Thứ Sáu, 27/12/2013, 10:30 (GMT+7)
.

Những điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế 2013

Điểm sáng dễ thấy nhất là tăng trưởng GDP đã cao lên qua các quý, một mặt phản ánh xu hướng của tăng trưởng kinh tế, mặt khác thể hiện sự kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự cố gắng khắc phục khó khăn để vượt lên của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân.

k
 Ngành chế tạo tốc độ GDP tăng 7,44%. Ảnh: Duy Sơn

Nếu năm 2012, tăng trưởng GDP ở mức đáy (tính từ năm 2000), thấp hơn cả mức 5,4% của năm 2009, năm mà cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới bùng phát, thì tăng trưởng của năm 2013 có thể được coi là đã thoát đáy.

Tăng trưởng nhóm ngành dịch vụ vừa cao hơn tốc độ chung, vừa cao hơn tốc độ tăng của năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, sau khi đã loại trừ yếu tố giá, đã tăng 5,6%, cao hơn tốc độ tăng GDP; luân chuyển hành khách tăng 5,4%.

các nhóm ngành khác, cũng có những ngành có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng chung, như lâm nghiệp tăng 5,78%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,44%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 8,54%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,10%, xây dựng tăng 5,83%,...

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục đạt kỷ lục mới, đạt trên 7,57 triệu lượt người, tăng 10,6%; xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 7,53 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.

Chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện một bước với hiệu quả đầu tư được nâng lên, khi hệ số ICOR năm 2013 đã thấp hơn năm 2012 (5,6 lần so với 5,9 lần).

Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê.
Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê.

Tốc độ tăng năng suất lao động năm nay cao hơn năm trước (4% so với 2,5%) do tốc độ tăng GDP cao hơn, tốc độ tăng số lao động đang làm việc chậm hơn (1,36% so với 2,68%), cùng cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tỷ trọng lao động đang làm việc trong nhóm ngành có năng suất lao động thấp là nông, lâm nghiệp- thuỷ sản giảm (từ 47,4%, xuống còn 46,9%), tỷ trọng lao động của 2 nhóm ngành có năng suất lao động cao là công nghiệp- xây dựng và dịch vụ tăng (từ 52,6% lên 53,1%), nên.

GDP bình quân đầu người tính theo giá thực tế đạt xấp xỉ 40 triệu đồng/người, cao hơn con số tương ứng của năm trước (36,6 triệu đồng). Do tỷ giá VND/USD bình quân tăng thấp (tăng 0,66%, từ 20.901 VND/USD lên 21.039 VND/USD), nên GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái thực tế bình quân có thể đạt xấp xỉ 1.900 USD, tính ra tổng GDP tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái thực tế bình quân đạt trên 170 tỷ USD. Nếu tính theo tỷ giá sức mua tương đương thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam có thể vượt qua mốc 4.000 USD và tổng GDP có thể vượt qua mốc 366 tỷ USD.

Đà cao lên qua các quý và tăng trưởng thoát đáy của năm 2013 là tín hiệu khả quan để nhìn về năm 2014 (dù tăng trưởng cao hơn không dễ dàng, theo chỉ tiêu kế hoạch là 5,8%) trong việc thực hiện các mục tiêu việc làm, xã hội và chống nguy cơ tụt hậu.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.