Thứ Hai, 08/07/2013, 10:51 (GMT+7)
.

Trách nhiệm và bản lĩnh của người đại biểu nhân dân

Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 đã xác định: HĐND các cấp có nhiệm vụ, quyền hạn bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Sau gần 10 năm nghiên cứu, vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội, khóa XIII và triển khai thực hiện trong năm 2013.

HĐND TP Hà Nội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh do HĐND TP bầu. (Ảnh: vov.vn) .
HĐND TP. Hà Nội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh do HĐND bầu. Ảnh: vov.vn

Lấy phiếu tín nhiệm là bước tiến quan trọng về dân chủ hóa đời sống xã hội của Đảng và Nhà nước ta, là bước ngoặt quan trọng trong sinh hoạt nghị trường; lá phiếu của đại biểu HĐND, trước hết có trách nhiệm chính trị trước Đảng và Nhà nước; đánh giá sự tín nhiệm của mỗi chức danh đều phải vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, giữ gìn sự trong sạch vững mạnh của Đảng, sự trường tồn của chế độ.

Lấy phiếu tín nhiệm là một hình thức giám sát trực tiếp tại nghị trường, nhưng là kết quả tổng hợp của quá trình giám sát các chức danh do HĐND bầu hoặc phê chuẩn về đạo đức, phẩm chất; năng lực và hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là thông điệp nhắc nhở, cảnh báo của đại biểu dân cử đối với mỗi chức danh, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm phát huy ưu điểm, nhận rõ thiếu sót, khuyết điểm để sửa chữa.

Đại biểu HĐND vừa có trách nhiệm chính trị lớn lao với những người giữ chức vụ do mình bầu, vừa có trách nhiệm nặng nề trước yêu cầu, mong đợi của cử tri và nhân dân. Vì vậy cần cân nhắc thận trọng, khách quan, công tâm, công bằng khi đặt bút ghi vào lá phiếu để đánh giá đúng thực chất của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Phần lớn đại biểu HĐND và người được lấy phiếu tín nhiệm đều làm việc trong cùng một địa phương, hiểu biết lẫn nhau, người được lấy phiếu tín nhiệm đều là cán bộ lãnh đạo, quản lý, chi phối nhiều mặt đối với đại biểu HĐND (bố trí, sử dụng, thuyên chuyển, bổ nhiệm, nâng lương…), khi tham gia lấy phiếu tín nhiệm, đỏi hỏi người đại biểu HĐND phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, dũng cảm vượt qua những “áp lực vô hình”, phản ánh trung thực, khách quan ý chí, nguyện vọng của cử tri. Phải xuất phát từ tấm lòng nhân ái, thương yêu nhưng không xuê xoa, dĩ hòa vi quý; không được chấp nhặt, thành kiến cá nhân.

Đại biểu HĐND do nhân dân bầu ra, thay mặt nhân dân thực hiện quyền dân chủ tại cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, thể hiện sự tín nhiệm của nhân dân đối với các chức danh do HĐND bầu. Người đại biểu nhân dân có trách nhiệm lắng nghe, tập hợp ý kiến của nhân dân, của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội nhận xét về người được lấy phiếu tín nhiệm, phản ảnh trung thực mức độ tín nhiệm của nhân dân trong lá phiếu của mình.

Đại biểu HĐND không phản ánh trung thực ý chí, nguyện vọng của cử tri là thiếu trách nhiệm đối với cử tri đã bầu ra mình, không xứng đáng với tiêu chuẩn của một đại biểu, đồng thời góp phần làm suy giảm uy tín của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Người được lấy phiếu tín nhiệm cần xem đây là một thông điệp bổ ích để tự soi xét lại mình. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đạt thấp cũng cần tiếp thu, rút ra kinh nghiệm để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, thực hiện nhiệm vụ của mình trách nhiệm hơn, nhất là những quyết định liên quan đến lợi ích chung của đất nước, của nhân dân.

Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu là hình thức giám sát trực tiếp đặc biệt quan trọng, liên quan đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của địa phương, của ngành. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của HĐND, là một trong những cơ sở quan trọng để đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Vì vậy, cần có sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy, sự chuẩn bị chu đáo, thận trọng của Thường trực HĐND, các cơ quan của Đảng, Nhà nước có liên quan. Phát hiện và ngăn ngừa kịp thời những biểu hiện lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để hạ thấp uy tín của cán bộ lãnh đạo, quản lý; vận động gây bè, kéo cánh, làm mất đoàn kết nội bộ.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu đúng với ý chí và nguyện vọng của cử tri, sẽ là động lực quan trọng động viên đảng viên, cán bộ, công chức là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao, đáp ứng mong muốn, kỳ  vọng của nhân dân; góp phần khôi phục niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.