Chủ Nhật, 24/11/2013, 10:14 (GMT+7)
.

Một số bài học kinh nghiệm sau nửa chặng đường

Trong Báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã nêu một số bài học kinh nghiệm bước đầu qua 3 năm thực hiện kế hoạch (2011-2013). Có thể nhìn nhận các bài học kinh nghiệm dưới một số góc độ cụ thể.

Bài học đầu tiên là kịp thời điều chỉnh mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm. Trước những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới kéo dài, những hạn chế, yếu kém vốn có của nền kinh tế cùng với tác động của chính sách kích cầu năm 2009 để hỗ trợ tăng trưởng khiến lạm phát tăng cao, lặp đi lặp lại (bình quân 2008-2012 CPI tăng gần 13,4%/năm) tác động xấu đến cân đối kinh tế vĩ mô... Chính phủ đã kịp thời điều chỉnh mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm, chuyển sang tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý…

Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam

Với sự điều chỉnh này, một số ngành, lĩnh vực đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Lạm phát năm 2013 ước khoảng 7%, cũng là năm đầu tiên không lặp lại chu kỳ “hai năm cao, một năm thấp”.

Quan hệ buôn bán với nước ngoài từ chỗ nhập siêu lớn đã chuyển sang xuất siêu (năm 2012) và có thể nhập siêu nhẹ trong năm nay. Dự trữ ngoại hối đã tăng từ 6,5 tuần nhập khẩu cuối năm 2011 lên khoảng 12 tuần vào cuối 2012, 2013; tỷ giá ổn định trong thời gian tương đối dài.

Tỷ lệ tổng thu ngân sách/GDP giảm nhanh từ 27% trước kia xuống còn 22-23% trong vài năm nay và có thể xuống thấp hơn theo mục tiêu 2014, theo hướng “khoan thư sức dân”, “nuôi dưỡng nguồn thu”. Tăng trưởng kinh tế được đề ra thấp so với mục tiêu 5 năm và việc thực hiện đã có xu hướng cao lên trong năm 2013. Mặc dù tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu, cân đối ngân sách khó khăn, nhưng vẫn nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội…

Bài học thứ hai, trong khi tập trung cao nhất cho mục tiêu ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cần bảo đảm các điều kiện cần thiết cho tăng trưởng hợp lý, đồng thời thực hiện các mục tiêu khác. Để tăng trưởng hợp lý, cần quan tâm đến các giải pháp về lãi suất, tăng trưởng dư nợ tín dụng; tăng tổng cầu và hỗ trợ phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tranh thủ các cơ hội, các ưu đãi trong cam kết các hiệp định thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bài học thứ ba, khi mục tiêu đã được điều chỉnh, cần bám sát mục tiêu để có giải pháp điều hành. Qua 2 năm kiềm chế lạm phát cho thấy, việc điều hành lạm phát theo mục tiêu, tránh lạm phát quá thấp từ tháng 3 đến tháng 7, rồi tăng cao vào tháng 8, tháng 9 để tránh từ cực đoan này sang cực đoan khác. Mục tiêu năm 2014 cũng chuyển từ kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát.

Bài học thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa “bàn tay hữu hình” của Nhà nước và “bàn tay vô hình” của thị trường. “Bàn tay vô hình” gắn với sự chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường, gắn với quy luật và hiệu quả, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các chủ thể trên thị trường và cạnh tranh là động lực của phát triển.

Tuy nhiên, “bàn tay vô hình” cũng có những tác động tự phát trong một số ngành, lĩnh vực, đối với một số đối tượng yếu thế, như người nghèo, trẻ em, bà con dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, dịch vụ công (giáo dục, y tế…). Song, để “bàn tay vô hình” phát huy tác dụng thì phải dựa trên cơ sở cạnh tranh; muốn cạnh tranh thì phải có nhiều doanh nghiệp, nhiều loại hình cùng hoạt động, bởi độc quyền là kẻ thù của cạnh tranh.

“Bàn tay hữu hình” có khả năng hạn chế tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, che chắn cho các đối tượng yếu thế, hướng các tác động tích cực của cơ chế thị trường theo định hướng “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Tuy nhiên, bản thân “bàn tay hữu hình” xuất phát từ chủ quan con người, mà chủ quan của con người thì khó tránh khỏi những bất cập trong việc nắm bắt những diễn biến thực tế hiện xảy ra rất nhanh, phức tạp, khó lường cũng như năng lực phân tích dự báo còn hạn chế.

Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với giá một số loại hàng hóa, dịch vụ công là cần thiết, đúng hướng, nhưng chưa tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, có một phần do tính độc quyền còn cao, tính cạnh tranh còn ít, lại chưa thật minh bạch công khai, sự giám sát kiểm tra của cơ quan Nhà nước, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương, sự cẩn trọng về liều lượng, thời điểm điều chỉnh.

Bài học thứ năm, kết hợp các giải pháp điều hành cơ bản với các giải pháp tình thế. Các giải pháp tình thế có tác dụng tăng tính linh hoạt trong điều hành, xử lý các hiệu ứng phụ từ những giải pháp chính khi thực hiện mục tiêu ưu tiên (chẳng hạn từ sau Tết Nguyên đán cho đến tháng 8, tháng 9, theo thông lệ nhu cầu tiêu dùng giảm xuống nhanh, thì có thể xem xét lựa chọn một hoặc một số giải pháp như hạ lãi suất, tăng tín dụng, điều chỉnh lương tối thiểu, điều chỉnh giá theo lộ trình giá thị trường…, tránh thực hiện vào 2 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm). Tuy nhiên, giải pháp tình thế thường có tính ngắn hạn, dễ phát sinh các hiệu ứng phụ, dễ cuốn hút vào các "vòng xoáy" (như lạm phát-thắt chặt-suy giảm-nới lỏng-lạm phát)…

Biện pháp cơ bản có tác dụng lâu dài giữ cho việc thực hiện đúng định hướng đã đề ra, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, bảo đảm cho các quy luật của kinh tế thị trường phát huy tác dụng. Chẳng hạn, để kiềm chế lạm phát, phải có giải pháp tác động đến các yếu tố của lạm phát, như chi phí đẩy, cầu kéo, tài khóa, tiền tệ, tâm lý, đặc biệt là yếu tố tiềm ẩn, nguyên nhân sâu xa của lạm phát là hiệu quả đầu tư thấp, năng suất lao động thấp.

Để phát triển bền vững, phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược; ngay cả khi tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô… nhưng vẫn phải triển khai thực hiện các giải pháp cơ bản nói trên.

Bài học thứ sáu là tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các chủ trương, chính sách; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bài học thứ bảy là thông tin phải trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời, toàn diện, giúp cho việc nắm bắt nhanh những diễn biến mới của thực tiễn đất nước, khắc phục cho được bệnh thành tích trong việc đánh giá, báo cáo tình hình. Phân tích để thấy sâu sắc hơn sự chuyển biến từ số lượng sang chất lượng, để rút ra những vấn đề có tính chất quy luật. Cùng với đó là dự báo chính xác xu hướng diễn biến của tình hình để xác định mục tiêu, chính sách, giải pháp phù hợp.

Bài học thứ tám, ổn định kinh tế-xã hội, chống tham nhũng, cải cách hành chính để có lòng tin; có đột phá, có xung lực mới trong tư duy mới có phát triển.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.