Thứ Hai, 02/12/2013, 13:56 (GMT+7)
.

Chào mừng Hiến pháp sửa đổi

Ngày 28-11-2013, Quốc hội (QH) nước ta đã thông qua toàn văn Hiến pháp (sửa đổi năm 1992) với tỷ lệ biểu quyết tán thành chiếm 97,59%, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014.

Trước khi các đại biểu bấm nút, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu, khẳng định bản dự thảo Hiến pháp trình QH thông qua lần này là kết quả của quá trình làm việc cần mẫn, tâm huyết, tận tụy của các đại biểu QH, được cử tri trong và ngoài nước, các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị tham gia… Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới và được chuẩn bị với tinh thần như vậy nên đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân.

Chủ tịch QH còn nói thêm:“Chúng tôi cũng hiểu rằng, trong một bộ phận, một số người thuộc các tầng lớp nhân dân chúng ta và ngay cả một số vị đại biểu QH còn có những ý kiến khác. Tuy nhiên, tuyệt đại bộ phận nhân dân và QH đã đồng tình cao với dự thảo lần này. Những ý kiến còn khác so với dự thảo ở khoản này, điều kia, câu nọ thì chúng tôi, QH chúng ta hết sức trân trọng để tiếp tục nghiên cứu trong quá trình đổi mới đất nước”.

Như vậy, đây là bản Hiến pháp thứ năm tính từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ban hành ngày 9-11-1946. Sau đó là các bản Hiến pháp (sửa đổi) năm 1959, 1980, 1992. Các giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân được ghi trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta.

Năm 2013, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được thông qua, là năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực thi hành và cũng là năm lần đầu tiên ngày 9-11, ngày ra đời bản Hiến pháp đầu tiên, trở thành Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam.

Với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Ngày Pháp luật năm nay có ý nghĩa đặc biệt, là sự mở đầu cho một giai đoạn mới xây dựng ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước và đời sống xã hội.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 40 quốc gia tổ chức Ngày Pháp luật hoặc Ngày Hiến pháp như một ngày hội để kỷ niệm ngày ký ban hành Hiến pháp của nước mình, qua đó xây dựng ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội. Ở nước ta, ý tưởng Ngày Pháp luật bắt nguồn từ sáng kiến của các địa phương, từ các tỉnh Hà Tây (cũ), Long An, Tiền Giang… Từ đầu năm 2010, mô hình Ngày Pháp luật đã được lan tỏa ra hầu hết các bộ, ngành và tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Gần đây, theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Nghị định quy định chi tiết thi hành, Ngày Pháp luật được luật hóa tại Điều 8 nhằm khẳng định vai trò, vị trí của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật.

Hiến pháp sửa đổi mới là Hiến pháp của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Để Hiến pháp và pháp luật đi vào cuộc sống, đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị.

Trong đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật có vai trò quan trọng hàng đầu, phải đảm bảo mọi vi phạm pháp luật đều bị xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; khuyến khích và tạo điều kiện hình thành phong trào nhân dân tự quản bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, làm cho pháp luật trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người.

Vẫn khẩu hiệu đó vang lên trong Nhà nước pháp quyền:“Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

TRẦN  QUÂN

.
.
.