Tiết kiệm, chuyện từ cặp, sách cũ trong mùa tựu trường mới
Đầu tháng tám, trên khắp các ngả đường từ thành thị đến thôn quê ai mà không vui khi ngắm nhìn áo trắng lại tung tăng cắp sách đến trường. Học trò khấp khởi, hồn nhiên; người lớn vui mừng nhìn con trẻ lớn khôn hơn. Thế nên, trong cuộc mưu sinh dù vất vả, người lớn vẫn chắt chiu lo cho con trẻ tươm tất từ cái ăn, cái mặc, quyển vở, bộ sách và cả chuyện đóng các khoản phí, chuyện đưa đón con…
Đứng trước cổng trường, trong dòng người tất tả buổi sớm mai, nhìn bao phương tiện đưa đón: có bao chiếc xe 2 bánh mang đủ loại nhãn hiệu xen cùng vài chiếc xe đạp điện, thỉnh thoảng có vài chiếc xe hơi đậu lại… Trước sự nhộn nhịp ấy, lòng càng thấm thía: Dù đến trường bằng phương tiện nào, mọi học trò cũng đều bình đẳng trước con chữ.
Thế nhưng, dưới góc nhìn văn hóa, vào mỗi mùa tựu trường mới càng nhận ra sự phân hóa giàu nghèo len lỏi vào môi trường học đường và chạnh lòng về sự bình đẳng trước con chữ… Trong mông lung ấy, tiềm thức trỗi dậy câu chuyện từ chiếc cặp, quyển sách, quyển tập và cả trang phục cũ… mà theo đó, nó như một cái gien văn hóa truyền thống đang dần mất đi trong từng mùa tựu trường mới.
Học sinh ngày nay có điều kiện tốt hơn trong học tập, tuy nhiên cũng cần giáo dục đức tính tiết kiệm cho các em bằng những việc làm gần gũi như chuyện tập sách. Ảnh: Vân Anh |
Hồi trước, ngay đầu hè, người lớn nhắc bầy trẻ sắp xếp lại sách, tập. Đứa chị, đứa anh xem cuốn sách nào để lại cho em, cuốn tập nào còn giấy trắng thì cắt ra rồi tận dụng đóng lại cho năm học sau hoặc làm giấy nháp và cả những bộ quần áo còn mặc được để cho đứa nhỏ… Những chuyện hàng năm như thế bây giờ nhắc lại giống như “cổ tích”.
Có lẽ từ khi cuộc sống cải thiện hơn cùng với cơ chế thị trường phát triển, nó dần dà gặm nhấm chuyện tiết kiệm từ tập, sách xưa. Thay vào đó, ta dễ nghe đâu đó, ngay đầu hè con trẻ đã ỏng ẹo đòi ba mẹ đi du lịch, chuyện đi học thêm thầy A cô B dạy giỏi hoặc sẽ là giáo viên lớp năm tới… Ta cũng nghe đâu đó, vào hè con trẻ phải tất tả trên đường phố với xấp vé số trên tay, hay lam lũ chốn phồn hoa, miệt thôn dã…
Ừ! thì cuộc sống là vậy mà. Và ta hãy hình dung, theo thống kê hàng năm, tổng số học sinh, sinh viên đến trường chiếm ¼ dân số, nếu chỉ cần 50% trong số đó thực hiện nếp xưa, tiết kiệm cặp sách, quần áo, dụng cụ học tập cũ… như lời người lớn đã từng nhắc thì mang lại một khoản lợi về vật chất và tinh thần biết chừng nào.
Điều có ý nghĩa hơn, đó là nét đẹp văn hóa truyền thống, sợi dây kết nối gia đình học tập. Vừa đồng thuận, vừa lý giải, có người cho rằng, bây giờ mỗi gia đình chỉ dừng lại ở 2 con, nếu “một bề” thì khả thi, bằng “có nếp, có tẻ” thì chuyện tiết kiệm vào đầu năm học như nếp xưa chắc là không tránh khỏi mai một.
Lại có người cho rằng, bây giờ ta kích cầu, tiết kiệm như vậy nhà sản xuất, nhà phân phối làm sao phát triển. Thậm chí có người thực tế hơn bảo rằng, ngay cả việc tiếp nhận và trao tặng tập, sách cho con em hộ nghèo còn phải gắn với thương hiệu các doanh nghiệp, thế nên chuyện văn hóa tiết kiệm, văn hóa hiếu học như cái gien di truyền trong gia đình, trong xã hội mất đi hồi nào không hay…
Tất cả những chuyện đại loại như vậy tới khi ta “thức tỉnh” lại thì như giấc chiêm bao về hình ảnh chiếc cặp bàng, về quyển tập tự tay ta đóng dù có thô kệch, về chiếc áo dài cũ... thay vào đó là mọi thứ mới tinh tươm, là những chiếc máy tính, mà con nhà giàu dễ dàng có được, còn con nhà nghèo thì có nằm mơ… Bỗng nghiệm ra, có một cái lớn lao hơn mất đi, trong câu chuyện tiết kiệm từ những chuyện cũ còn mang yếu tố văn hóa truyền thống trong mùa tựu trường mới.
Nói đi cũng phải nói lại. Trong mươi năm gần đây, trong đời sống văn hóa học đường cũng nhen nhóm, hình thành và phát triển những hoạt động, phong trào thiết thực, bổ ích, sinh động trước những biến đổi của xã hội. Đó là những điểm sáng và lan tỏa của Chiến dịch Mùa hè xanh tình nguyện vì cộng đồng, là những chương trình dài hơi nâng bước đến trường, là tiếp sức mùa thi, là các chương trình học bổng vì học sinh, sinh viên…
Ta hy vọng rằng, trong sự bảo tồn, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa nói chung thì văn hóa học đường dù có mai một rồi mất đi một yếu tố nào đó cho dù có xót xa, song ta tin rằng nó không mất đi giá trị mà còn vun bồi thêm những hoạt động mới, chuẩn mực mới, làm nên giá trị mới phù hợp với sự tiến bộ của xã hội.
Nhân mùa tựu trường mới, xin có gợi mở về tiết kiệm từ cặp, sách và những cái cũ mà ngẫm nghĩ ra vẫn còn giá trị là vậy…
NGƯỜI SÔNG TIỀN