Lai tạo giống mới và câu chuyện bản quyền
Câu chuyện bản quyền đối với giống cây trồng một lần nữa được “xới lên” nhân Hội thảo công bố bản quyền giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 do Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) tổ chức sáng ngày 12-9.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Chánh Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng (GCT) thuộc Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), bản quyền đối với GCT đã được đặt ra cả chục năm nay. Đến năm 2012 đơn vị này đã cấp 146 giấy bảo hộ bản quyền GCT và hiện có 90 loại được đăng ký bảo hộ; đến năm 2016 sẽ có 100% GCT được đăng ký bảo hộ.
Hiện nay, khung hành lang pháp lý cho việc thực hiện bản quyền đối với GCT cũng được đảm bảo, gần đây nhất là Thông tư 16 của Bộ NN&PTNT liên quan đến vấn đề này cũng đã được ban hành. Song vấn đề liên quan đến bản quyền GCT cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Bảo hộ quyền tác giả đối với giống cây trồng được PGS.TS Nguyễn Minh Châu rất quan tâm. |
Là người nhiều năm nghiên cứu cây ăn trái, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) cho rằng, ở các nước phát triển, sau khi lai tạo giống mới, viện nghiên cứu sẽ bán bản quyền khai thác giống mới cho một công ty để họ tổ chức khai thác. Công ty sẽ toàn quyền khai thác theo hướng của họ, có thể họ chỉ quyết định trồng 20.000 ha để giữ giá bán cao, như trường hợp một giống xoài mới tên là Calipso của Úc.
Chỉ độc nhất công ty đã mua bản quyền khai thác được quyền tổ chức sản xuất, bán cây giống và xuất khẩu trái sau này mà không một cá nhân, tổ chức nào khác có thể vi phạm. Sở dĩ họ làm được điều này vì Luật Bản quyền được bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Ở Việt Nam, tuy chưa hoàn hảo nhưng việc bảo hộ bản quyền ngày càng tốt hơn vì Bộ NN&PTNT đã gia nhập tổ chức UPOV, là tổ chức về Bản quyền GCT quốc tế. Điều này có nghĩa là Việt Nam đã cam kết thực hiện đầy đủ các luật quốc tế về bản quyền giống và các quy định của tổ chức này cũng có giá trị áp dụng ở Việt Nam.
Việc một công ty mua quyền khai thác giống ở các nước phát triển vừa có lợi cho đơn vị đã làm ra giống mới để họ có động lực tiếp tục nghiên cứu lại vừa giúp đất nước không bị mất giống vì không có nước nào có thể đem về sử dụng mà không được phép vì họ vi phạm luật UPOV.
Chẳng hạn Viện nghiên cứu PFR của New Zealand từ khi đăng ký bảo hộ quyền tác giả (năm 1996) cho đến năm 2012 đã đạt mức 14 triệu USD, việc này giúp cho Viện PFR vững mạnh lên về mặt kinh tế nhờ thu được bản quyền giống mà họ tạo ra. Ví dụ như giống Kiwi vàng của New Zealand tạo ra đâu có nước nào khác được trồng và xuất khẩu.
SOFRI muốn học tập làm theo mô hình của Newzealand, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng rất may là đã có pháp luật Việt Nam cũng như luật của UPOV bảo vệ. Sau khi bản quyền bán cho công ty, SOFRI sẽ tiếp tục cùng với công ty giải quyết các phát sinh để cùng nhau xây dựng một hai thương hiệu cho xuất khẩu trái cây của Việt Nam mà hiện nay chưa có. Việc này chỉ có thể có nếu có công ty nào đồng ý mua quyền khai thác giống mới do SOFRI làm ra…
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Minh Châu, SOFRI đã cố gắng mời gọi các công ty xuất khẩu thanh long mua quyền khai thác thanh long ruột tím hồng với giá dưới giá Nhà nước đã đầu tư để tạo ra nó, nhằm khuyến khích sự bắt đầu một việc mà thế giới đã làm từ lâu, nhưng rất tiếc là hầu hết đã từ chối vì ngại bản quyền sẽ không được tôn trọng.
Nếu cứ như vậy, chúng ta sẽ đi theo con đường cũ và giống mới tiếp tục là món hàng “cha chung không ai khóc” và trước sau gì cũng bị một vài nước đến đây lấy về trồng và cạnh tranh xuất khẩu với chúng ta vào Trung Quốc, Hoa Kỳ mà không bị ai kiện cả, không một ai phản đối như từ trước đến nay. Chúng ta muốn thay đổi tình hình hiện nay, muốn giống mới có chủ, có người bảo vệ nó. SOFRI không có đủ điều kiện về thời gian, về tài chính để bảo vệ bản quyền giống mới như các công ty.
PGS.TS. Nguyễn Minh Châu cũng tâm tư rằng, nếu không có công ty nào mua bản quyền khai thác độc quyền giống mới, SOFRI sẽ phải bán bản quyền cho 2 đơn vị, thậm chí 3 đơn vị, mỗi tỉnh trồng thanh long có một đơn vị, để việc khai thác giống mới dần dần hình thành theo kiểu thế giới đang làm, tức có địa chỉ rõ ràng là người được phép trồng, được phép bán giống và được phép xuất khẩu trái.
Mong rằng với những nỗ lực mới, trái cây Việt Nam sẽ có một công ty có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới trong vòng 10-15 năm tới, như New Zealand có Công ty Zespri, Enza…
THẾ ANH
Công bố bản quyền giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 và thương mại hóa giống Sáng ngày 12-9, Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) tổ chức Hội thảo Công bố bản quyền giống thanh long ruột tím hồng LĐ5 và thương mại hóa giống. Tham dự hội thảo có đại diện Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng (Bộ NN&PTNT), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thanh long Bình Thuận, Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông... các tỉnh; các doanh nghiệp, hợp tác xã về lĩnh vực cây ăn quả. Theo Thạc sĩ Trần Thị Oanh Yến, Trưởng bộ môn Chọn tạo giống (SOFRI), thanh long ruột tím hồng LĐ5 là giống lai, có nguồn gốc từ sự lai cổ điển giữa giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 và giống thanh long ruột trắng Chợ Gạo. Thanh long ruột tím hồng LĐ5 được cấp chứng nhận bảo hộ quyền tác giả theo Quyết định 352/QĐ-BNN-TT ngày 27-2-2012 của Bộ trưởng Bộ NN& PTNT. Theo khảo nghiệm của SOFRI, đặc tính chính của thanh long ruột tím hồng LĐ5 là sinh trưởng khá mạnh, cành khá to, khỏe, khả năng đâm cành trung bình. Cây cho hoa đầu tiên từ 8-9 tháng sau khi trồng, cây có khả năng ra hoa mạnh và gần như quanh năm, ít chịu ảnh hưởng bởi quang kỳ. Trọng lượng trung bình của thanh long ruột tím hồng LĐ5 là 313,3-379,3g/trái, vào mùa nghịch (từ tháng 11- 01 dl) trọng lượng trái có thể đạt đến 500g/trái; thịt màu tím hồng (không đậm màu) và khá ổn định trong 24 giờ. Năng suất của loại thanh long này khá cao, trong vụ chính (từ tháng 4-9 dl) đạt trung bình 10,34kg/trụ/vụ (cây 16 tháng tuổi) tại ba tỉnh Tiền Giang, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu; trong vụ nghịch (từ tháng 10-01 dl) đạt trung bình 2,73kg/trụ/vụ (cây 18 tháng tuổi) tại hai tỉnh Tiền Giang và Long An… |