Hạt gạo đồng bằng cứ mãi “long đong”
Thông tin Thái Lan xả hàng đã làm không ít chao đảo thị trường lúa gạo không những thế giới mà còn tác động không nhỏ đến thị trường trong nước. Thật ra, điều này không nằm ngoài dự đoán. Bởi trên thực tế, với sức trữ hàng chục triệu tấn gạo, từ khi thực hiện chủ trương hỗ trợ giá lúa gạo cho nông dân của Chính phủ Thái Lan những năm gần đây, đã vượt qua sự chịu đựng của ngân sách quốc gia. Do vậy, dù sớm hay muộn Thái Lan cũng mở kho lúa gạo.
Hạt gạo đồng bằng cứ mãi “long đong”. |
Thị trường lúa gạo thế giới bắt đầu “nhốn nháo” hơn vì chắc chắn rằng mức giá giao dịch trên thị trường sẽ có điều chỉnh giảm. Điều này không những tạo áp lực về sức mua trên thị trường vốn đang dư thừa lương thực mà còn tạo nên sức ép về giá đối với các nước có truyền thống xuất khẩu gạo và Việt Nam không là ngoại lệ.
Chưa dừng lại ở đó vì không chỉ có Thái Lan muốn xả hàng mà nhiều kho lương thực khác của thế giới cũng đang chờ cơ hội để mở kho. Cụ thể nhất là Ấn Độ, một trong những kho lúa gạo lớn nhất của thế giới, với lượng dự trữ hàng chục triệu tấn, với nguồn lực có giới hạn và với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lúa gạo, chắc chắn rằng kho lương thực của Ấn Độ cũng chờ ngày mở ra. Chưa kể, một số nước hiện nay như Trung Quốc, Myanmar, kể cả Campuchia cũng đang trúng mùa. Tất cả các yếu tố này càng đẩy áp lực lên thị trường lúa gạo.
Khó đang chồng khó. Bởi theo số liệu công bố chính thức của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), những tháng qua của năm 2013 xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Gạo là một trong số các mặt hàng nông sản chính có mức xuất khẩu giảm mạnh nhất với khối lượng xuất khẩu 8 tháng qua ước đạt 4,69 triệu tấn, giá trị 2,05 tỷ USD, giảm 15,7% về khối lượng và giảm 18,4% về giá trị.
Trong khi sức mua của thị trường, nhất là thị trường tiêu thụ của Việt Nam lại đang giảm. Bằng chứng là mọi năm hợp đồng tập trung chiếm đến 70%-80%, đến thời điểm hiện nay chỉ chiếm khoảng 14%. Những doanh nghiệp sống nhờ vào hợp đồng tập trung đang gặp nhiều khó khăn. Cùng với những thông tin hiện nay, hy vọng về triển vọng xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2013 cũng sẽ rất mong manh. Điều này cũng đã được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh tiên liệu.
Những biến động của thị trường lúa gạo gần đây chắc chắn ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ và xuất khẩu gạo của Việt Nam. Người nông dân ĐBSCL, nơi cung cấp gần 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Người nông dân vốn đã khó lại càng khó thêm. Bởi theo GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam: “Hiện nay thu nhập bình quân của Việt Nam đã trên 1.000 USD/người/năm mà người nông dân mới chỉ trên 480 USD/người/năm. Thực tế, mức thu nhập bình quân tại vùng ĐBSCL chỉ đạt 535.000 đồng/người/tháng, tính ra một ngày chỉ có 17.800 đồng (tương đương 0,81 USD) hay chỉ bằng giá nửa tô phở hiện thời”.
Việt Nam đang cùng các nước bước vào một “thế giới phẳng”, nơi mà mọi động tĩnh của thế giới đều dội ngay vào thị trường trong nước. Một khi Thái Lan, Ấn Độ có động thái gì đến thị trường lúa gạo, Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng. Vấn đề còn lại ở chỗ là chúng ta nên nhìn nhận lại tình hình nội tại về sản xuất lúa gạo. Rất tiếc là vấn đề này đã được nhắc đến rất nhiều lần nhưng chưa có sự chuyển biến tích cực. Việc duy trì nền sản xuất nhỏ lẻ quá lâu đã làm cho hạt gạo đồng bằng cứ mãi “long đong”.
THẾ ANH