Thứ Hai, 09/09/2013, 07:27 (GMT+7)
.

Phán quyết của DOC và những hành xử

Ngày 5-9, trong quyết định sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9), giai đoạn từ 1-8-2011 đến 31-7-2012 về thuế chống bán phá giá philê cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tăng mức thuế này lên hơn gấp đôi so với kỳ POR8 một năm trước. Tất nhiên mức thuế này sẽ bị các doanh nghiệp có liên quan phản đối.

Điểm bất cập trong phán quyết này, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), là do DOC đã chọn Indonesia làm quốc gia thay thế Bangladesh để tính thuế chống bán phá giá cho cá tra Việt Nam, trong khi Indonesia lại không có tên trong danh sách 6 nước thay thế mà DOC đã công bố vào ngày 8-11-2012.

Sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra còn nhiều “rối ren”.
Sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra còn nhiều “rối ren”.

Thật ra câu chuyện áp dụng thuế chống bán phá giá ở các nhóm sản phẩm của các nước không phải là điều mới mẻ. Đây là một trong những hình thức thuộc dạng rào cản thương mại được các nước áp dụng nhằm bảo hộ nền sản xuất trong  nước.

Và như vậy, không những cá tra, mà nhiều sản phẩm khác của Việt Nam cũng có thể bị những rào cản tương tự. Sở dĩ câu chuyện liên quan đến con cá tra lại ầm ĩ hơn là do đây là một trong những sản phẩm thủy sản mang tính độc quyền của Việt Nam, có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng chỉ sau hơn 10 năm tham gia xuất khẩu.

Thế nhưng, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu trên địa bàn tỉnh dường như không quá bất ngờ khi đón nhận thông tin liên quan đến những phán quyết của DOC. Trao đổi liên quan đến vấn đề này, các doanh nghiệp cho rằng, Mỹ là thị trường xuất khẩu tiềm năng của thủy sản nói chung và cá tra nói riêng nhưng cũng chưa phải là tất cả.

Thị trường chính của cá tra hiện tại là châu Âu và các nước châu Á. Con cá tra hiện đã có mặt trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, một thị trường rộng lớn với những nhu cầu tiêu thụ khác nhau. Việc thị trường Mỹ khó khăn cũng sẽ được thay thế bằng những thị trường khác.

Nhưng những ai am hiểu về xuất khẩu cá tra đều chỉ ra rằng,“rào cản thương mại” lớn nhất của ngành này hiện nay chính là ở những hành xử trong nước. Một vị giám đốc doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu có quy mô lớn tâm tư rằng, tình trạng phá giá xuất khẩu hiện nay mới chính là một mối nguy.

Ông dẫn chứng, giá cá tra xuất khẩu có lúc đạt trên 3 USD/kg thì nay chỉ xấp xỉ 2,5 USD/kg. Cứ một hội chợ thủy sản quốc tế diễn ra, với một mức giá xuất khẩu được chào cho đối tác thì ngay lập tức sẽ có mức giá của đơn vị khác thấp hơn.

Tình trạng này diễn ra thường xuyên làm thị trường không ít rối ren. Giai đoạn khó khăn hiện nay, tình trạng này càng phức tạp hơn nhằm nhanh chóng giải phóng lượng hàng tồn kho, quay nhanh vòng vốn. Chưa kể những vi phạm về chất lượng sản phẩm cũng thường xuyên diễn ra.

Có một thời hàng loạt nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, nhất là xuất khẩu cá tra được mọc lên, bất chấp có đủ tiềm lực hay không. Hậu quả là không ít doanh nghiệp hiện nay đang “rơi rụng” dần, do không có vùng nguyên liệu, không có khách hàng và không thể cầm cự được trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Kiểu làm ăn chụp giựt, “ăn xổi ở thì” đang dần được đào thải nhưng hậu quả để lại đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành sản xuất và tiêu thụ cá tra Việt Nam.

Những “rối ren” vốn đang tồn tại liên quan đến con cá tra trong nước sắp được điều chỉnh bằng nghị định về sản xuất và xuất khẩu cá tra của Bộ NN&PTNT. Chưa biết những tồn tại hiện nay được giải quyết đến mức nào, chứ thực tế những “rào cản” trong nước còn nguy hiểm hơn nhiều so với các phán quyết của DOC.

THẾ ANH

.
.
.