nhất là giáo dục trẻ biết “ăn coi nồi, ngồi coi hướng”, biết chia sẻ, nhường nhịn lẫn nhau. Truyền thống bữa cơm gia đình tuy đạm bạc nhưng đầm ấm của ông bà ta còn để lại qua hai câu ca dao: “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon”; đồng thời ông bà ta cũng tránh nói những chuyện không vui, tránh việc rầy la, cãi cọ trong bữa ăn qua câu: “Trời đánh tránh bữa ăn”.

Ngày nay, nhiều gia đình cha mẹ đi làm, con cái đi học, bữa cơm trưa thường phải ăn tại cơ quan, tại trường bán trú; chồng hoặc vợ nhiều lúc đi đám tiệc, không ít ông chồng còn thường xuyên la cà nhậu nhẹt… làm cho bữa cơm gia đình vắng vẻ, tẻ nhạt. Trong điều kiện đó, phải cố gắng thu xếp giữ được bữa cơm gia đình một lần trong ngày. Và đa số gia đình thường giữ được vào buổi tối, nên có người nói: Bữa cơm tối là tấm gương soi hạnh phúc trong từng mái ấm.

Chuyện gia đình là chuyện “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, rất đa dạng, phong phú, khó mà có một mô hình chung cho mọi nhà. Nhưng dù nếp nhà có thế nào, mục tiêu cao nhất vẫn là hạnh phúc.

TRẦN QUÂN

.
.
.