Thứ Bảy, 13/07/2013, 20:58 (GMT+7)
.

Đối thoại Mỹ - Trung: Cạnh tranh trong hợp tác

Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung Quốc lần thứ 5 đã kết thúc tại Washington DC ngày 12-7 với các phiên thảo luận được mô tả là thẳng thắn, chân thành và mang tính xây dựng, hai bên đã đạt được những kết quả đáng kể trong nỗ lực thu hẹp bất đồng và mở rộng hợp tác.
 
Phát biểu tại phiên bế mạc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, Dương Khiết Trì cho biết hai bên đã đạt được nhiều đồng thuận và những kết quả quan trọng và tích cực. Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận sâu rộng về các biện pháp xúc tiến xây dựng mô hình quan hệ kiểu mới giữa các nước lớn, tăng cường lòng tin chiến lược, thúc đẩy sự tương tác tại châu Á - Thái Bình Dương và mở rộng hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh mạng.

Hai quan chức đứng đầu 2 đoàn bắt tay tại cuộc  Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 5. Ảnh: citinews
Hai quan chức đứng đầu 2 đoàn bắt tay tại cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 5. Ảnh: anninhthudo.vn

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew - đồng chủ tọa đối thoại - thừa nhận hai bên chỉ thảo luận dựa trên những thỏa thuận đã được Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí tại cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng trước ở California. Ông Jack Lew cũng điểm lại những tiến bộ đạt được trong toàn bộ cuộc Đối thoại và cho biết hai bên đã đồng ý tăng cường hợp tác giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ngăn chặn ô nhiễm môi trường, hợp tác năng lượng và tài chính.

Tại cuộc đối thoại lần này có 4 vấn đề lớn được hai bên quan tâm: Chiến lược châu Á - Thái Bình Dương mới của Mỹ; tình hình bán đảo Triều Tiên, quan hệ thương mại Mỹ - Trung và an ninh mạng.
 
Về kinh tế, 2 bên đã thảo luận những thách thức hiện nay và các biện pháp giải quyết cụ thể, cũng như tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới. Chương trình nghị sự cũng bao gồm cách thức thúc đẩy tăng trưởng bền vững và cân bằng, đảm bảo ổn định và cải cách tài chính, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp và người lao động. Theo đề xuất của Trung Quốc, hai bên nhất trí tiến hành đàm phán về một hiệp định đầu tư song phương toàn diện, bao gồm tất cả các lĩnh vực. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đề xuất một hiệp định như vậy với một quốc gia khác.
 
Trong vấn đề Đông Á, Trung Quốc tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và tạo điều kiện thuận lợi để sớm nối lại đàm phán 6 bên. Hai bên cho rằng nỗ lực xây dựng mô hình quan hệ kiểu mới giữa các nước lớn cần bắt đầu từ châu Á - Thái Bình Dương và quyết định tổ chức vòng tham vấn tiếp theo về khu vực này vào mùa thu năm nay.  
 
Lần đầu tiên trong các cuộc đối thoại chiến lược kinh tế, Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức phiên họp chung về các vấn đề năng lượng. Các quan chức 2 nước nhấn mạnh vai trò đầu tàu công nghệ, sáng tạo và sản xuất của các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực này. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định, chính sách năng lượng là giải pháp đối với biến đổi khí hậu và kêu gọi chuyên gia 2 nước hợp tác xây dựng chương trình nghị sự và tăng cường các sáng kiến sử dụng năng lượng tái tạo và nhiên liệu sạch hơn và không phát thải carbon. Các bên cũng đưa ra nhiều sáng kiến mới nhằm giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ký kết 6 dự án chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững.  
 
Hai bên cũng đã tiến hành các cuộc thảo luận sâu rộng về an ninh mạng và các mối quan tâm chiến lược, trong đó có biện pháp xây dựng lòng tin. Một quan chức Mỹ cho biết một nhóm công tác về các vấn đề mạng đã được thành lập với thành viên bao gồm cả các quan chức quân đội, dân sự và kinh tế nhằm thảo luận mối quan tâm của các bên và xây dựng quan hệ hợp tác thực tiễn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Về các vấn đề chiến lược, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns nhấn mạnh, một mối quan hệ mang tính xây dựng và hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc có vai trò tối quan trọng đối với tương lai của 2 nước và góp phần đảm bảo hoà bình, ổn định và thịnh vượng trên thế giới. Thứ trưởng William Burns nêu rõ, lợi ích của Mỹ và Trung Quốc có thể khác nhau và cách tiếp cận trong các vấn đề cũng khác nhau. Do vậy, bất đồng giữa 2 bên cần được giải quyết trực tiếp bằng tham vấn và đối thoại.

Như vậy,  sau 5 năm, đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung đã có sự đổi chiều, từ chỗ ở “thế trên về kinh tế và thế dưới về an ninh mạng”, giờ đây Trung Quốc đang hoán đổi vị thế này cho Mỹ, nước đang có nền kinh tế phục hồi mạnh nhưng chìm trong bê bối gián điệp.

Bối cảnh của đối thoại lần này khác xa so với trước, nhất là so với cuộc Đối thoại đầu tiên năm 2009, khi Trung Quốc đang ở thế thượng phong về phát triển kinh tế, còn Mỹ đang phải chật vật vùng vẫy trong cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930 - 1933.

Sau 5 năm, dù tốc độ phục hồi còn chậm, nhưng kinh tế Mỹ đã có bước tiến vững chắc, trong khi Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng chậm dần, khiến Mỹ và Trung Quốc bước vào Đối thoại với vị thế hoàn toàn khác.
 
Từ đối thoại lần thứ nhất năm 2009 đến nay, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng từ 267,7 tỷ USD lên gần 536 tỷ USD vào năm 2012. Thực tiễn đã chứng minh quan hệ kinh tế thương mại Trung - Mỹ là cùng có lợi và không thể tách rời. Mỹ đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Đầu tư của Mỹ đã hỗ trợ mức tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc trong 3 thập kỷ qua và Trung Quốc hiện giữ số trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá hơn 1.000 tỷ USD. Các quan hệ văn hóa cũng lớn mạnh, với khoảng gần 200.000 sinh viên Trung Quốc, học tập tại Mỹ. Điều này phản ánh một mối quan hệ kinh tế phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc.
 
Thách thức đối với quan hệ Mỹ - Trung, và rộng hơn là sự ổn định tại Đông Á, là cách thức chuyển từ sự mất lòng tin chiến lược sang đảm bảo chiến lược. Việc quan hệ Mỹ - Trung trở nên hợp tác hay cạnh tranh hơn sẽ là yếu tố chủ chốt trong việc định hình trật tự quốc tế trong thế kỷ 21. Và đây là đòi hỏi không chỉ của hai nước Mỹ, Trung Quốc, mà còn của cả cộng đồng quốc tế, đổi với hai nước lớn và quan trọng hàng đầu thế giới.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.