Năm 2014, nền kinh tế nước ta tiếp tục đối mặt thách thức
Theo nhận định mới nhất của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tăng trưởng và sản xuất đã có sự chuyển biến tích cực đi lên về cuối năm.
Tuy nhiên, Ủy ban này cũng cho rằng, tăng trưởng vẫn còn ở mức thấp, cân đối ngân sách còn nhiều thách thức và các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn. Đây cũng chính là những vấn đề tiếp tục đặt ra cho năm 2014.
Sức mua của người dân chậm cải thiện, thể hiện qua mức hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng cũng như vận chuyển hàng hóa tăng chậm hơn cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 chỉ ở mức 0,34% so với tháng 10. Như vậy, tốc độ lạm phát (so với cùng kỳ) trong tháng 11/2013 đã chậm lại ở mức thấp thứ 2 kể từ năm 2003 trở lại đây (chỉ sau năm 2009).
Phân tích nguyên nhân, Ủy ban này cho rằng chủ yếu là do tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu, khiến cho mức tăng giá của các tháng cuối năm nay tăng thấp, trái với thông lệ thường thấy trong 10 năm gần đây.
Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu cải thiện vào cuối năm nhờ xuất khẩu tăng khá nhưng vẫn chưa hết khó khăn. Ảnh: Như Lam |
Theo Ủy ban Giám sát, lạm phát năm 2013 bị chi phối chủ yếu bởi yếu tố chi phí đẩy như điều chỉnh giá dịch vụ công và giá các nhóm hàng cơ bản do Nhà nước quản lý.
Dự báo cả năm, lạm phát sẽ không quá 6,3%, mục tiêu kiềm chế lạm phát thấp hơn so với năm 2012 là hoàn toàn khả thi.
Sản xuất có dấu hiệu cải thiện nhưng vẫn chưa hết khó khăn
Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu cải thiện vào cuối năm nhờ xuất khẩu tăng khá nhưng vẫn chưa hết khó khăn. Mức tăng chỉ số IIP cả năm 2013 dự kiến chỉ bằng năm 2012 (5.8%) và vẫn thấp hơn so với các năm 2011 và 2010. Tính đến hết tháng 11, IIP tăng 5,6% (cùng kỳ năm ngoái là 5,1%).
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức phục hồi khá hơn mặt bằng chung ở mức 7,1%, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm tăng 16,2% so với cùng kỳ. Chỉ số PMI tháng 10 cũng đạt trên 50 điểm liên tiếp trong 2 tháng sau khi dưới 50 điểm trong 4 tháng trước đó, chủ yếu nhờ lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng.
Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước cũng có chuyển biến nhưng tăng trưởng thấp hơn nhiều (tăng 3,6%) so với khu vực FDI (23,5%).
Tuy vậy, sản xuất cải thiện cũng đã giúp hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước đã tăng khá trở lại, đặc biệt là hoạt động nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất.
Doanh nghiệp bớt khó khăn hơn với số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động có xu hướng tăng dần qua từng tháng (so với cùng kỳ) và số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã tăng thấp hơn so với các tháng trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ 2012, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn tăng và tổng số vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp vẫn giảm (11 tháng giảm 15,4%).
Nhìn chung nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, dòng tín dụng chưa được hấp thụ tốt, cầu tiêu dùng trong nước còn yếu khiến sản xuất khó tăng trưởng mạnh. Tính đến 31-10-2013, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế mới đạt 7,18%, mới đạt xấp xỉ 60% kế hoạch cả năm. Tín dụng một số lĩnh vực ưu tiên vẫn tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế: tín dụng công nghiệp phụ trợ và tín dụng cho xuất khẩu tăng thấp và tín dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng âm.
Thu ngân sách chính vì vậy cũng thấp hơn kế hoạch. Lũy kế đến tháng 11 thu NSNN ước đạt 701.760 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng mới đạt 86% dự toán15.
Dự kiến cả năm 2013, thu NSNN đạt 97% dự toán năm; đưa mức bội chi NSNN lên mức 5,3% GDP, cao hơn 0,5% GDP so với kế hoạch. Điều này đã ảnh hưởng đến cân đối ngân sách trung hạn.
Dần lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư nước ngoài
Tuy còn khó khăn, nhưng với những thành quả đạt được trong nỗ lực duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên kiềm chế lạm phát của Chính phủ, nhà đầu tư nước ngoài đã có niềm tin trong trung hạn của các đối với kinh tế Việt Nam, biểu hiện là dòng vốn FDI, đặc biệt là vốn FDI đăng ký, đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2012.
Tính đến tháng 11-2013, vốn FDI đăng ký đạt 20,82 tỷ USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ. Vốn FDI gải ngân đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Điều này góp phần gia tăng nguồn cung ngoại tệ, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối và ổn định tỷ giá.
Về thị trường tiền tệ, UBGSTCQG nhận định tiếp tục có những cải thiện tích cực. Tỷ giá hối đoái từ đầu năm đến nay khá ổn định và chỉ có vài biến động nhỏ mang tính thời vụ và tâm lý nhất thời. Theo nhận định của UBGSTCGQ, thị trường ngoại hối và tỷ giá hối đoái nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được sự ổn định trong những tháng cuối năm 2013 do cung và cầu ngoại hối trên thị trường trong những tháng cuối năm vẫn ổn định, dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng khá.
Tình trạng nợ xấu có sự cải thiện hơn nhờ nỗ lực tái cơ cấu nợ và xử lý nợ xấu từ phía các NHTM và NHNN. Nhờ đó đã giúp tháo gỡ khó khăn về chi phí tài chính cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. Theo NHNNN, tính đến tháng 9-2013, tổng số nợ các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ, trong đó khoảng 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại đã trở thành nợ xấu.
Ngoài ra, 101 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý từ nguồn trích lập dự phòng của các TCTD (kể từ năm 2012 đến tháng 9-2013). Tính đến 15-11-2013, VAMC xử lý được 17.300 tỷ đồng nợ xấu và dự kiến trong năm 2013, xử lý được khoảng 30-35 nghìn tỷ nợ xấu.
Cán cân thanh toán quốc tế năm 2013 dự báo thặng dư khoảng 1,5-2 tỷ USD. Trong đó, cán cân vãng lai thặng dư khoảng 6% GDP trong nửa đầu năm, là năm thứ 2 liên tiếp thặng dư sau nhiều năm tăng trưởng âm, nhờ vào thặng dư thương mại và kiều hối đạt khá.
(Theo vov.vn)