Thứ Tư, 16/10/2013, 05:21 (GMT+7)
.

Chặng đường cam go…

Chưa có câu trả lời nào thỏa đáng cho kịch bản nền kinh tế thế giới, trong nước, cũng như trên địa bàn tỉnh hiện nay. Có người nhận định rằng, vào cuối năm 2013 và 2014 tình hình sẽ khả quan, có người nói sớm nhất là đến năm 2015.

Nhưng đó là câu chuyện của tương lai, còn hiện tại câu trả lời nhiều nhất của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh là “thực sự khó khăn!”. Khó khăn đang diễn ra ở rất nhiều ngành, lĩnh vực chứ không phải chỉ những DN trong ngành Xây dựng, bất động sản… như trước đây. Trong 2 năm 2011-2012 cũng khó khăn, nhưng 2013 là khó nhất do hầu hết đã “dốc hết hầu bao” vốn tích lũy để cầm cự sản xuất – kinh doanh. Và trên thực tế, khủng hoảng kinh tế dội vào các DN Việt Nam có thể chậm hơn các nước.

Họp mặt nhân ngày Doanh nhân Việt Nam hàng năm là dịp để các doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất - kinh doanh.
Họp mặt nhân ngày Doanh nhân Việt Nam hàng năm là dịp để các doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất - kinh doanh.

Một giám đốc công ty chuyên xuất khẩu trái cây mà chúng tôi quen cách đây hơn 5 năm nói rằng, lúc này anh phải ra tận Bình Thuận làm trái thanh long. Nếu đợt này không thành công chắc phải bán nhà xưởng. Một thời anh là một trong những doanh nhân trẻ dám nghĩ, dám làm ở lĩnh vực kinh doanh nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, đầu tư cả nhà xưởng, kho lạnh với dây chuyền hiện đại, nhưng trong chóng vánh lại rơi vào khó khăn.

Không ít DN một thời là một trong những công ty kinh doanh lau bóng gạo xuất khẩu có quy mô cả trăm ngàn tấn mỗi năm, mới đây lại bị ngành Thuế áp dụng biện pháp đình chỉ sử dụng hóa đơn do nợ đọng thuế kéo dài… Và có lẽ con số 117 DN tạm ngừng hoạt động; 378 DN ngừng hẳn (giải thể, phá sản, bỏ trốn…) tính đến ngày 30-8 mà Cục Thuế đưa ra đã lý giải phần nào thực tế hiện nay.

Gần đây có một chi tiết đáng được lưu ý là kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 9 tháng qua vẫn tiếp tục tăng, đã lóe lên tia hy vọng cho nhiều người. Trong 9 tháng qua, toàn tỉnh đã đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên 757 triệu USD, tăng 15% so cùng kỳ năm trước và đạt 76% chỉ tiêu cả năm 2013. Với đà tăng trưởng khá nhanh và mạnh trong quý III (tăng 13,5% so với quý II), Tiền Giang có khả năng đạt và vượt chỉ tiêu 1 tỷ USD xuất khẩu năm 2013. Đây thực sự là thông tin đáng quan tâm trong giai đoạn nền kinh tế mà hầu hết DN than vãn là khó khăn.

Thế nhưng, nhiều người nói rằng kim ngạch xuất khẩu tăng chưa thể cho rằng tình hình kinh tế đã sáng sủa hơn. Bởi nếu phân tích sâu về kết quả xuất khẩu trên địa bàn tỉnh thời gian qua mới thấy rằng, mặc dù số lượng, giá trị xuất khẩu tăng nhưng chưa chắc các DN có lợi nhuận tăng vì do giá thành sản xuất tăng cao. Thứ hai, nhìn vào cơ cấu xuất khẩu chủ yếu tập trung vào những DN mới đầu tư thời gian gần đây hoặc những DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Bởi chỉ riêng xuất khẩu ống đồng (chủ yếu là của Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng - KCN Long Giang, Tân Phước) đã chiếm 102 triệu USD; ngành may mặc cũng đạt 153 triệu USD nhưng chủ yếu là hàng gia công, giá trị tăng thêm rất thấp. Trong khi các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Thủy sản, gạo… đều gặp rất nhiều khó khăn, tình hình tồn kho của các DN tương đối lớn. Do đó, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt 1 tỷ USD cũng không khó đạt được nhưng giá trị thực thế nào cũng cần được phân tích một cách cặn kẽ.

Ở một khía cạnh khác cũng cần xem xét về tình hình nội tại của các DN, liên quan đến tình hình thu ngân sách Nhà nước và tình trạng nợ đọng thuế. Không có lý gì tình hình hoạt động của các DN đang khởi sắc nhưng nợ đọng thuế lại ngày càng gia tăng, thu ngân sách Nhà nước lại khó khăn.

Một lãnh đạo Cục Thuế tỉnh đã nói rằng, chưa bao giờ thu ngân sách Nhà nước lại khó khăn như năm nay, đến hết quý III chưa thu được 70% kế hoạch năm. Trong khi tình hình nợ đọng thuế lại tiếp tục gia tăng. Theo đó, tổng số nợ thuế đến ngày 30-8 là 335 tỷ đồng. So đầu năm 2013, số tiền nợ thuế tăng 32,781 tỷ đồng; trong đó nợ khó thu tăng 10,231 tỷ đồng, nợ có khả năng thu tăng là 22,55 tỷ đồng. Nợ đọng thuế cứ tăng dần, trong khi ngành Thuế cũng đang dồn sức để xử lý những khoản nợ tồn đọng.

Trước những “ngổn ngang” của nền kinh tế, nhất là hoạt động của các DN, hiện tại không chỉ tỉnh mà cả nước đang thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất - kinh doanh, trong đó có các chính sách miễn, giảm, giãn thuế được thực hiện một cách tích cực.

Ngay bản thân nội tại các DN cũng đang trong quá trình soi rọi lại chính mình. Hầu hết DN đang trong quá trình tìm lối đi riêng để tồn tại và phát triển. Đó là điều hợp lý nhưng có lẽ chặng đường này còn lắm cam go…

PHƯƠNG ANH

.
.
.