Miền Nam đi trước, trọn nghĩa vẹn tình
Chỉ ba tuần lễ sau khi Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, thực dân Pháp núp bóng quân đội Anh vào tước khí giới quân đội Nhật, quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, bắt đầu từ Nam bộ.
Quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn giáng trả quyết liệt, nhưng trong tương quan lực lượng lúc bấy giờ, ta phải bắt đầu cuộc kháng chiến với: Mùa thu rồi, ngày hăm ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến (1).
Lập tức, từ Bắc bộ, Trung bộ dấy lên phong trào ủng hộ cuộc “đấu tranh oanh liệt của đồng bào Nam bộ”, với rầm rập bước chân của những đoàn quân Nam tiến. Ngày 26-9, Bác Hồ gửi thư biểu dương “lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ”. Tháng 2-1946, Bác Hồ thay mặt Chính phủ và đồng bào cả nước tặng Nam bộ danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”.
Thế là sau ba thập kỷ kể từ Cách mạng Tháng Tám, ta mới giành được trọn vẹn độc lập, tự do và Nam bộ mới về đích một lượt cùng với cả nước. Ảnh: thvl.vn |
Nam bộ hòa cùng cả nước tiến hành cuộc Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ (2) để:
Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng! (3).
Nhưng
Đường giải phóng mới đi một nửa
Nửa mình còn trong lửa nước sôi (3).
Miền Nam vẫn chưa tái lập được hòa bình, chờ ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo Hiệp định Genève. Nhà tù, máy chém không khuất phục nhân dân Thành đồng Tổ quốc. Miền Nam trở thành tiền tuyến lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Kẻ thù hùng mạnh hơn, hung ác hơn, tiến hành nhiều kiểu chiến tranh, thử nghiệm tất cả các loại vũ khí, kể cả chất độc hóa học (chỉ trừ bom nguyên tử).
Miền Bắc trở thành hậu phương lớn, tất cả “Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai” với các phong trào “Phụ nữ ba đảm đang”, “Thanh niên ba sẵn sàng” để thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người cho tiền tuyến lớn.
Cứ “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ” và “xuyên đường trên biển” chi viện cho miền Nam, bất chấp địch leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc, vì “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Và khi địch âm mưu đánh trận cuối cùng “đưa miền Bắc nước ta trở lại thời kỳ đồ đá” thì quân và dân ta đã cho địch nếm trận “Điện Biên Phủ trên không”, đưa đến Hiệp định Paris “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn! (4).
Thế là sau ba thập kỷ kể từ Cách mạng Tháng Tám, ta mới giành được trọn vẹn độc lập, tự do và Nam bộ mới về đích một lượt cùng với cả nước để:
Lòng ta chung một Cụ Hồ
Lòng ta chung một Thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam! (2).
Từ ngày cùng với cả nước về đích độc lập, tự do đến nay đã hơn 38 năm, có biết bao khó khăn, thử thách của thời kỳ “giữ độc lập còn khó hơn” của những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phòng, thống nhất đất nước, nhất là đối với một thành phố hôm qua là thủ đô của địch.
Cái nôi của Nam bộ kháng chiến, thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn vinh dự mang tên Bác lại xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã khắc phục biết bao tình huống khó khăn mở đường đi lên, cống hiến to lớn vào công cuộc đổi mới của cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh đang giương cao khẩu hiệu “Vì cả nước, cùng cả nước”, tiếp tục “trọn nghĩa vẹn tình”, xứng đáng sự kỳ vọng của cả nước là một thành phố năng động, nhạy bén, sáng tạo vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, để góp phần làm cho:
Nước non Việt Nam ta vững bền! (5).
TRẦN QUÂN
(1) Nam bộ kháng chiến (nhạc và lời Tạ Thanh Sơn).
(2) Ta đi tới (thơ Tố Hữu).
(3) Ba mươi năm đời ta có Đảng (thơ Tố Hữu).
(4) Thơ chúc Xuân Kỷ Dậu năm 1969 của Bác Hồ.
(5) Quốc ca (Tiến quân ca, nhạc và lời Văn Cao).