Những biện minh cho ý đồ can thiệp quân sự vào Syria
Mỹ đã gióng lên “tiếng trống khai trận” tại Syria khi liên tiếp có những động thái triển khai lực lượng tới khu vực này. Dư luận đang "nín thở" chờ đợi hành động can thiệp quân sự của Mỹ vào cuộc nội chiến Syria có thể diễn ra vào bất cứ thời điểm nào.
Đâu là lý do biện minh cho ý đồ can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria? Ảnh:npr.org |
Vậy đâu là những căn cứ khi can thiệp vào một quốc gia có chủ quyền là Syria, khi mà cộng đồng quốc tế vẫn đang chờ đợi kết quả điều tra chính thức từ Liên hợp quốc và liên tiếp phản đối các ý đồ can thiệp quân sự của Mỹ?
Hiện chưa có một hiến chương hay một quy định quốc tế nào cho phép một nước có quyền tự do can thiệp vào công việc của một nước có chủ quyền khác. Chính vì thế, trước khi LHQ đưa ra kết luận cuối cùng về công tác điều tra sử dụng vũ khí hóa học (VKHH) tại Syria, bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào do Mỹ cầm đầu, nhằm vào Syria sẽ không nhận được sự hậu thuẫn của Hội đồng Bảo an LHQ.
Theo lẽ thông thường, LHQ mới là cơ quan có tiếng nói quyền lực cao nhất và đóng vai trò "cầm cân" trong những phản ứng quốc tế về cuộc khủng hoảng tại Syria. Một tiếng nói đồng thuận của cơ quan này chính là nền tảng cơ bản nhất cho mọi hành vi can thiệp phù hợp vào cuộc nội chiến đang diễn biến ác liệt tại quốc gia Trung Đông này.
Nhiều nhà phân tích đã khuyến cáo, các hành vi vượt qua vai trò của LHQ để tấn công một quốc gia có chủ quyền sẽ không chỉ đi ngược lại những quy tắc quốc tế thông thường mà còn có xu hướng “tạo ra một tình trạng hỗn loạn kéo dài”. Những hành động đơn phương thường không mang lại một giải pháp lâu dài cho bất kỳ vấn đề nào.
Mười năm về trước, liên quân do Mỹ, Anh cầm đầu đã bất ngờ đổ bộ Iraq với cáo buộc Tổng thống Saddam Hussein sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda. Tuy nhiên, nhiều năm đã trôi qua và cho đến nay, Mỹ và đồng minh vẫn không thể nào tìm được vũ khí hủy diệt hàng loạt ở đây. Tất cả những gì để lại sau 10 năm tham chiến là một Iraq kiệt quệ về kinh tế và bất ổn về chính trị.
Vậy đâu là động cơ để Mỹ đưa ra kết luận rằng, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã dùng VKHH tấn công thường dân, để từ đó, mở đường cho các hành vi can thiệp quân sự vào Syria?
Phát biểu trước báo giới, ngày 27-8, phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết: "Các lựa chọn mà chúng tôi đang cân nhắc không bao gồm việc thay đổi chế độ. Các lựa chọn này nhằm đáp trả lại sự vi phạm rõ ràng tiêu chuẩn quốc tế cấm sử dụng VKHH."
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ PBS NewsHour, ngày 28-8, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nêu rõ, Mỹ sẽ đưa ra một phương pháp tiếp cận “giới hạn” để không bị lôi kéo vào cuộc khủng hoảng tại Syria “. Nhà lãnh đạo này khẳng định, “những phương án mà Mỹ theo đuổi không nhằm mục tiêu lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad mà chỉ là một sự phản ứng trực tiếp của nước Mỹ trước vụ tấn công bằng VKHH tại khu vực gần thủ đô Damascus hồi tuần trước… Tất cả những gì Mỹ đang làm chỉ nhằm bảo đảm rằng, kịch bản này sẽ không tái diễn”.
Hành động của Mỹ là nhằm bảo vệ thường dân Syria?
Chương 7 của Hiến chương LHQ vốn cho phép áp dụng biện pháp từ cấm vận cho đến can thiệp quân sự trong trường hợp hòa bình bị đe dọa, bị phá hoại hoặc có hành vi xâm lược. Ngày 28-8, Anh đã trình lên Hội đồng Bảo an LHQ bản dự thảo nghị quyết cho phép áp dụng “các biện pháp cần thiết để bảo vệ dân thường” ở Syria, song đã bị các nước thành viên bác bỏ.
Những chiêu bài “bảo vệ thường dân” mà Mỹ và các nước đồng minh đã áp dụng đối với cuộc chiến tại Iraq, tại Libya dường như đã “không còn sức thuyết phục” và không đủ để biện minh cho các ý đồ can thiệp quân sự.
Các hành vi can thiệp từ phía bên ngoài, cho dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng sẽ làm nghiêm trọng thêm tình hình của một quốc gia khác thay vì giúp xoa dịu xung đột. Những gì đang diễn ra tại Iraq và Libya, bàn tay can thiệp quân sự của Mỹ và phương Tây sẽ chẳng giúp thay đổi được tình hình, mà trái lại, càng khiến cho tình trạng xung đột kéo dài và rốt cuộc, lại đẩy Mỹ và các nước đồng minh lâm vào tình cảnh “đi thì dở mà ở cũng chẳng xong”.
Vậy đối với người dân Syria, những luận điệu “bảo vệ” của Mỹ liệu có khiến họ trở nên “mạnh mẽ hơn” sau gần 3 năm ròng chìm trong tình cảnh loạn lạc?
Các kết quả thăm dò dư luận tại Mỹ và các nước đồng minh Anh, Pháp đều cho thấy, công dân các nước này mạnh mẽ phản đối các kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria.
Hãng tin Reuters và hai hãng truyền thông khác của Mỹ vừa công bố kết quả điều tra cho thấy, chỉ có 25% số người được hỏi tuyên bố họ sẽ ủng hộ phương án can thiệp quân sự nếu như chính quyền Tổng thống Basahr al-Assad được chứng minh là đã tấn công thường dân bằng VKHH. Trong khi đó, có tới 46% số người được hỏi bày tỏ quan điểm phản đối.
Tại Anh, kết qua điều tra do hãng The Sun và YouGov công bố mới đây cho thấy, kế hoạch can thiệp quân sự của chính phủ không nhận được sự đồng thuận từ dư luận. Cụ thể, có tới 40% người dân Anh phản đối “mọi hành vi can thiệp vào tình hình Syria”; 74% số người đươc hỏi phản đối Anh triển khai quân đội tại Syria; 61% phản đối Anh triển khai vũ khí tới Syria; 50% phản đối quân đội Anh tham gia tấn công tên lửa Syria, trong khi chỉ có 25% số người được hỏi ủng hộ kế hoạch này.
Hãng tin Pháp Le Figaro (Pháp) cũng vừa công bố kết quả điều tra cho thấy, chỉ có 41% số người được hỏi ủng hộ phương án can thiệp quân sự lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi 59% còn lại phản đối.
Có lẽ đã đến lúc, Mỹ và các nước đồng minh cần “hành động chậm lại” trong vấn đề Syria để suy ngẫm lại những bài học trong quá khứ và lắng nghe tiếng nói của đông đảo dư luận. Chỉ có thế, những lời kêu gọi hòa bình cho quốc gia Trung Đông này mới có "cơ may" trở thành hiện thực.
(Theo dangcongsan.vn)