Thứ Năm, 08/08/2013, 11:55 (GMT+7)
.

Nghĩ về sự suy thoái đạo đức công chức

Ngày 26-7, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “... Chú trọng nâng cao chế độ kỷ luật, trật tự kỷ cương hành chính và phát huy tinh thần trách nhiệm trong hoạt động công vụ… Các cơ quan hành chính tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, tuyển chọn những người đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, đáp ứng các yêu cầu công việc được giao; thực hiện thí điểm chế độ công chức hợp đồng…”.

Nghị quyết 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI  “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có nêu: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp".

Ảnh: Vân Anh
Đạo đức trong hoạt động công vụ của công chức giữ vai trò quyết định trong việc xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả. Ảnh: Vân Anh

Thiết nghĩ, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có:

Nguyên nhân thiếu những quy định có tính pháp lý về đạo đức trong hoạt động công vụ

Khi soạn thảo Luật Cán bộ, công chức rất ít đề cập đến nội dung hoạt động công vụ. Hoạt động công vụ là hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công chức trong các công sở nhằm giải quyết quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước với nhân dân.

Đối tượng phục vụ của công vụ là mọi tổ chức, công dân và người nước ngoài. Hoạt động công vụ phải thực hiện theo nguyên tắc thống nhất, công khai, tuân thủ pháp luật, đúng thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân. Hoạt động công vụ bao gồm: Tổ chức công sở; trách nhiệm của công chức khi thi hành công vụ; quan hệ trong công vụ; thủ tục hành chính.

Lâu nay, do thiếu những quy định có tính pháp lý về hoạt động công vụ đã đưa đến những hệ lụy, bất cập không thể tránh khỏi. Đó là mảnh đất mầu mỡ tạo điều kiện cho những hành xử công vụ một cách tùy tiện, tự tung tự tác, tiêu cực, nhũng nhiễu.

Một khi các tiêu chuẩn đạo đức không được phản ánh một cách cụ thể trong khuôn khổ pháp lý thì thật khó xác định đâu là tiêu chuẩn, đâu là nguyên tắc bắt buộc để điều chỉnh hành vi của cán bộ, công chức.

Hơn nữa, sự “mơ hồ” trong việc xác định đạo đức của cán bộ, công chức lại được kết hợp với chuyện không minh bạch các quy trình giải quyết công vụ, cung cấp những thông tin được pháp luật thừa nhận mang tính công khai sẽ là môi trường thuận lợi cho công chức có thể vận dụng một cách tùy tiện mà rất khó bị phát hiện. Cứ thế, cùng một sự việc, công chức có thể xử lý theo hướng bất lợi hay có lợi cho người dân tùy theo mối quan hệ, sự thân tình và cả những khoản thù lao.

Thiết nghĩ, những nguyên tắc đạo đức trong nền công vụ là cơ sở cần được nghiên cứu để luật hóa: Chuẩn mực đạo đức cao trong nền công vụ đã trở thành một vấn đề thiết yếu đối với chính phủ của các nước.

Nhìn ra các nước xung quanh chúng ta, để bảo đảm cho công chức thực thi công vụ một cách thật sự vô tư, tận tụy và ngay thẳng, một nội dung quan trọng của Luật Công chức và Quy định về hoạt động công vụ của hầu hết các nước đều có những quy định những điều công chức không được làm rất cụ thể.

Có thể lấy một vài thí dụ quy định trong Luật Công chức và Quy định hoạt động công vụ của các nước Âu, Á... để có một bức tranh toàn diện về sự đòi hỏi của đạo đức công vụ như: Ngày 23-4-1998, Hội đồng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã thông qua một số nguyên tắc và khuyến nghị các nước thành viên cần hành động để đảm bảo cho các hệ thống và thể chế vận hành tốt nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức trong nền công vụ. Có 12 nguyên tắc được xây dựng giúp các nước xem xét lại các hệ thống, định chế và cơ chế hiện có nhằm tăng cường đạo đức nền công vụ. Một số nguyên tắc đó như sau:

* Tiêu chuẩn đạo đức trong nền công vụ phải rõ ràng:

Công chức cần biết những nguyên tắc và tiêu chuẩn căn bản mà họ phải tuân thủ trong công việc và đâu là giới hạn của các hành vi có thể được chấp nhận. Cần có một tuyên bố chính xác, công khai những tiêu chuẩn và nguyên tắc đạo đức trọng yếu, chi phối nền công vụ.

* Xây dựng chính sách, trình tự và thông lệ quản lý, góp phần tăng cường phẩm chất đạo đức:

Các chính sách và thông lệ quản lý sẽ thể hiện cam kết của tổ chức đối với các tiêu chuẩn đạo đức. Chỉ dựa trên luật hay chỉ dựa trên sự phục tùng thôi chưa đủ. Cơ cấu phục tùng đơn thuần có thể vô tình khuyến khích một số công chức hành động sát biên với sự vi phạm đạo đức, lập luận rằng nếu họ không vi phạm pháp luật, tức là họ đang tuân thủ đạo đức. Chính sách của Chính phủ không những chỉ đề ra những tiêu chuẩn tối thiểu mà còn phải xác định rõ các giá trị của nền công vụ mà công chức mong muốn đạt được.

* Cơ chế trách nhiệm đầy đủ:

Công chức phải chịu trách nhiệm về những hành động của họ trước cấp trên và rộng hơn là chịu trách nhiệm trước công chúng. Trách nhiệm vừa là sự phục tùng những quy luật và nguyên tắc đạo đức; đồng thời phải đạt được kết quả. Cơ chế trách nhiệm có thể trong phạm vi nội bộ một cơ quan, cũng có thể trong phạm vi toàn chính phủ hoặc có thể trong xã hội dân sự.

* Xử phạt thích hợp đối với việc vi phạm đạo đức:

Các cơ chế phát hiện và điều tra độc lập các hành vi sai trái như tham nhũng là một phần thiết yếu trong nền tảng đạo đức. Cần có những thủ tục tin cậy và các nguồn lực cần thiết để giám sát, báo cáo và điều tra những vi phạm các quy định của nền công vụ; đồng thời phải có các biện pháp kỷ luật hay xử lý hành chính để ngăn chặn vi phạm đạo đức của công chức.

Cần phải sát hạch công chức, ưu tiên sát hạch đạo đức

Lâu nay, công chức tham gia vào bộ máy công quyền theo hai con đường thi tuyển và xét tuyển. Công chức trong bộ máy công quyền được bảo đảm bằng “chế độ biên chế”. Qua một thời gian thực thi công vụ, đa phần công chức tỏ ra thiếu năng động, thiếu ý chí tiến thủ, biểu hiện ít nhiều sức ỳ… Với chế độ tiền lương, thưởng - phạt, đề bạt, bổ nhiệm… hiện hành thì khó cải thiện não trạng trên.

Không phải chỉ ở nước ta, nhiều nước tiên tiến cũng từng đã xuất hiện não trạng trên và họ đã đưa thêm vào Luật Công chức - Công vụ chế định sát hạch công chức. Cũng cần nhấn mạnh rằng, chế định sát hạch khác xa với công việc kiểm điểm hàng năm. Sát hạch là công tác cơ bản của việc quản lý công chức, đóng vai trò quan trọng làm cho cơ chế động viên của việc quản lý nhân sự ngày một vững chắc, đưa ra những căn cứ khách quan cho việc tuyển chọn những người có đức có tài ra làm việc, nâng cao hiệu suất công tác của các cơ quan Nhà nước.

Sát hạch là bộ phận cấu thành quan trọng của Luật Công chức Nhà nước của các nước có nền công vụ tiên tiến. Các nước có nền công vụ tiên tiến đều hết sức coi trọng công tác sát hạch công chức, nhất là sát hạch về thành tích thực tế trong công tác. Trên cơ sở khảo sát thành tích một cách nghiêm khắc sẽ căn cứ vào năng lực, hiệu quả công tác của công chức mà bổ nhiệm, đề bạt.

Ở nước Anh, việc sát hạch công chức chủ yếu là xem xét về thái độ cần cù làm việc và thành tích; đồng thời lấy sát hạch thành tích làm trọng điểm. Ở Nhật, người ta gọi việc khảo sát thành tích là “bình xét công vụ”, gồm 4 mục lớn: Sát hạch công việc, sát hạch tính cách, sát hạch năng lực và sát hạch tính thích ứng.

Ở nước ta đã có Luật Cán bộ, công chức (có hiệu lực từ ngày 1-1-2010) và các văn bản điều chỉnh hành vi công chức từ nghị định đến các thông tư của Chính phủ. Tuy nhiên, các văn bản này chưa đề cập đến chế định sát hạch công chức. Hàng năm, ở mỗi cơ quan cũng có kiểm điểm, đánh giá vào dịp cuối năm nhưng vẫn còn sơ sài, thiếu khoa học và có tính chất chiếu lệ theo tư duy quản lý lỗi thời.

Công chức với chế độ “vào biên chế” coi như có thể yên tâm suốt cuộc đời làm việc, ngoại trừ khi nào khuyết điểm đến mức buộc thôi việc hoặc trong diện giảm biên chế, chuyện này rất hiếm khi nên tồn tại sức ỳ, trì trệ, thiếu động lực…

Đạo đức trong hoạt động công vụ của công chức giữ vai trò quyết định trong việc xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả.

DIỆP VĂN SƠN

.
.
.