Thứ Bảy, 09/11/2013, 09:20 (GMT+7)
.

Biến đổi khí hậu gây thiệt hại vô cùng lớn

Các cơn bão lớn làm mùa màng thất bát, gây thiệt hại nhiều tỷ USD; việc khống chế dịch bệnh phát tán sau bão lũ cũng cần một số tiền khổng lồ. Khí hậu càng khắc nghiệt càng làm các nền kinh tế thiệt hại nặng nề.

Các tổn thất về kinh tế do biến đổi khí hậu (BĐKH) ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Người dân phải chịu cảnh giá cả thực phẩm và nhiên liệu leo thang; các chính phủ phải đối mặt với việc lợi nhuận từ các ngành du lịch và công nghiệp giảm sút đáng kể; nhu cầu thực phẩm và nước sạch sau mỗi đợt bão lũ rất cấp thiết cũng như chi phí khổng lồ để dọn dẹp đống đổ nát sau bão lũ, và các căng thẳng về đường biên giới.

Theo dự báo, sẽ có khoảng 1,8 tỷ người trên thế giới sẽ khó khăn về nước sạch và 600 triệu người bị suy dinh dưỡng vì thiếu lương thực do ảnh hưởng của BĐKH toàn cầu trong những năm tới.

tình trạng ô nhiễm không khí với lượng khí thải CO2 quá lớn đang làm cho 50 triệu người chết mỗi năm.
Tình trạng ô nhiễm không khí với lượng khí thải CO2 quá lớn đang làm cho 50 triệu người chết mỗi năm. Ảnh: Như Lam

Theo báo cáo của Diễn đàn các nước dễ bị tổn thương vì BĐKH (Climate Vulnerable Forum), BĐKH đang làm cho tổng sản lượng kinh tế thế giới (GDP) mất đi 1,6% mỗi năm. Nếu không nhanh chóng có biện pháp khắc phục, tổn thất sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới.

Bản phúc trình “Giám sát tính dễ bị tổn thương do khí hậu” (ấn bản 2013) thực hiện theo sự ủy nhiệm của 20 chính phủ đã phác họa ra một bức tranh ảm đạm về các thiệt hại phát sinh từ BĐKH.

Báo cáo đã ghi nhận: Việc các nước thất bại trong việc chống lại hiện tượng BĐKH đã làm cho kinh tế thế giới bị mất 1,6% GDP mỗi năm, tương đương với 1.200 tỷ USD. Ngoài ra, xu hướng nhiệt độ tăng và ô nhiễm vì lượng khí thải CO2 tăng vọt sẽ làm cho thiệt hại kinh tế lên đến mức 3,2% GDP của thế giới vào năm 2030. 

Bản phúc trình cho hay tuy các nước nghèo phải đối mặt với thiệt hại kinh tế nặng nề tính theo tỷ lệ giảm GDP, nhưng các quốc gia lớn sẽ không tránh khỏi tai họa. Theo đó, trong không đầy 20 năm tới, Trung Quốc sẽ phải gánh chịu phần tổn thất lớn nhất, ước tính hơn 1.200 tỷ USD. Nền kinh tế Mỹ có thể mất đi 2% GDP; Ấn Độ cũng bị thiệt hại trên 5% GDP.

Tác động đồng thời của BĐKH kéo theo nạn đói và bệnh tật, tình trạng ô nhiễm không khí với lượng khí thải CO2 quá lớn đang làm cho 50 triệu người chết mỗi năm. Nếu các quốc gia không làm gì, số người chết do ảnh hưởng của BĐKH có nguy cơ lên đến 100 triệu vào năm 2030.

Theo báo cáo trên, tình trạng ấm lên toàn cầu do tác động của khí thải gây hiệu ứng nhà kính, mức nước biển dâng lên và các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt sẽ đe dọa đến cuộc sống của hàng triệu người dân. Số liệu thống kê cho thấy hàng năm có tới 5 triệu người chết do ô nhiễm không khí, nạn đói và bệnh tật vì tác động của BĐKH và lượng khí thải CO2 quá lớn. Nếu các loại nhiên liệu hóa thạch thải nhiều khí thải có hại tiếp tục được sử dụng, số người chết có thể lên tới 6 triệu người vào năm 2030.

John Befington, Trưởng cố vấn khoa học của chính phủ Anh, cảnh báo 3 xu thế: BĐKH, tăng dân số và nguồn tài nguyên khan hiếm hơn đan xen nhau từ nay đến năm 2030 có thể dẫn đến tình hình bất ổn trên quy mô lớn, với các cuộc di cư ồ ạt vì người dân sẽ trốn chạy khỏi những vùng thiếu nước và lương thực. 

Trong khi đó, nhà kinh tế Anh Nicholas Stern cho biết, chỉ cần khoản đầu tư tương đương 2% GDP toàn cầu là đủ để hạn chế, ngăn chặn và giúp thích ứng với tình trạng BĐKH. Ông Stern dự đoán việc nhiệt độ trái đất tăng trung bình 2-3 độ C trong 50 năm tới sẽ làm giảm  20% mức tiêu thụ năng lượng bình quân tính trên đầu người.

Năm 2010, gần 200 quốc gia đã nhất trí rằng phải giới hạn mức độ tăng nhiệt độ trái đất dưới 2 độ C, song các nhà khoa học cảnh báo cơ hội để đạt mục tiêu này đang nhỏ dần, trong bối cảnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kinh ngày càng tăng lên do việc sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch.

Đã đến lúc nhân loại cần biết cái gì làm được và cái gì không làm được để nuôi sống cả một thế giới trong thời kỳ BĐKH. Đó là vấn đề mang tính sống còn đối với trái đất, nơi hiện nay vẫn còn 1/7 số người bị đói.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.