Thứ Sáu, 27/09/2013, 10:06 (GMT+7)
.

Cơ hội cho hàng Việt “lên ngôi” trước xu hướng tiêu dùng hiện nay

Chưa rầm rộ thành phong trào, cũng chưa phổ biến thật sâu rộng nhưng trên thị trường đã có hiện tượng người tiêu dùng “quay lưng” với hàng hóa Trung Quốc qua những vụ bê bối không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mấy tháng qua, ngày nào chủ một ki-ốt kinh doanh văn phòng phẩm trên đường Hùng Vương (TP. Mỹ Tho) cũng nghe câu nói: “Hàng Việt Nam thôi nghen, hàng Trung Quốc tôi không lấy đâu” từ những khách hàng của mình. Mới đầu bà cũng ngạc nhiên nhưng sau khi tìm hiểu bà biết rằng đây là những người… yêu hàng Việt. Họ chỉ xài toàn là hàng Việt vì cho rằng chất lượng, mẫu mã hàng trong nước đã được nâng cao hơn rất nhiều so với trước đây, trong khi hàng Trung Quốc giá tuy rẻ nhưng chất lượng luôn tiềm ẩn nguy cơ độc hại.

Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng vào hàng Việt.
Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng vào hàng Việt.

Không chỉ có hàng văn phòng phẩm mà ngay cả các loại thực phẩm, nông sản cũng thế. Thông tin từ các chợ trên địa bàn TP. Mỹ Tho như: Chợ Thạnh Trị, chợ Cũ, chợ Mỹ Tho cho thấy, hàng Trung Quốc về chợ thời điểm này đã giảm từ 25-30% so với một năm trước đây. Dù đã giảm số lượng nhưng sức tiêu thụ của các loại rau, củ, quả nhập từ nước này cũng chẳng mấy khả quan. Sức mua giảm đến nỗi nhiều người muốn bán được hàng phải “biến hóa” chúng thành rau, củ của Việt Nam.

Vừa chọn những củ cà rốt roi roi, còn bám đất tại một sạp rau cải ở chợ Thạnh Trị (TP. Mỹ Tho), bà Cẩm (một người nội trợ ở phường 5, TP. Mỹ Tho) cho biết: “Hàng Trung Quốc nhìn đẹp nhưng không ngon, lại dùng các chất bảo quản có nguy cơ độc hại cao. Trái cây mà để cả tháng không hư thì ăn vô chỉ có chết. Thôi thì chọn rau, quả Việt Nam mà sử dụng cho chắc ăn”.

Qua quan sát từ nhiều tháng nay, trên nhiều quầy sạp bán trái cây ở các chợ, số lượng các loại táo, lê của Trung Quốc cũng được trưng bày ngày ít đi. Chị Loan, một tiểu thương buôn bán trái cây ở chợ Thạnh Trị (TP. Mỹ Tho) cho biết: “Các loại táo, lê của Trung Quốc lúc này bán không được, chẳng ai mua. Trong khi đó trái cây Việt Nam lại hút hàng hơn, mỗi ngày chị bán cũng được cả trăm kg chôm chôm, ổi, cam sành, xoài cát chu, xoài cát Hòa Lộc, mãng cầu…”.

Việc hàng Trung Quốc có bị người tiêu dùng “quay lưng” hay không là phụ thuộc rất lớn vào ý thức tiêu dùng của họ. Tuy nhiên, đây có được xem là cơ hội cho hàng Việt “lên ngôi” trong xu hướng tiêu dùng hiện nay hay không đang là vấn đề phụ thuộc rất lớn vào sự khích lệ từ phía Nhà nước, cố gắng của doanh nghiệp và sự ủng hộ của người tiêu dùng.

Trước hết về phía người tiêu dùng, khi chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện đã phát sinh nhu cầu cao hơn về tiêu dùng. Vấn đề là làm thế nào để hàng nội có giá rẻ mà chất lượng chấp nhận được. Đã qua rồi cái thời kêu gọi lòng yêu nước chung chung, mà phải làm sao cho người dân thấy rằng mình có trách nhiệm đối với sự phát triển của nền kinh tế, trách nhiệm đối với việc tạo nhiều việc làm.

Thị trường vừa có sức hấp dẫn lại vừa tôn trọng sự chọn lựa của người tiêu dùng và bất cứ ai cũng có quyền từ chối một sản phẩm mình không vừa ý. Điều này đặt trên vai của nhà sản xuất một trách nhiệm nặng nề là không để đánh mất lòng tin của người dân vào hàng hóa do mình làm ra.

Thực tế cho thấy, chất lượng sản phẩm không ổn định là một trong những lý do khiến không ít người tiêu dùng dè dặt với hàng nội. Lúc này, trái bóng “ưu tiên dùng hàng Việt” lại thuộc về phần sân của nhà sản xuất. Đã có ý kiến cho rằng, tại sao cứ phải hô hào dùng hàng Việt là yêu nước, mà không đặt lời kêu gọi ngược lại cho giới sản xuất lấy đạo đức sản xuất - kinh doanh làm thước đo lòng yêu nước, để từ đó buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn nữa với cộng đồng bằng những sản phẩm có chất lượng và giá thành hợp lý, phục vụ cho đời sống người dân, cũng là cách làm giàu cho mình và cho đất nước.

Riêng vai trò của Nhà nước trong quản lý điều hành là nhằm giúp doanh nghiệp có thể sản xuất hàng hóa với giá thành thấp và chất lượng cao. Nhưng trong vai trò quản lý, Nhà nước vẫn chưa xây dựng được hàng rào kỹ thuật chuẩn để ngăn chặn hàng kém chất lượng xâm nhập thị trường nội địa; chưa chống hàng lậu, hàng nhái, hàng giả đến nơi đến chốn để bảo vệ nhà sản xuất, lẫn người tiêu dùng. Ngoài ra, với tư cách là “người tiêu dùng lớn nhất”, Nhà nước cần nêu gương trong việc thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng cách phải ưu tiên sử dụng sản phẩm và dịch vụ được cung ứng từ doanh nghiệp trong nước.

Với mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động là nhằm phát huy lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng, đẩy mạnh sản xuất hàng Việt Nam có chất lượng và sức cạnh tranh cao trên thương trường hiện nay. 

HỮU NGHỊ

.
.
.