Đâu chỉ có đào, lấp ao nuôi cá
Câu chuyện một số hộ dân ở xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy lại phải bỏ ra không ít vốn để lấp ao ương nuôi cá giống để trở lại trồng lúa đã được tiên liệu trước. Thực tế này là kết quả của những ngày tháng giá con cá tra leo lên đỉnh cao, khi mà cả Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đổ xô vào nuôi con cá tra công nghiệp. Đó là từ năm 2007 - 2011. Giai đoạn này, nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu ùn ùn mở ra, ao nuôi cá tra công nghiệp cũng được đào cấp tập. Và tất nhiên, ao ương nuôi con giống cá tra cứ thế mà “lù lù” mọc lên.
Một thời mít Thái siêu sớm thịnh hành. |
Trao đổi gần đây, ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, Tiền Giang là một trong những địa phương có truyền thống về ương nuôi cá giống. Những năm gần đây, do nghề nuôi cá tra ở khu vực ĐBSCL có bước phát triển nhanh nên nhu cầu về sản xuất và ương nuôi cá tra giống cũng phát triển một cách nhanh chóng. Vào cao điểm của năm 2012, toàn tỉnh có đến 200 ha ương nuôi cá tra giống. Khi việc tiêu thụ con cá tra gặp khó khăn, diện tích ao ương nuôi cũng còn dao động khoảng 100 ha.
Thực tế này bắt đầu từ chỗ giá cá tra giống khoảng 65.000 đồng/kg xuống còn 20.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất vào khoảng 25.000 đồng/kg. Con cá giống “ăn theo” tình hình nuôi cá công nghiệp và xuất khẩu. Thời gian gần đây, xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn, diện tích nuôi cá giảm đến 40% nên con cá giống gặp khó là tất nhiên. Và như thế người dân làm cá giống chuyển đổi sang mô hình khác cũng là điều hiển nhiên. Nhưng đây lại không phải là trường hợp cá biệt của ngành Nông nghiệp.
Có một thời đi đâu về vùng đất Gò Công cũng nghe bàn tán về nuôi tôm công nghiệp. Hàng trăm ha vùng ven biển của các huyện phía Đông, nhất là ở huyện Tân Phú Đông đào ao nuôi tôm công nghiệp. Kết quả là con tôm “ăn” đất diễn ra trên diện rộng. Nhiều hộ dân đã phải lâm vào cảnh nợ nần, với số tiền nợ rất lớn dẫn đến bán đất, tài sản để trả nợ. Đến mức Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Tiền Giang phải tạm ngưng cho vay nuôi tôm công nghiệp trong thời gian dài, vì số nợ xấu tại ngân hàng trong lĩnh vực này rất lớn và kéo dài nhiều năm không xử lý được.
Nhưng trên thực tế ngành Nông nghiệp đâu chỉ có tình trạng đào lấp ao ương cá giống hay nuôi tôm. Một thời, người dân các xã: Thanh Hòa, Cẩm Sơn (Cai Lậy)… cũng “ùn ùn” trồng mít Thái siêu sớm, vì cho rằng giống mít này có năng suất cao, thời gian cho trái sớm. Kết quả là gần đây giá mít liên tục giảm, nhiều người lại đặt vấn đề có phải mít Thái siêu sớm hết thời?. Một thời cây nhãn tiêu Huế thịnh hành, sapo làm giàu, cây ca cao xóa đói giảm nghèo cũng được đặt ra. Câu chuyện mới nhất của người dân ĐBSCL là“ùn ùn”bỏ lúa trồng cam sành, bất chấp những khuyến cáo của các ngành chức năng.
Chưa dừng lại ở đó, có một thời, người chăn nuôi ở huyện Chợ Gạo tập trung vào nuôi gà công nghiệp. Lúc thắng, lúc bại nhưng đến nay phong trào nuôi gà công nghiệp đã lắng xuống và chuyện vỡ nợ ở những trang trại gà đã và đang diễn ra không ít.
Mới đây nhất là người dân Gò Công lại đổ xô vào nuôi chim yến. Chỉ trong vài năm, số lượng nhà nuôi chim yến tăng lên nhanh chóng và trở thành nhóm ngành thu hút đầu tư lớn nhất, đặc biệt là ở TX. Gò Công. Theo thống kê gần đây của Phòng Kinh tế TX. Gò Công, trên địa bàn thị xã hiện có trên 200 nhà nuôi chim yến, trở thành địa phương có số lượng nhà nuôi chim yến đứng đầu tỉnh; với quy mô mỗi nhà nuôi chim yến ngày càng lớn, có nhà lên đến 5-6 tầng. Chưa biết hiệu quả cụ thể như thế nào, nhưng một lời cảnh báo cũng là cần thiết.
Đó là những câu chuyện dài của ngành Nông nghiệp. Đây cũng không phải là câu chuyện mới. Trước một thực tế ngổn ngang như thế, tìm một lời giải hoàn hảo là điều thật sự không đơn giản. Có lẽ vì thế mà chủ trương tái cấu trúc ngành Nông nghiệp đang được đặt ra. Chưa biết kết quả thực hiện chủ trương này như thế nào, nhưng dù sao cũng nhìn nhận lại đúng thực trạng của ngành Nông nghiệp hiện nay.
THẾ ANH