Tấm lòng tôn kính đối với vị tướng thiên tài qua góc ảnh Tiền Giang
Tối thứ sáu (4-10), anh bạn điện từ TP. Hồ Chí Minh: “Bác Giáp mất lúc chiều tối, các trang mạng trong và ngoài nước đã đưa tin trang trọng, Báo Ấp Bắc sưu tập tư liệu, có bài cho số tới về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhé!”. Dù biết tôi đã chuyển công tác, song anh vẫn nhắc với thói quen trước sự kiện lắng đọng lòng người và trên hết đó là lòng tôn kính vô hạn đối với vị đại tướng thiên tài…
Sáng sớm thứ bảy (5-10), anh bạn đang trực Ấp Bắc online điện và nhờ chỉ dẫn tìm trong tư liệu bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Tiền Giang.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham quan Trại rắn Đồng Tâm năm 1985. Ảnh: Trần Biểu |
Ngay khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp vĩnh biệt chúng ta, trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước đều dành vị trí trang trọng thông tin và ôn lại bao câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp lớn lao của vị đại tướng đầu tiên của Việt Nam, vị tướng lừng danh thế giới với bao sự kiện lịch sử như huyền thoại…
Với chúng tôi, những người làm báo tỉnh lẻ, mỗi lần được tòa soạn phân công tác nghiệp khi Đại tướng về thăm Tiền Giang hoặc có dịp thực hiện đề tài về Đại tướng thì đó là cả niềm hạnh phúc. Trước cuộc đời và sự nghiệp lớn lao của Đại tướng, xin kính cẩn ghi ra đây một góc tư liệu nhỏ mà các anh công tác ở Báo Ấp Bắc vinh dự được tác nghiệp và lưu giữ.
Trong chuyến Đại tướng về Tiền Giang đầu tiên, có không ít phóng viên Trung ương và địa phương tháp tùng. Cánh phóng viên Tiền Giang khi đó có anh Trần Biểu, nhà nhiếp ảnh kỳ cựu từ kháng chiến chống Mỹ và phóng viên Nguyễn Thiểu của Báo Ấp Bắc.
Đến bây giờ các bức ảnh chụp Đại tướng với lãnh đạo tỉnh, với Đại tá Trần Văn Dược báo cáo trước Đại tướng về Xí nghiệp Dược liệu Quân khu 9 (Trại rắn Đồng Tâm) vẫn còn lưu giữ và sử dụng trên các ấn bản đặc biệt. Cũng xin nói thêm, trong chuyến về Tiền Giang lần này, Đại tướng có đến thăm và hỏi chuyện một học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, tin rằng nhiều người vẫn còn nhớ…
Trong Kỷ yếu Đảng bộ Tiền Giang (1930-2010) có in bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với cán bộ Tiền Giang nhân Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Buổi nói chuyện hôm ấy diễn ra tại Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng (Trường Tiểu học Lê Quý Đôn - phường 4, TP. Mỹ Tho hiện nay).
Được nghe vị tướng trực tiếp chỉ huy đánh thắng trận Điện Biên Phủ lẫy lừng, mỗi người dự khán như khắc ghi từng lời… Là phóng viên, trước không khí lắng đọng, đặc biệt là trước cái thần của vị Đại tướng, tôi cố trấn an, vững tin chụp những bức ảnh… để đời. Buổi nói chuyện hôm ấy tỉnh có tổ chức ghi âm. Tư liệu ấy nếu còn lưu giữ thì quý biết dường nào.
Cùng với 2 sự kiện Đại tướng về thăm Tiền Giang mà tôi biết được, tôi cùng nghệ sĩ, Nhà báo Duy Anh được vinh dự gặp và tác nghiệp về Đại tướng. Với tôi, đó là lần dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII tại Hà Nội. Trong giờ giải lao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ân cần gặp gỡ và trả lời phỏng vấn các nhà báo. Thế là cánh nhà báo Đồng bằng sông Cửu long tranh thủ quây quần bên vị tướng lừng danh, tôi nhanh chóng ghi lại những hình ảnh Đại tướng cùng đồng nghiệp, hẳn nhiên là tôi cũng có bức ảnh để đời.
Sau này Nhà báo Nguyễn Bé, Tổng Biên tập Báo Cà Mau xin lại bức ảnh như kỷ vật đời làm báo. Với Duy Anh, tôi đã tạo hiệu ứng mạnh khi đăng bộ ảnh anh sáng tác về Đại tướng trong đời thường. Đó là năm Đại tướng tròn 100 tuổi, bộ ảnh của Duy Anh đăng trang trọng trên Báo Ấp Bắc càng lung linh vẻ đẹp của một vị tướng nhân dân mà hiếm có tờ báo Đảng địa phương nào có được (một trong những bức ảnh trong bộ ảnh đó vừa đăng trang trọng trên trang nhất Báo Người Lao Động hôm qua).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không còn trên cõi đời, nhưng cuộc đời và sự nghiệp lớn lao vẫn lưu truyền. Ở một góc ảnh nhỏ trên Báo Ấp Bắc – Tiền Giang chỉ xin ghi lại đây những dòng tư liệu về những bức ảnh là niềm hạnh phúc khắc ghi, là sự tôn kính vô hạn về một vị tướng thiên tài của thời đại.
NGƯỜI SÔNG TIỀN