Câu chuyện cũ
Chuyện nông dân “xé” hợp đồng với doanh nghiệp lại trở thành đề tài nóng bỏng gần đây của các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là giữa nông dân ở xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy với Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood). Nhưng thật ra, đây là câu chuyện cũ, nếu không nói là đã quá cũ. Bởi những ai theo dõi về tình hình tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng nói chung và đối với lúa gạo nói riêng đều dễ dàng nhận ra thực trạng này.
Ở những mùa vụ trước đây, Tigifood cũng thực hiện việc ký hợp đồng bao tiêu lúa gạo. Những năm gần đây, bên cạnh ký hợp đồng bao tiêu Tigifood còn tạm ứng cả tiền phân bón, giống. Chẳng hạn, trong vụ xuân hè 2013, Tigifood đã ký hợp đồng bao tiêu với 69 ha, tương đương với 345 tấn lúa, cùng với số tiền tạm ứng cho nông dân là 108 triệu đồng nhưng trên thực tế Tigifood chỉ thu mua được 249 tấn, đạt 72%. Vào vụ đông xuân 2011-2012, Tigifood cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ với nông dân trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích là 626 ha, sản lượng lúa thu mua là 3.130 tấn.
Tuy nhiên, kết quả thực tế mà Tigifoof thu mua được 1.541 tấn lúa các loại, đạt 49%, mặc dù giá mua so với giá bảo hiểm tăng từ 11-21% tùy theo loại lúa. Còn trong vụ đông xuân 2010-2011, diện tích lúa mà Tigifood ký kết hợp đồng là 2.100 ha, dự kiến tổng sản lượng lúa mua vào là 10.500 tấn nhưng thực tế cũng chỉ thu mua được khoảng 20%... Câu chuyện như thế cứ diễn ra gần như thường xuyên.
Với lợi ích trước mắt, nông dân sẵn sàng bán ngay nông sản vừa thu hoạch mà ít quan tâm đến hợp đồng bao tiêu đã ký với doanh nghiệp. Trong ảnh, nông dân đang thương lượng giá bán lúa với thương lái tại ruộng. Ảnh: Vân Anh |
Thật ra, với sản lượng lúa gạo mà Tigifood thực hiện bao tiêu hàng năm không thấm vào đâu so với tổng lượng gạo mà công ty kinh doanh, với trên 200.000 tấn. Chẳng qua, Tigifood muốn tìm lối đi riêng bằng cách đầu tư vào vùng nguyên liệu, với giống lúa chất lượng cao nhưng mục tiêu này đã gặp không ít khó khăn.
Trao đổi liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Tigifood cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, nhưng có lẽ nguyên nhân căn cơ nhất là liên quan đến giá tiêu thụ. Bởi thực tế nhiều năm cho thấy, chỉ cần giá do thương lái thu mua nhích lên đôi chút là người nông dân có thể bán ngay mà ít quan tâm đến hợp đồng đã ký.
Trong khi hiện nay cũng chưa có cơ quan trung gian trong việc xác định giá lúa thị trường, nên việc định giá thu mua giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và chính quyền địa phương còn lúng túng. Khi có những vi phạm hợp đồng xảy ra cũng chưa được các bên giải quyết một cách rốt ráo.
Có lẽ, việc ai đúng ai sai xoay quanh việc thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm cần được xem xét ở câu chuyện khác. Ở đây chỉ xem xét trên khía cạnh hẹp, sở dĩ người nông dân “xé” hợp đồng cũng có phần vì liên quan đến đời sống của họ.
Bởi thực tế các chuyên gia đã tính toán rằng, nông dân là người được hưởng lợi ít nhất trong chuỗi sản xuất lúa gạo hiện nay. Thế nên, vài trăm đồng chênh lệch trên mỗi kg lúa mà người nông dân có thể được hưởng thêm cũng là mồ hôi, công sức của những ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Người nông dân cũng đáng được hưởng nhiều hơn về những thành quả lao động của họ...
Ở đây cũng cần nhìn nhận ở câu chuyện khác. Đó là những chủ trương nhằm sắp xếp lại tình hình sản xuất và kinh doanh lúa gạo trong nước.
Theo quy định mới của Bộ Công Thương, tới đây một trong những tiêu chí mới so với các quy định trước đây là doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu hoặc thực hiện hợp tác, đặt hàng, liên kết với hộ nông dân trồng lúa mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo và phải được lãnh đạo UBND tỉnh xác nhận bằng văn bản. Nếu thương nhân không duy trì tiêu chí, điều kiện này sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận và chỉ được nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận sau thời hạn một năm.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện của Nghị định 109 là có kho chứa và cơ sở xay xát lúa, gạo đủ tiêu chuẩn. Có lẽ, Tigifood là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo đầu tiên địa bàn tỉnh đã sớm xây dựng chiến lược kinh doanh theo chủ trương này. Nhưng với những gì thực tế đã và đang diễn ra, xem ra Tigifood cũng rất khó xây dựng được vùng nguyên liệu đủ lớn.
Câu chuyện hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp cũng nên được nhìn nhận ở góc nhìn rộng hơn. Đó không chỉ là hạt gạo mà là nông sản Việt Nam nói chung. Bởi với những gì đang diễn ra hiện nay cũng phần nào lý giải vì sao sau hơn 10 năm triển khai Quyết định 80/2002 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng nhưng kết quả đạt được là rất hạn chế và những hy vọng sắp tới cũng còn rất mong manh.
THẾ ANH