Để có nhiều nông dân xài hàng Việt
Gần 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại kết quả rất đáng trân trọng, góp phần tạo động lực phát triển sản xuất trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khơi dậy lòng yêu nước của mọi người dân thông qua hành động tiêu dùng sản phẩm trong nước sản xuất.
Đó là nhận định dưới góc nhìn “kinh tế chính trị”. Cùng với đó còn có một góc nhìn văn hóa tiêu dùng, đáng kể hơn là góc nhìn văn hóa đời sống đại chúng từ thành thị đến nông thôn, từ các khu dân cư công nhân đến các chợ nông thôn và người dân miệt ruộng vườn.
Bây giờ, mỗi khi tổ chức phiên chợ hàng Việt, nhà tổ chức, doanh nghiệp, nhà phân phối… còn phối hợp thực hiện các chương trình văn hóa - văn nghệ, từ thiện - xã hội. Tất cả những hoạt động đó tạo thành ngày hội văn hóa trong mối quan hệ từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng…, thu hút đông đảo mọi người tham gia với khẩu hiệu được nhiều người nói gọn là “Người Việt - hàng Việt”.
Đồ chơi trẻ em và các sản phẩm khác của công ty nhựa Chợ Lớn ngày càng được nhiều người tin dùng. Ảnh: Vân Anh |
Trong ý nghĩa và nhận định khái quát về chuỗi “Người Việt - hàng Việt”, thiết nghĩ khâu phân phối là mắt xích quan trọng, có ý nghĩa như mạch máu kết nối từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng. Ngày nay, hệ thống phân phối phát triển với nhiều kênh cùng với chính sách hậu mãi, khuyến mãi khá hấp dẫn, đáng kể là kênh phân phối hiện đại bao gồm siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh chuyên về sản phẩm và cả thương mại điện tử…
So với kiểu phân phối theo truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại đã gặt hái được nhiều thành công và ngày càng trở thành kênh quảng bá hữu hiệu cho hàng hóa nói chung và đặc biệt là hàng hóa sản xuất trong nước; trong đó đáng khích lệ là “hàng Việt Nam chất lượng cao”.
Qua ghi nhận, hệ thống phân phối hiện đại tiêu thụ từ 70% - 80% lượng hàng sản xuất trong nước. Điều này đáng mừng, song cũng đặt ra vấn đề hàng Việt khu vực nông thôn còn quá khiêm tốn. Trong khi đó, lao động nông nghiệp ở nước ta, ở tỉnh ta vẫn còn chiếm tỷ lệ cao hơn khu vực đô thị và người lao động tại các khu, cụm công nghiệp. Tất nhiên, đối với người tiêu dùng miệt ruộng vườn thường phân tán, sức mua không cao, thậm chí chỉ tập trung sau mùa vụ và cả tình trạng khá phổ biến “mua trước, trả sau” (nói nôm na là mua chịu - bán chịu)…
Với nhận diện mang tính gợi mở về việc đưa hàng Việt về nông thôn trong mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, thiết nghĩ đây là vấn đề cần nghiên cứu để dân miệt ruộng vườn được hưởng lợi; đồng thời khai thác tốt nhất thị trường này.
Ngày nay, hệ thống giao thông phát triển đến từng thôn xóm, cùng với hệ thống chợ truyền thống và trong mọi ngõ ngách làng quê đều có tiệm tạp hóa, xuồng ghe mang hàng hóa đến tận nhà, tận ruộng… là mạng lưới phân phối như “cánh tay nối dài” mang hàng Việt thiết yếu đến tận tay người tiêu dùng miệt ruộng vườn.
Vấn đề đặt ra là nhà sản xuất làm ra hàng hóa hợp túi tiền và nhu cầu, nhà phân phối có cách tổ chức, chính sách, hợp đồng linh hoạt nhằm đưa hàng Việt đến với số đông người có thu nhập trung bình và thấp.
Trong thời gian qua đã xuất hiện những chuyện hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, đáng báo động hơn là việc thương nhân nước ngoài “tiếp cận”, gây tổn thất cho người sản xuất và tiêu dùng nông thôn…
Vì vậy, cùng với việc để dân miệt ruộng vườn xài hàng Việt chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu và túi tiền thì việc bảo vệ người tiêu dùng nông thôn, phòng ngừa và xử lý vi phạm trên thị trường nông thôn cũng là vấn đề cần quan tâm.
NGƯỜI SÔNG TIỀN